Phú Thọ: Miền di sản cội nguồn của dân tộc
Phú Thọ: Miền di sản cội nguồn của dân tộc
Theo thống kê của ngành văn hóa, toàn tỉnh Phú Thọ hiện có 967 di tích, trong đó có 320 di tích lịch sử - văn hóa được Nhà nước xếp hạng; 345 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, 30 di tích liên quan đến hát Xoan, 5 bảo vật Quốc gia...
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, Phú Thọ là địa phương duy nhất trong cả nước có 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan Phú Thọ.
Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, hai di sản hát Xoan Phú Thọ và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã cùng song song tồn tại, lan tỏa mạnh mẽ, phát triển vượt thời gian cho đến ngày nay.
Phú Thọ: "Vùng đất vàng" phát triển du lịch di sản văn hóa
Theo Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Đắc Thủy, tỉnh Phú Thọ đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh quảng bá, liên kết để phát triển du lịch. Trong đó, 2 di sản văn hóa thế giới tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan là điểm nhấn để Phú Thọ xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có Vườn Quốc gia Xuân Sơn, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, đền Mẫu Âu Cơ, chùa Tam Giang, Ao Giời - Suối Tiên, đầm Ao Châu... đã tạo cho Phú Thọ nguồn tiềm năng lớn về du lịch, có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tham quan, nghỉ dưỡng…
Bên cạnh đó, với vị trí địa lý cửa ngõ phía Tây của thủ đô Hà Nội, Phú Thọ là cầu nối giao lưu kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ thuật giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Tây Bắc.
Do đó, từ năm 2008, Phú Thọ đã cùng với các tỉnh Tây Bắc gồm Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên hình thành dự án "Cung đường Tây Bắc", xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước.
Từ đó, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch, hợp tác phát triển du lịch nhằm tăng cường phối hợp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của cả khu vực.
Nhờ đó, du lịch Phú Thọ đã có những bước chuyển biến khả quan. Một số sản phẩm du lịch của Phú Thọ đang dần tạo được ấn tượng đối với du khách như: Sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn; các tour du lịch Đền Hùng - xã Hùng Lô kết nối với tuyến du lịch Hà Nội - Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang; tour du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy - nghe hát Xoan đình Đào Xá - tham quan làng nghề Tương Bợ, nuôi cá trên sông Đà; tour du lịch tham quan đồi chè Thanh Sơn, Tân Sơn - Vườn quốc gia Xuân Sơn kết nối với Mù Cang Chải (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La);...
Trên thực tế, những năm qua, hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn để xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh đặc trưng vùng Đất Tổ.
Các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, hạ tầng giao thông được nâng cấp, các di tích được cải tạo tu bổ, các hoạt động văn hóa lễ hội được chỉ đạo tổ chức hiệu quả, an toàn, đổi mới, hấp dẫn...
Ông Nguyễn Đắc Thủy đánh giá: "Di sản văn hóa từng bước xác lập được vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội, góp phần khẳng định vị thế của Phú Thọ không chỉ đối với Quốc gia mà còn cả trên trường quốc tế.
Đây cũng là minh chứng cho sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của tỉnh trong việc đầu tư các nguồn lực phát triển văn hóa, sự nỗ lực không ngừng của ngành văn hóa, sự phối hợp của các cấp, ngành, sự đồng thuận, trách nhiệm của cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vùng Đất Tổ.
Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục chú trọng bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội bền vững".
Không có nhận xét nào