Breaking News

Du lịch cắm trại ven hồ Trị An: Ồ ạt làm dịch vụ lều trại cao cấp

Rộ du lịch cắm trại glamping tự phát ven hồ Trị An

Từ năm 2022 đến nay, ven hồ Trị An thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) bắt đầu rộ lên mô hình du lịch cắm trại cao cấp (du lịch glamping). Loại hình du lịch này đã thu hút nhiều du khách là các nhóm bạn trẻ, gia đình từ các địa phương lân cận như: TP.HCM, TP Biên Hòa, Bình Dương…

Glamping ven hồ Trị An (Bài 1): Du lịch lều trại cao cấp tự phát ven hồ Trị An "lên ngôi" - Ảnh 1.

Nhiều cơ sở du lịch tự phát ven hồ Trị An thuộc xã Mã Đà. Ảnh: Nha Mẫn

Đa phần các cơ sở làm du lịch glamping ven hồ Trị An đều hoạt động tự phát, người sau theo người trước. Các lều trại này chủ yếu dựng ở vùng bán ngập lòng hồ Trị An hoặc trên khu đất người dân nhận khoán từ Khu bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai. 

Du lịch cắm trại ven hồ Trị An (Bài 1): Buộc tháo dỡ hàng loạt lều trại du lịch cao cấp tự phát - Ảnh 2.

Hình thức du lịch cắm trại ở đây đã thu hút nhiều du khách. Ảnh: Nha Mẫn

Chia sẻ với Dân Việt, ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu cho biết, Mã Đà là một xã chuyên làm nông nghiệp, đa phần người dân đều ký hợp đồng với Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, nhận đất khoán để trồng xoài.

Sau dịch Covid-19, khách du lịch từ TP.HCM và nhiều nơi khác về địa phương tự cắm trại trên lòng hồ Trị An khi nước rút. Nhận thấy địa bàn xã Mã Đà có rừng có hồ, có sản vật nông nghiệp, dễ hút khách du lịch nên nhiều người dân bắt đầu lắp đặt bạt lều trên đất nhận khoán để cho khách thuê mướn.

Du lịch cắm trại ven hồ Trị An (Bài 1): Buộc tháo dỡ hàng loạt lều trại du lịch cao cấp tự phát - Ảnh 3.

Các cơ sở du lịch đang tháo dỡ dần các hạng mục. Ảnh: Nha Mẫn

"Do địa bàn rộng, rừng - hồ là chủ yếu, nhiều nơi không có sóng điện thoại, lực lượng cán bộ mỏng nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Gần đây qua kiểm tra, chấn chỉnh lại du lịch trên địa bàn, chúng tôi phát hiện có 30 điểm kinh doanh du lịch tự phát. Trong đó đa phần hoạt động từ khoảng năm 2020, số còn lại khoảng gần 10 cơ sở đã hoạt động từ 10 - 20 năm rồi", ông Sơn nói.

Ông Sơn trình bày thêm, thực tế trong số hơn 30 cơ sở làm du lịch tự phát trên địa bàn có hơn 20 cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên trong giấy phép kinh doanh nêu rõ, cơ sở phải đáp ứng đúng quy định, phải đủ điều kiện mới được kinh doanh.

Clip: Người dân làm du lịch tháo dỡ hạng mục trên vùng bán ngập lòng hồ Trị An

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Phạm Huy Hoàng, quản lý The Emma Glamping (cơ sở có quyết định cưỡng chế nhưng có đơn xin gia hạn đến ngày 10/5 tự tháo dỡ) cho biết, đã đầu tư một con số rất lớn vào lều trại, sàn và mới đón khách được hơn 5 tháng, chưa thu đủ vốn. Khi làm hình thức du lịch này, vì biết không được xây dựng nên cơ sở anh đã dựng lều bạt, nhà tôn, kệ lắp ghép.

"Tôi cứ nghĩ không cấm thì được làm. Chúng tôi cũng chỉ làm các hạng mục tạm, không xây nhà kiên cố và hoạt động đảm bảo an toàn cho du khách", anh Hoàng nói. 

Glamping ven hồ Trị An (Bài 1): Du lịch lều trại cao cấp tự phát ven hồ Trị An "lên ngôi" - Ảnh 5.

Ven hồ Trị An có nhiều điểm du khách đến cắm trại. Ảnh: Nha Mẫn

Tương tự, ông Nguyễn Viết Thăng, chủ cơ sở du lịch Suri Camping cho biết, trước đây ông chuyên trồng xoài nhưng 1ha xoài thu về chỉ được khoảng 30 triệu/năm, có những năm thua lỗ nặng. Từ khi chuyển sang làm du lịch sinh thái gia đình ông Thăng mới bắt đầu có kinh tế ổn định dần, thu nhập tăng gấp 7 - 10 lần so với trước.

Ngoài những cơ sở du lịch tự phát từ năm 2022, tại xã Mã Đà cũng có nhiều cơ sở du lịch tồn tại gần 2 thập kỷ. Chị Hồ Thị Phương Yến, người điều hành tại địa điểm du lịch Napy Garden cho biết, năm 2003, gia đình chị đã về đây sinh sống, làm vườn.

Du lịch cắm trại ven hồ Trị An (Bài 1): Người dân ồ ạt đua nhau làm du lịch lều trại cao cấp - Ảnh 6.

Gia đình chị Yến về Mã Đà đã 20 năm để làm du lịch. Ảnh: Nha Mẫn

Ngày từ năm 2011, cơ sở du lịch của chị Yến đã phát triển mạnh khâu phục vụ ẩm thực, đưa khách tham quan rừng, thủy điện Trị An…

Clip: Ông Trần Đức Sơn chia sẻ về thực trạng du lịch tại địa phương

Du lịch cắm trại tự phát nảy sinh nhiều hệ luỵ

Trao đổi với Báo Dân Việt, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cho biết, các hộ dân ở Mã Đà có nhận khoán đất từ khu bảo tồn để làm nông nghiệp.

Gần đây, cán bộ khu bảo tồn phát hiện nhiều thửa đất nhận khoán đã trở thành điểm du lịch cắm trại thu hút khách du lịch đến tham quan, vui chơi. Do đất nhận khoán đa phần nằm ven hồ Trị An nên vào mùa nước rút, nhiều điểm du lịch tận dụng vùng bán ngập dưới lòng hồ để dựng lều trại, khu ăn uống...

Du lịch cắm trại ven hồ Trị An (Bài 1): Buộc tháo dỡ hàng loạt lều trại du lịch cao cấp tự phát - Ảnh 8.

Đa số lều trại nằm ở vùng nhận khoán nhưng mùa nước rút, nhiều cơ sở du lịch tận dụng luôn vùng bán ngập để dựng lều trại cho khách trải nghiệm. Ảnh: Nha Mẫn

Trước tình trạng trên, khu bảo tồn đã phối hợp với xã Mã Đà yêu cầu người dân tháo dỡ lều trại, các hạng mục vi phạm.

"Khi phát hiện các trường hợp sai phạm trên đất giao khoán thuộc quyền quản lý của khu bảo tồn hoặc trên vùng bán ngập hồ Trị An, chúng tôi sẽ phối hợp với địa phương yêu cầu người dân tự tháo dỡ, nếu không tháo dỡ sẽ cưỡng chế. Nếu người dân chây ì, không chấp hành, khu bảo tồn sẽ thanh lý hợp đồng giao khoán. Nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị thanh lý hợp đồng vì đa số du lịch tự phát mới xuất hiện từ năm ngoái, đến nay kiểm tra phát hiện, yêu cầu tháo dỡ và họ đồng thuận", ông Hảo nói.

Ông Hảo cũng khẳng định về nguyên tắc du lịch, các cơ sở du lịch tự phát là sai, không đảm bảo được an ninh trật tự, phát sinh ô nhiễm từ rác thải; nếu không ngăn chặn, phát triển rầm rộ lên sẽ khó xử lý.

Du lịch cắm trại ven hồ Trị An (Bài 1): Buộc tháo dỡ hàng loạt lều trại du lịch cao cấp tự phát - Ảnh 9.

Mùa khô bãi bồi ven hồ Trị An rất rộng và đẹp. Ảnh: Nha Mẫn

"Đầu tư du lịch bài bản sẽ phát huy được giá trị sinh thái rừng. Nếu làm được, người dân, doanh nghiệp, khu bảo tồn đều có lợi. Còn tự phát như hiện nay giờ bắt tháo dỡ người dân sẽ bị thiệt thòi, thiệt hại kinh tế", ông Hảo nói.

Cũng theo ông Hảo, khu bảo tồn và xã Mã Đà đều có thể tự làm đề án du lịch riêng vì xã cũng có phần đất do xã quản lý. Khách đến các điểm du lịch vẫn được tham gia các hoạt động du lịch trong rừng, trên hồ Trị An... 

Trước mắt để du lịch phát triển bền vững, lãnh đạo khu bảo tồn đã đề xuất Sở NNPTNT Đồng Nai sớm hoàn thành thẩm định đề án phát triển du lịch sinh thái rừng để trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Như vậy mới có cơ sở để xem xét xem những điểm du lịch nào nằm trong đề án để đưa vào phát triển.

"Chúng tôi cũng mong nhận được sự phối hợp của chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn du lịch tự phát trên đất giao khoán", ông Hảo nhấn mạnh.

Không có nhận xét nào