99 ngày xuyên Việt để vượt qua những nỗi sợ
Cecilia Anh Vân vượt gần 4.000 km, đi qua 32 tỉnh thành ven biển của đất nước trong 99 ngày, gọi chuyến đi là hành trình vượt qua những nỗi sợ.
Cecilia Anh Vân, tên thật là Nguyễn Thị Hồng Vân, 43 tuổi, hiện làm nghề khai vấn (coaching - để khách hàng khám phá, nhận thức về bản thân). Được đi xuyên Việt luôn là ước mơ của chị từ khi còn trẻ, nhưng rào cản lớn nhất là những nỗi sợ.
"Không vượt qua được để mà đi", chị chia sẻ. Hành trình đi học rồi đi làm, trách nhiệm trong công việc cũng như cuộc sống gia đình khiến chị nhiều lần gác lại ước mơ của mình. Nhưng vào cuối tháng 3 vừa rồi, khi du lịch trong nước mở cửa, chị quyết định trở lại kế hoạch còn dang dở và thực hiện ước mơ xuyên Việt, với phần lớn hành trình là độc hành.
Xuất phát từ Hà Nội, chị Vân di chuyển tới thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Từ mũi Sa Vỹ, chị đi theo đường vòng cung bờ biển, qua các tỉnh thành ven biển miền Bắc như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định... rồi cũng đến miền Trung như Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... và tới mũi Cà Mau vào cuối tháng 6. Tổng thời gian 90 ngày, đặt chân tới 32 tỉnh thành, tổng hơn 3.380 km. Từ Cà Mau, chị Vân tiếp tục chạy xe máy tới Kiên Giang và điểm dừng chân cuối cùng là đảo Phú Quốc. Trên chiếc xe Dream 27 năm tuổi của bố, chị Vân đã chinh phục 33 tỉnh thành Việt Nam, di chuyển gần 3.600 km trong 99 ngày.
Sau hành trình, chị thấy rằng dù là người đam mê xê dịch và dày dạn kinh nghiệm khi nói tới du lịch, nhưng xuyên Việt một mình không phải là một ước mơ dễ thực hiện. Du lịch một mình là trải nghiệm quý báu, nhưng cũng ẩn chứa nhiều nỗi sợ khác nhau.
Nỗi sợ không an toàn
Câu hỏi chị Vân nhận được nhiều trước chuyến đi và cũng là lý do khiến nhiều người e ngại nhất là: An toàn.
"Hỏng xe, mưa nắng, trời tối, tình hình giao thông, chỗ ăn nghỉ, rồi cả những người mình sẽ gặp trên đường nữa, ai ngay ai gian làm sao mình biết? Rất nhiều người đưa ra những giả định như thế. Đó cũng là những giả định tôi đưa ra cho mình rất nhiều lần, và rồi trì hoãn mãi. Mình lại là phụ nữ nữa, nếu có bất kỳ biến cố nào thì cũng rất nguy hiểm", chị Vân chia sẻ.
Thế rồi trong suốt 3.600 km của chuyến phiêu lưu, chiếc xe Dream chỉ phải thay săm đúng một lần và chị sửa nhẹ hai lần. Trong suốt cả hành trình, chị cũng chỉ "tự ngã" một lần do sơ xuất khi đi trên cung đường núi ven biển nhiều đá dăm. "Tôi đi ngày nhiều nhất là 320 km, nhưng chỉ có hai ngày đi như vậy thôi. Còn lại thì chủ yếu đi khoảng 70-100 km một ngày. Nhiều người không tin là đi dài như như thế, đi lâu như thế mà lại ít sự cố như thế, nhưng là là sự thật", chị Vân nói.
Trên cung đường, chị cũng đảm bảo sự an toàn cho bản thân, dừng nghỉ mỗi khi mệt và không chạy xe vào buổi tối. Đường cung ven biển khá an toàn dù có vài đoạn chưa làm xong. Đường mới, khá vắng so với quốc lộ 1A, ít xe lớn, mát mẻ và nên thơ. "Hiện giờ ôtô chưa đi được toàn tuyến ven biển, nhưng đi xe máy là có thể đi gần như là bám biển rồi. Trong một vài năm tới, đường ven biển của Việt Nam được hoàn thành toàn bộ thì việc di chuyển sẽ càng an toàn và tiện lợi hơn. Không có quá nhiều rủi ro như mình tưởng tượng", chị nói thêm.
Nỗi sợ ở một mình
Suốt hành trình xuyên Việt, khoảng thời gian "sợ nhất" chính là lúc mới bắt đầu, khi chị đặt chân tới đảo Cát Bà. Một phần vì cúm, nhưng phần lớn là vì không quen một mình.
Tại các tỉnh đầu tiên, chị Vân gần như không ngủ được mà thức làm việc tới 3-4h sáng cho đến khi thiếp đi vì mệt. Dần dần, trên hành trình, chị quen hơn và nhận ra mình không hề cô đơn, luôn được chào đón bởi đồng bào ở mọi miền đất nước. Suốt chuyến phiêu lưu, nhiều người yêu mến và đồng cảm với ước mơ xuyên Việt nên đã giảm giá nhiều chi phí, thậm chí còn mời ăn cơm, ngủ nghỉ như người một nhà.
"Nơi đâu cũng là nhà. Mình gặp nhiều người, bình dị và chân thành. Khi họ biết câu chuyện hành trình của mình thì sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ. Mình ghé vào một homestay, một khách sạn, hay một nhà dân được giới thiệu trước, mọi người đều đón tiếp chân tình như người thân. Bỗng dưng mình hiểu hơn ý nghĩa của từ "đồng bào"", chị nói.
"'Việt Nam - điểm đến thân thiện và hiếu khách' không hề là một khẩu hiệu, mà là một thực tế chúng ta rất nên tự hào", chị Vân nhận định.
Nỗi sợ thiếu tiền
Nhiều người muốn đi du lịch, song để đáp ứng cho điều này, đều phải "đối phó" với vấn đề tài chính. "Tôi suy nghĩ nhiều về cách thức nào đó thú vị hơn việc mình tự phải bỏ tiền ra cho hành trình này. Và cuối cùng thì tôi đã học cách làm rất phổ biển ở phương Tây: đó là chia sẻ về giấc mơ, về hành trình, về lý do của mình và đề nghị được ủng hộ".
Toàn bộ hành trình của chị Vân được đăng tải và cập nhật thường xuyên trên website và trang cá nhân, trong đó trên website chị có để số tài khoản để ai yêu mến hành trình thì gửi ủng hộ. Số tiền dư được chị đã sử dụng để làm thiện nguyện, hỗ trợ các dự án văn hóa đọc và tiếp sức mùa thi cho hơn 10 học sinh lớp 12 trong kỳ thi đại học năm nay. Ngoài ra, chị cũng dùng để ủng hộ những ai có mong ước thực hiện được giấc mơ du lịch, khám phá đất nước và con người Việt Nam như chị từng được ủng hộ.
Nỗi sợ trách nhiệm
Theo chị Vân, nhiều người phải tạm gác giấc mơ vì gia đình và công việc là những trách nhiệm mà họ không sẵn sàng từ bỏ. Thực hiện ước mơ xuyên Việt không đồng nghĩa với việc từ bỏ những trách nhiệm của mình. Về công việc, làm việc trực tuyến đã trở nên phổ biến nên trong suốt hành trình, chị vẫn hoàn thành đầy đủ công việc từ xa.
"Cũng như một chuyến công tác dài thôi mà", chị nói. Gia đình chị vẫn có những kết nối thường xuyên. Con trai chị năm nay lên lớp 12 và con gái lên lớp 9. "Kết quả thi học kỳ hai của các bạn ấy còn tốt hơn cả khi có mẹ ở nhà thúc ép", chị cười. Đặc biệt, trong chặng sau của hành trình, từ Nha Trang tới Phú Quốc, con gái chị sau khi đã thi xong học kỳ đã cùng mẹ đồng hành tới cuối hành trình.
Nỗi sợ thực chất là gì?
"Nỗi sợ là những giới hạn vô thức chúng ta tự đặt ra để giữ an toàn cho bản thân". Đối với chị Vân, đây là những kho báu để con người khám phá chính mình, bao gồm tiềm năng, giới hạn và ước mơ. Chỉ cần nhận diện và hiểu được giá trị của nỗi sợ và đi qua thì sẽ đạt được những thành tựu tốt đẹp.
"Có những thời điểm tưởng chừng như mình phải kết thúc sớm hành trình nhưng rồi lại khám phá ra không phải thế. Có những thời điểm mưa gió nắng nôi, song cũng có những lúc mình được dừng lại nghỉ ngơi. Và trong suốt hành trình, dù mình đang ở đâu, đang thế nào, cuộc sống này vẫn trôi chảy, mọi việc vẫn đâu vào đấy.
Cuộc sống này vẫn đang diễn ra như thế mà", chị Vân nói.
Quân Đỗ
Ảnh: NVCC
Không có nhận xét nào