Breaking News

'Kích' du lịch bằng lễ hội bánh mì Việt Nam

PGS-TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch - Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM, gợi ý như trên tại Hội thảo Hành trình bánh mì Việt Nam do Báo Thanh Niên tổ chức tại Trường Đại học Văn Lang ngày 11.10.

Ông cho rằng, cũng như từ “pho”, từ “banh mi” của Việt Nam được từ điển nổi tiếng Oxford ghi danh vào ngày 24.3.2011 mà bất cứ ai muốn gọi phải nói tiếng Việt. Trong thực tế, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nền ẩm thực phong phú và độc đáo. Dẫn câu gợi ý của cha đẻ ngành marketing Philip Kotler trong lần đến Việt Nam năm 2007 “biến Việt Nam thành bếp ăn thế giới là con đường tốt nhất để phát triển du lịch”, ông Phạm Hồng Long nhấn mạnh tầm quan trọng của ẩm thực Việt và cạnh tranh thế mạnh của Việt Nam để làm du lịch như cách người Thái làm và khá thành công.

'Kích' du lịch bằng lễ hội bánh mì Việt Nam - ảnh 1

PGS-TS Phạm Hồng Long trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế "Hành trình bánh mì Việt Nam" do Báo Thanh Niên tổ chức

NGỌC DƯƠNG

Như vậy, ẩm thực được xem là yếu tố tạo nên giá trị cho điểm đến và cũng là yếu tố được quan tâm trong quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Ẩm thực có quan hệ chặt chẽ với du lịch, là điều kiện và động lực để phát triển du lịch. PGS-TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh, với du khách, ăn uống không chỉ là nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu trong hành trình, mà còn phải đáp ứng về chất lượng, sự trải nghiệm hay khám phá điều mới mẻ của ẩm thực. Khai thác được giá trị ẩm thực trong du lịch sẽ giúp việc phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế ở địa phương nói chung.

'Kích' du lịch bằng lễ hội bánh mì Việt Nam - ảnh 2

Theo chuyên gia, bánh mì Việt Nam nên được đẩy mạnh trong chiến lược khai thác du lịch ẩm thực

NGỌC DƯƠNG

Vậy khai thác du lịch ẩm thực, bao gồm bánh mì bằng cách nào? Ngoài việc được ghi danh từ “banh mi” vào từ điển Oxford, bánh mì Việt Nam từng được kênh CNN Travel nổi tiếng thế giới đưa vào top 50 thức ăn đường phố ngon nhất châu Á, bên cạnh phở, cà phê Việt… Thế nên, cần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của ẩm thực trong mối tương quan với phát triển du lịch. Đặc biệt, nâng cao thương hiệu và đầu tư cho việc xúc tiến quảng bá ẩm thực Việt Nam thông qua du lịch, tập trung vào những món ăn nổi tiếng. Tất nhiên trong đó không thể quên món bánh mì Việt Nam. Ngoài ra, theo ông, trong chiến lược kết nối, quảng bá ẩm thực với du lịch, cần đặt và lồng ghép du lịch ẩm thực Việt Nam vào trong chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam.

Từ đó, PGS-TS Phạm Hồng Long gợi ý, có thể lấy ngày từ điển Oxford ghi danh từ “banh mi” Việt làm ngày tổ chức Lễ hội Bánh mì Việt Nam hằng năm. “Trên thế giới, có nhiều lễ hội ẩm thực nổi tiếng. Chẳng hạn, ở Đức có lễ hội bia Oktoberfest nổi tiếng lan ra toàn cầu, nhưng đó mới chỉ là thức uống. Tại sao chúng ta không có lễ hội bánh mì Việt Nam, có thể lấy ngày 24.3 được ghi danh vào từ điển làm ngày tổ chức lễ hội bánh mì?”, PGS-TS Phạm Hồng Long đề xuất.

Tin liên quan

Không có nhận xét nào