Chi 10 triệu đồng lên rừng, xuống biển Thanh Hóa
Sau khi tắm biển Sầm Sơn, gia đình chị Mỹ Hạnh tới Pù Luông để trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp "trên rừng - dưới biển" của Thanh Hóa.
Nghe nói "Ai bảo Pù Luông là tiểu Bali chứng tỏ chưa đi Bali", Hoàng Mỹ Hạnh (32 tuổi, Hà Nội), quyết định đến Thanh Hoá để trải nghiệm. Người bạn ấy cho Hạnh biết, cảnh quan và những ruộng lúa ở Pù Luông đẹp hơn Bali (Indonesia) đến nghìn lần.
Chuyến đi Pù Luông nằm trong hành trình khám phá Thanh Hoá "trên rừng - dưới biển" 5 ngày 4 đêm của chị Hạnh cùng mẹ và con trai vào giữa tháng 8. Trước đó, gia đình đã thời gian nghỉ ở bãi biển Sầm Sơn.
Lịch trình và chi phí
Gia đình đặt xe limousine tới Sầm Sơn, giá 200.000 đồng một người, khởi hành từ 7h30, đến nơi lúc 10h. Chị Hạnh thuê phòng ở khách sạn Lê Lợi. Nơi đây có hai khu, bao gồm khu B là một toà nhà mới xây, khang trang, phòng rộng rãi, sạch sẽ, giá phòng đôi là 600.000 đồng mùa thấp điểm. Khu A cũ hơn, giá 350.000 đồng một đêm.
Trải nghiệm ở Sầm Sơn nhẹ nhàng, chủ yếu là tắm biển. Đoàn tắm biển hai lần một ngày, sáng và chiều. Chị Hạnh khuyên du khách không nên tắm buổi trưa, do tháng 8 nhưng nắng vẫn rất gắt. Nhà chị ăn luôn tại khách sạn, giá 150.000 đồng một người có 5 món, song hải sản không tươi. Một điểm được người thổ địa gợi ý để đi buổi chiều là Halo Glamping có phong cách mới lạ, khác khu biển Sầm Sơn truyền thống.
Tạm biệt Sầm Sơn sau 3 ngày, cả đoàn di chuyển tới Pù Luông, là điểm chính của hành trình. Hạnh biết rằng, tháng 9-10 là mùa lúa chín ở Pù Luông, cũng là mùa cao điểm, nên đi sớm để tránh đông đúc. Đi thời điểm này, dù không ngắm được lúa vàng, song cả gia đình được trải nghiệm nghỉ dưỡng, thư thái đúng nghĩa, thuê được phòng ở nơi đã để ý từ lâu.
Từ Sầm Sơn, chị Hạnh thuê xe riêng đón, giá xe 4 chỗ là 1,3 triệu đồng, 7 chỗ là 1,4 triệu đồng. Nếu đi xe ghép, giá là 400.000 đồng một người. Đây là lần thứ hai chị đến Pù Luông. "Năm 2015 tôi đến một lần vì công tác và không ở lại, nhưng ấn tượng với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ và trang phục nữ của dân tộc Thái. Ngày đó chưa có khu nghỉ dưỡng hay dịch vụ homestay nào, chỉ có thể xin ngủ nhờ nhà dân hoặc đi nhà nghỉ thị trấn Cành Nàng cách tận 20 km. Giờ thì mọi thứ đã khác", chị nhận định. Pù Luông đã thay đổi, nhưng chị Hạnh vẫn mê nơi đây do không bị bê tông hóa quá mức. Các cơ sở du lịch mộc mạc, thân thiện môi trường. Nhân viên resort hay tài xế lái xe đều giữ nghề làm nông của gia đình, song song với việc phục vụ khách du lịch.
Nhà chị Hạnh mất 3 tiếng để tới Pù Luông từ Sầm Sơn, dọc đường có thể ngắm cảnh Thanh Hoá đổi từ vùng biển, tới phố lớn rồi lên các huyện miền núi. Chị thuê phòng ở Pù Luông Treehouse ở bản Đôn, nhận phòng là một ngôi nhà trên cây nhỏ xinh, giá 1,1 triệu đồng một đêm kèm ăn sáng. Tối ăn tại chỗ nghỉ, giá 500.000 đồng cho 3 người, có gà đồi hấp, thịt lợn kho nước dừa, nộm hoa chuối...
Sáng ngày thứ hai ở Pù Luông, cả nhà dậy ngắm bình minh, đi dạo rồi ăn sáng, ghé chợ phiên Phố Đoàn. Sau đó, chị thuê xe máy để khám phá, giá 180.000 đồng nửa ngày, xăng đầy bình, tham quan bản Hiêu, thác Hiêu. Nếu không cứng tay lái, du khách không nên thuê xe vì đường quanh co, độ dốc lớn. Chị Hạnh tự tin về khả năng lái xe đường núi nhưng nhiều phen "bóp phanh đau cả tay", phải đi rất chậm và quan sát cẩn thận. Về lại khách sạn, đoàn check out và chuyển sang Pù Luông Natura ngay cạnh, cũng có nhà trên cây, giá 1,5 triệu đồng. Buổi chiều đi dạo bản Đôn, ngắm ruộng bậc thang. Cả trưa và tối đều ăn tại khách sạn, giá 600.000 đồng cho mâm cơm 5 món.
Ngày thứ ba, cả nhà vẫn dậy sớm, uống cà phê ngắm cảnh, đi dạo rồi chụp ảnh ở bể bơi vô cực. Sau đó, check-out khách sạn, 18h về tới Hà Nội. Kết thúc chuyến đi, chi phí ước tính là 10 triệu đồng cho đoàn 3 người, trong đó có một trẻ em 4 tuổi. Trong đó di chuyển hết 2,5 triệu đồng, lưu trú hết 3,8 triệu đồng, ăn 3,2 triệu đồng và các chi phí phát sinh khác. Chị Hạnh đánh giá chi phí như vậy hợp lý, khi xác định chuyến đi nghỉ dưỡng cùng người lớn tuổi và trẻ nhỏ.
Cảm nhận và kinh nghiệm
Về Sầm Sơn, chị Hạnh nhận định dù biển đẹp, tắm rất thích song dịch vụ du lịch chưa được tốt. Chị và gia đình đã gặp trường hợp một người lái xe điện và xe ôm cãi nhau, gần như xông vào đánh nhau trước cửa khách sạn để giành khách. Một số trải nghiệm khác là người lái xe điện tính tiền không trung thực, hay uống phải nước ép dưa hấu ủng ở cà phê bờ biển.
Về Pù Luông, chị mê đắm trước cảnh sắc hùng vĩ nơi đây. "Mùa này không có lúa vàng thì có lúa xanh, vô cùng đẹp, khắp nơi là màu thiên nhiên căng tràn sức sống. Lúa xanh chen lẫn rừng xanh", chị mô tả. Cuối hạ đầu thu, có những cơn mưa rào bất chợt nhưng tạnh nhanh. Chúng khiến đất trời càng tươi sáng hơn sau cơn mưa. Bạn có thể thuê xe đạp của khu nghỉ song đi bộ cũng nhẹ nhàng, thư giãn, không mệt, cảm nhận chậm rãi hơn về cuộc sống người dân.
Kinh nghiệm là nên mang theo đồ tắm khi đi thác Hiêu, có những vũng nước lớn và đẹp, an toàn. Du khách nên chuẩn bị các loại thuốc bôi, xịt chống muỗi, côn trùng vì ở đây hoang sơ, nhiều cây cối nên khó tránh. Quà mua về cho người thân có thể chọn cơm lam, hạt dổi, sản phẩm thổ cẩm dệt tay tại chợ phiên Phố Đoàn hoặc hỏi nhân viên khu nghỉ. Chị thậm chí đã mua một lồng gồm 6 con gà nhỡ và mang về tận Hà Nội chỉ vì thấy người dân bán rẻ và lại hóm hỉnh, dễ mến, chỉ 50.000 đồng một con.
Kỷ niệm đáng nhớ của gia đình là khi tắt đèn đi ngủ thì con trai hỏi chị Hạnh: "Mẹ ơi cái gì nhấp nháy kia?". Thế rồi, cả nhà vỡ oà khi thấy một đàn đom đóm bay qua trần nhà. Đối với chị Hạnh và mẹ, cảnh tượng đó gợi nhớ về những ngày tuổi thơ. Còn đối với con trai chị, đó là cơ hội biết thêm một loài độc đáo, không thể thấy ở thành phố.
Một ấn tượng nữa tưởng nhỏ nhưng không hề nhỏ, là trong chuyến đi cả nhà hầu như không thấy rác thải nhựa ở Pù Luông. "Hy vọng rằng dù sau này du lịch tiếp tục phát triển mạnh hơn, những người làm du lịch Pù Luông và du khách luôn có ý thức giữ gìn vẻ đẹp nguyên bản, cảnh quan hài hoà và môi trường sạch sẽ ở nơi đây", chị nói. Sắp tới, chị sẽ đi Bali sau khi đã đi Pù Luông để xác thực lại câu nói của người bạn.
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC
Không có nhận xét nào