Biểu tượng quyền uy hơn 1.000 năm tuổi của 2 bảo vật quốc gia
Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn có niên đại cuối thế kỷ XI, thuộc phong cách Tháp Mẫm trong điêu khắc Champa.
Hai tượng sư tử đá này được Bảo tàng tỉnh Bình Định lưu giữ, bảo quản, trưng bày từ năm 1999. Hồi đầu năm, 2 pho tượng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia.
Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định, 2 tượng sư tử đá được phát hiện năm 1992 tại khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, gần vị trí tháp Cánh Tiên thuộc phạm vi thành Đồ Bàn – kinh đô vương quốc Champa xưa.
Tại địa điểm phát hiện trong một hố chôn có 3 tượng, trong đó có 2 tượng sư tử đá cùng tượng Gajasimha (con vật đầu voi, mình sư tử). Cả 3 tượng được đưa về Trung tâm Văn hóa – Thông tin huyện An Nhơn (nay là Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao thị xã An Nhơn) quản lý.
Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết, sư tử là một trong mười kiếp hóa thân của thần Vishnu (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo).
Ngoài ý nghĩa tôn giáo, đối với người Champa hình tượng sư tử còn là biểu tượng của dòng dõi quý tộc, tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh của các vương triều Champa. Kinh đô đầu tiên của người Champa ở Trà Kiệu lấy tên là Simhapura (sư tử) và ngai vàng của vua có tên Simhasana (ngai vàng sư tử).
Hai tượng sư tử đều được tạc khá giống nhau, cùng thể hiện giới tính giống đực, trong tư thế nửa nằm, nửa ngồi trên một bệ hình chữ nhật liền khối.
Đầu sư tử ngẩng cao, trán đeo vương miện được trang trí bởi chuỗi hạt tròn kết dải và các họa tiết giống hình cánh sen; 2 mắt to, tròn lồi, đôi tai vểnh được tạc cách điệu gần giống chiếc lá nhọn đầu; mũi to, thô, miệng há to, lộ hàm răng sắc nhọn…
Bốn chân sư tử ngắn, mập, cổ chân được trang trí chuỗi hạt tròn kết dải. Toàn bộ khối tượng sư tử có dáng to mập, khỏe khoắn, họa tiết trang trí thô, đơn giản.
Lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Bình Định cũng cho biết, theo các nhà nghiên cứu, hình tượng sư tử được thể hiện trong tư thế đứng có nguồn gốc ảnh hưởng từ nghệ thuật điêu khắc Khmer.
Trong khi đó, 2 tượng sư tử thành Đồ Bàn lại được thể hiện hai chân trước tạc rất ngắn, trong tư thế thẳng. Hai chân sau đầu gối gập lại như đang thể hiện tư thế ngồi, phô bộ ngực nở nang, phần bụng nằm sát bệ, tạo sự mất cân đối của cơ thể.
Do tỷ lệ chân trước quá ngắn nên sẽ có cảm giác là sư tử đang nằm. Song, có thể thấy rằng đây là 2 tượng sư tử được diễn tả khá độc đáo về hình khối trong phong cách thể hiện.
Về phong cách nghệ thuật, 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn thể hiện tính chất hiện thực, trang trí đơn giản, phần môi trên có những đường gờ nổi chạy dọc song song, tương đồng với sư tử phong cách Trà Kiệu.
Phần miệng sư tử xuất hiện chiếc răng nanh giống như tượng sư tử và Makara trong phong cách Tháp Mẫm.
Chính vì vậy, 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn vẫn mang những nét cơ bản của phong cách Trà Kiệu nhưng cũng bắt đầu có những đặc điểm của phong cách Tháp Mẫm.
Lãnh đạo Bảo tàng Bình Định cho rằng, nếu so sánh với các tượng sư tử khác trong nghệ thuật điêu khắc Champa thì cho đến nay, 2 tượng sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách Tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào