Nhiều khách sạn không còn hào hứng với KOL
Việc để người có tầm ảnh hưởng ở miễn phí và đổi lại là các bài giới thiệu trên trang của họ đang không còn hấp dẫn các khách sạn.
Ngành du lịch thế giới dần trở lại như trước dịch, những người đam mê du lịch bắt đầu đi nhiều hơn. Các KOL (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) cũng bắt đầu quay lại công việc của họ.
Đó là một tin vui đối với nhiều khách sạn trên thế giới, trong đó có Langham. Khách sạn này nằm trên đại lộ số 5 ở New York, Mỹ. "90% những người chúng tôi làm việc cùng thật tuyệt vời. Họ chăm chỉ và nghiêm túc, vì đây là công việc kiếm sống của họ. Và họ đã làm rất tốt", Louise O'Brien, Giám đốc quan hệ công chúng khu vực châu Mỹ tại Langham Hospitality Group, cho biết.
Nhưng không phải tất cả khách sạn đều có chung sự nhiệt tình giống O'Brien. Gail Behr, chủ sở hữu khách sạn Dorp ở Cape Town, Nam Phi là đại diện ở phía đối lập. Mỗi tuần, cô nhận được 5-6 lời đề nghị từ những người có tầm ảnh hưởng muốn ở miễn phí tại khách sạn. Đổi lại, họ sẽ đăng bài, ảnh quảng bá cho Dorp. "Nhưng tạo dáng trong các bộ trang phục gợi cảm, hay thậm chí không mặc gì trong khách sạn thực sự không có tác dụng gì với chúng tôi. Họ (các khách hàng giống KOL) không phải là đối tượng mà chúng tôi hướng tới", cô giải thích.
Trên thực tế, khách sạn của cô hướng tới không gian ấm áp, nội thất được lựa chọn cẩn thận. Thậm chí, theo các miêu tả của chính người chủ, nơi đây mang phong cách "đôi chút kỳ quặc và lỗi thời". Vì vậy, Dorp không muốn mời các KOL tới khách sạn mình, đăng các bức ảnh trong trang phục gợi cảm lên mạng, và để các vị khách thực sự có ngoại hình không đẹp bằng cảm thấy ngại ngùng. "Tôi không muốn ai đó (khách hàng) viết thư và nói rằng họ thừa cân, và họ không thể có được những bức ảnh đẹp như cách các KOL đang quảng cáo", Gail Behr nói.
Richard Hanlon, chủ nhân của Pháo đài Bujera hoành tráng ở Udaipur, Ấn Độ, có quan điểm tương tự. Anh cho biết thường nhận được các yêu cầu kỳ lạ từ những KOL này. Có người muốn ở 5 phòng miễn phí trong ba đêm, thêm dịch vụ đưa đón sân bay và rượu miễn phí, tất cả chỉ đổi lại là khách sẽ được xuất hiện trên trang cá nhân của họ. Và đây là điều không khiến Hanlon hứng thú.
"Nên có một bảng xếp hạng dành cho họ - những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội trong lĩnh vực chuyên đi review khách sạn", Hanlon nói. Anh cũng nói đến việc không ít người là KOL "giả", nghĩa là họ mua lượt thích và theo dõi trên mạng, thay vì có được chúng một cách thực lực.
Bên cạnh đó, những người chủ khách sạn như Hanlon và Behr lại rất chào đón các nhà báo, biên tập đến ở. Họ là những người viết những bài giới thiệu về khách sạn một cách công tâm, khen - chê rõ ràng. Và trên hết, họ tự bỏ tiền thuê phòng và trải nghiệm dịch vụ thực tế để viết bài, thay vì muốn ở miễn phí.
Jessica Wright, một KOL nổi tiếng trên Instagram cũng đồng tình với quan điểm trên. "Điều đầu tiên tôi nói với những người muốn trở thành KOLs chính là không nên xin ở miễn phí. Nếu bạn không mất tiền, bạn sẽ không thể cung cấp các thông tin thực tế, chính xác cho người đọc", cô nói. Wright cho rằng nhiều người đã lợi dụng thuật ngữ KOLs để "ăn bám" các khách sạn, và mang tiếng xấu cho những người làm nghề chân chính.
Nina Zadeh, cũng là một người có tầm ảnh hưởng, cho biết những người muốn bước chân vào nghề review khách sạn nên có cái nhìn chính xác về công việc mình làm. Trên thực tế, những gì bạn thấy là các bức hình đẹp của họ ở các nơi sang trọng. Nhưng thực tế, để có được các bức ảnh quảng cáo đó, họ phải làm việc cật lực và mệt mỏi. Một buổi chụp hình có thể kéo dài, và KOL phải làm việc từ sáng sớm để có bức ảnh bình minh hoàn hảo. Họ cũng phải làm tới đêm muộn, nếu muốn có bức ảnh nhiều sao đẹp đẽ ở nơi mình đang ở.
Anh Minh (Theo CNN)
Không có nhận xét nào