Xây dựng bản đồ di sản, số hóa du lịch để toàn thế giới có thể trải nghiệm văn hóa Việt từ xa
Sáng nay (26/10), Bộ VHTTDL đã tổ chức "Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch". Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Hà Nội và các điểm cầu trên cả nước.
Ban tổ chức đã nhận được gần 40 tham luận công phu, tâm huyết về chuyển đổi số thuộc tất cả các lĩnh vực của Bộ VHTTDL, từ văn hóa di sản, bảo tàng, điện ảnh, bản quyền đến thể thao, du lịch và vấn đề an toàn, an ninh thông tin trong chuyển đổi số.
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Đạo Cương – Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, nhằm phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ VHTTDL đã có nhiều chỉ đạo liên quan tới chuyển đổi số của ngành đồng thời ký ban hành Chương trình Chuyển đổi số của Bộ VHTTDL đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới hoạt động, sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và gia đình; xây dựng phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai hướng tới kinh tế số và xã hội số.
Việc chuyển đổi số quốc gia tại Bộ VHTTDL thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng chưa đồng đều ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, nhiều chỉ tiêu đạt được còn thấp so với mục tiêu đến năm 2025.
"Về các công việc trọng tâm trong thời gian tới, Bộ có 3 dự án cốt lõi trong công tác chuyển đổi số. Đó là hệ thống xây dựng một nền tảng số theo trục dọc và xây dựng hạ tầng lưu giữ hệ thống máy chủ - được coi là "trái tim" về dữ liệu số của Bộ VHTTDL. Ngoài ra, chúng tôi có các dự án tạo đà phát triển, đó là dự án về số hóa các di sản văn hóa và dự án chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Tất cả các di sản văn hóa sẽ được xây dựng trên bình diện tổng quát đối với việc xây dựng bản đồ số về các hệ thống các di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.
Có thể thấy, trong chương trình du lịch của các nước trên thế giới bao giờ cũng có các điểm đến là các di sản. Chúng ta có một kho tàng di sản rất đồ sộ với 3.500 di tích quốc gia, hơn 4.000 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và với 8.000 lễ hội truyền thống... Tất cả các dữ liệu này, chúng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ dần dần được số hóa và trở thành tài sản để chúng ta dựa vào đó phát huy, đồng thời dựa vào đó để bảo tồn, duy trì", Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng - đại diện Bộ TT&TT cũng phát biểu rằng: "Ngành văn hóa, thể thao và du lịch sở hữu lợi thế vô cùng đặc biệt so với các ngành khác ở Việt Nam về quy mô thị trường, vì ngành này không chỉ phục vụ cho gần 100 triệu người Việt Nam mà còn cơ hội phục vụ cho 8 tỷ khách hàng tiềm năng trên toàn thế giới. Vì vậy, chuyển đổi số là hết sức cần thiết để Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội đó, đặc biệt thông qua quan hệ số, chuyển đổi số để cung cấp dịch vụ trải nghiệm du lịch ngày một tốt hơn, cá thể hóa cho từng du khách trong nước và nước ngoài.
Bộ TT&TT đã ban hành chương trình thúc đẩy và sử dụng chuyển đổi số quốc gia, đồng thời xác định năm 2022 là năm đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, nền tảng số. Vì vậy, chúng tôi đề nghị việc chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch tập trung ưu tiên triển khai các nền tảng số dùng chung trong phạm vi toàn ngành, toàn quốc".
Hướng tới hình thảnh bản đồ số di sản và ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong cung cấp dịch vụ du lịch
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phân tích rằng, có 3 nền tảng số quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao trong chiến lược quốc gia năm 2022. Thứ nhất, nền tảng số về du lịch, quản trị và kinh doanh du lịch. Nền tảng này cung cấp một hình thức kinh doanh du lịch mới cho hàng triệu doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú và cơ sở du lịch trên cả nước.
Nếu trước đây ứng dụng công nghệ thông tin là mỗi cơ quan một tổ chức triển khai hệ thống thông tin riêng lẻ thì nay chúng ta có thể sử dụng nền tảng chung. Nếu như trước đây mỗi một hệ thống thông tin giải quyết một nghiệp vụ du lịch cụ thể thì nay nền tảng số sẽ cung cấp đầy đủ quản trị cơ bản, kết nối với các bên liên quan hệ sinh thái, sản phẩm dịch vụ và mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch số một cách hoàn chỉnh từ đầu đến cuối và thông suốt. Nền tảng số thì thay đổi mô hình đầu tư, quản trị, vận hành hạ tầng ứng dụng cộng nghệ và yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin.
"Như chúng tôi đã nói, nền tảng số cung cấp dịch vụ giống như điện, nước, dùng bao nhiều trả bấy nhiều, tối ưu hóa đầu tư đặc biệt các cơ sở lữ hành, du lịch nhỏ và vừa. Việc sử dụng nền tảng số giúp các cơ sở du lịch có thể phát triển mô hình kinh doanh mới sáng tạo thay vì dành nguồn lực cho công nghệ", ông Dũng nói.
Thứ hai, nền tảng dữ liệu số du lịch, chuyển đổi số là thay đổi cách làm dựa trên công nghệ số, dữ liệu số. Trước đây, chúng ta làm như thế nào thì bây giờ sẽ làm khác đi nhờ vào dữ liệu và cộng nghệ số. Vì vậy, dữ liệu là đầu vào quan trọng trong việc đổi mới mô hình hoạt động, cung cấp dịch vụ… từ đó hình thành hệ du lịch sinh thái công nghệ thông minh.
Nền tàng dữ liệu số trong ngành du lịch thì được kỳ vọng là cung cấp những thông tin dữ liệu tài nguyên du lịch đã được số hóa, dữ liệu số về các khu du lịch, điểm du lịch và thị trường Việt Nam. Cơ quan Nhà nước đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng dữ liệu mở và mở dữ liệu du lịch để các doanh nghiệp du lịch có thể tối ưu hóa, cải thiện chất lượng dịch vụ và cung cấp gói ưu đãi cho khách du lịch.
"Trong thời đại kỷ nguyên số, chúng ta cũng cần đặc biệt lưu ý vai trò của du khách trong việc bổ sung, cập nhập thông tin dữ liệu thông qua việc tương tác tự nhiên với các ứng dụng du lịch số, phát huy sức mạnh của cộng đồng. Có như vậy, dữ liệu của chúng ta mới đáp ứng được các tiêu chí về "Đúng - Đủ - Sạch – Sống", dữ liệu mới có giá trị để phân tích dự báo hoạch định chính sách".
Thứ ba, nền tảng mô hình hóa đa chiều phục vụ phát triển bảo tàng số. Chuyển đổi số là đưa các hoạt động môi trường thực lên môi trường số, chuyển đổi số ngành văn hóa, thể thao và du lịch là thúc đẩy số hóa, các di sản văn hóa, hướng tới mục tiêu mỗi di sản của Việt Nam đều có sự hiện diện số, hình thành bản đồ di sản số để người dân du lịch có thể thuận lợi truy cập trên môi trường số. Công nghệ thực tế ảo cho phép cung cấp dịch vụ trực tuyến từ xa, người dân trên toàn thế giới có điều kiện trải nghiệm văn hóa Việt Nam, không khoảng cách, không có giới hạn về mặt ngôn ngữ. Đây cũng là sứ mệnh của ngành về bảo tồn di sản, đưa các giá trị văn hóa của Việt Nam ra toàn thế giới.
"Đây là 3 nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số trong chiến lược gia. Tôi rất phấn khởi khi Bộ VHTTDL đã triển khai thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu trong giai đoạn thực hiện. Kết quả để đánh giá chúng ta phải dựa vào việc có bao nhiều người truy cập, tham gia và hiệu quả giá trị mang lại cho cộng đồng. Bộ TT&TT với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, luôn cam kết đồng hành cùng Bộ VHTTDL trên con đường chuyển đổi số này", ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ thêm.
Tại sự kiện, BTC cũng khai trương hệ thống thông tin báo cáo của Bộ VHTTDL. Đây là hệ thống thông tin thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống được triển khai theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước về chế độ báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Hệ thống được triển khai cũng nhằm hỗ trợ các cơ quan, các đơn vị thuộc Bộ, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 63 tỉnh, Thành phố thực hiện cập nhật, tổng hợp số liệu báo cáo thống kê theo các biểu mẫu của đơn vị trực tiếp trên phần mềm.
Không có nhận xét nào