Vẫn còn rất nhiều những chiếc 'bẫy' củ khoai 80.000 đồng
Những chiếc bẫy giá...
Chuyện chị H. cùng nhóm bạn vào ăn 10 quả trứng nướng, 4 củ khoai nướng và 3 bắp ngô tại điểm bán hàng rong trên vỉa hè đường Lê Thái Tổ - Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhận hóa đơn thanh toán, cả nhóm tá hỏa khi những củ khoai, ngô và trứng nướng có giá đến 580.000 đồng. Đặc biệt, một củ khoai nướng được chủ quán ghi giá 80.000 đồng, trứng gà nướng giá 20.000 đồng/quả và ngô nướng giá 20.000 đồng/bắp.
Làm việc với công an phường Hàng Bạc, người bán khoai cho biết bà phải mua khoai qua trung gian, từ một lò bánh mì với giá 40.000 đồng/củ. Kết thúc, công an phường Hàng Bạc lập biên bản xử lý người bán hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh. Còn việc “chặt chém” du khách, theo đơn vị này là cần xác minh để có căn cứ xử lý sau.
Bạn đọc tên Phạm Hậu (An Giang) cho biết, giá khoai mật loại 1 xuất khẩu cao nhất 35.000 đồng/kg, thời điểm bình thường giá chỉ 25.000 đồng/kg. Nếu tính luôn phí vận chuyển, giao hàng… giá lên 45.000 đồng/kg (4 củ khoai loại lớn/1 kg). “Cao nhất 45.000 đồng/4 củ khoai, bán giá 320.000 đồng/4 củ đã nướng là ăn trên đầu trên cổ người ta rồi”, chị nói.
Trong thực tế, tình trạng “chặt chém” khách lạ đến Hà Nội của hàng rong, vỉa hè diễn ra từ rất lâu, không phải đến lúc này mới bị phản ánh. Cuối tháng 10 vừa rồi, chị Hà và nhóm bạn từ TP.HCM ra Hà Nội ở chơi.
Những mẹt trái cây hấp dẫn này rất dễ là chiếc "bẫy" giá nếu khách không hỏi rõ trước khi mua VI NGUYỄN |
Nhóm dừng hỏi mua trái cây gọt sẵn tại bên lề đường cạnh vòng xoay Hàm Cá Mập (Q.Hoàn Kiếm). Chị Phương - nói giọng miền Nam - hỏi giá trái cây bán sao? Người bán nhanh nhảu trả lời 15.000 đồng. Chị Minh chọn một quả dứa, 1 quả ổi, 3 quả roi, 2 quả mận. Người bán tay thoăn thoắt cắt nhỏ trái cây cho vào bịch, lấy muối, que xiên... báo giá 320.000 đồng. Nghe nhầm là 62.000 đồng, chị Phương lấy ra tờ 100.000 đồng để trả, nhưng người bán nhắc lại 320.000 đồng và giải thích… 15.000 đồng cho một lạng ổi. Cả nhóm tá hỏa nhưng không muốn mất vui, trả tiền nhanh để đi tìm quán nước ngồi uống “nhâm nhi” cú lừa ngoạn mục ngay buổi đầu bước chân đến thủ đô. Dù vậy chị Phương vẫn ấm ức, giá các loại trái cây trên nếu có bán cho khách du lịch đi chăng nữa, cao nhất chỉ từ 50.000 - 60.000 đồng, giá chị mua cao gấp 5 - 6 lần.
Những cái bẫy giá giăng ở khắp nơi, nếu không cẩn trọng du khách có thể gặp bất cứ lúc nào.
Hỏi giá, phải nói giọng Bắc
Tại điểm bán “trà chanh chém gió” đầu phố Lương Văn Can, chị Nguyên - người sinh ra lớn lên tại Hà Nội – dặn cả nhóm hãy để chị ấy hỏi giá bằng giọng Bắc để tránh bị chặt chém. Vì dù là người Bắc gốc, vào nam hơn 20 năm vẫn nói giọng Bắc nhưng chị Nguyên không ít lần bị chém đẹp khi đi cùng bạn bè người Nam ra Hà Nội. "Cứ nghe khách nói giọng miền Nam hay vùng miền khác đều bị “chém đẹp”. Quả đúng như vậy, chị Nguyên gọi 10 ly nước, 2 gói hạt hướng dương ngồi “tám” cùng cả nhóm, người bán chỉ lấy tổng 230.000 đồng (20.000 đồng/ly trà chanh). Thế nhưng, chiều hôm sau, cũng tại điểm bán đó, vẫn là 3 người phụ nữ lớn tuổi bán hàng của ngày hôm trước, cũng chỗ ngồi đó... khách nói giọng miền Nam kêu tính tiền, người bán nghiễm nhiên tính... 30.000 đồng/ly trà chanh, cao hơn 50% so với giá hôm qua.
Taxi đi lòng vòng để tính tiền cao
Không chỉ hàng rong “chặt chém”, khu vực ven bờ Hồ còn nổi tiếng taxi tính giá vé lậu, đi lòng vòng tính tiền cao. Anh Nhân (Q.3, TP.HCM) cho biết, anh và bạn ăn tối tại nhà hàng Lục Thủy (Hàng Trống) xong về khách sạn phố Tạ Hiện. Vì có uống vài ly bia nên anh cùng bạn gọi taxi chứ lúc đi, họ đi bộ vì đoạn đường chỉ khoảng 1 km. Thấy anh Nhân giọng Nam, lên xe, tài xế không cần hỏi đi đâu, cứ chở lòng vòng rồi dừng bên đường giải thích ngắn gọn: Phố đó đi bộ, cấm xe vào và tính cước… 100.000 đồng. “Tài xế biết rõ là phố đi bộ, không chạy xe vào được, mình từ xa đến, họ không giải thích, cứ tống khách lên xe chạy được đoạn rồi thả tại điểm còn xa hơn nếu đi bộ về. Chỉ biết lấy tiền và mặc kệ khách thế nào”, anh Nhân kể.
Khách du lịch nước ngoài đang đổ về Hà Nội ngày một đông hơn sau dịch VI NGUYỄN |
Tương tự, chị Quốc Khánh (Q.12, TP.HCM) kể đi lang thang phố Đinh Lễ, quên xem bản đồ, lại hỏi bác xích lô lối đi đến phố Hàng Ngang, Hàng Đào (thực tế là sát bên cạnh), người chở xích lô giục lên xe đi, đến đó chỉ trả 60.000 đồng cho 2 khách. Chị Khánh từ chối, bác tài hạ xuống 50.000 đồng nhấn mạnh đoạn đường xa lắm. Nhưng vừa ngồi lên xe, đi đoạn tầm hơn 100 m, bác tài trả khách ngay đầu phố Hàng Đào và lấy tiền.
Nhóm chị Nguyên đặt xe từ đầu phố Tạ Hiện tới Nguyễn Du giá trên app hiển thị 67.000 đồng. Nhưng xe huỷ liên tục vì đường cuối tuần đông, họ đành vẫy taxi ngoài đường. Tài xế báo 150.000 đồng, cũng đành chấp nhận,
Những chuyện này không phải mới, nhưng tồn tại nhiều năm nay. Trên các blog, trang tin du lịch nước ngoài, nhiều khách du lịch liệt kê ra một số điều lưu ý tránh bị “rip off” (chặt chém) khi lang thang Hà Nội, khu vực ven hồ gươm.
Trang itourvn.com lưu ý: “Có những người chuyên lừa đảo du khách 'lén lút' bằng cách bán hàng rong như bánh rán, trái cây, đánh giày… luôn chào mời bạn chụp hình chung, hãy từ chối nếu không sẽ bị buộc mua hàng sau đó. Nếu không mua phải trả… phí chụp ảnh, những số tiền phải tốn không đáng có”. Đã có rất nhiều người vào comment đồng ý với những chia sẻ này.
Trang Theculturetrip.com lại lưu ý “đậu phộng không đậu phộng” khi uống bia có kèm đĩa đậu phộng, cứ sau 1 ly bia lại có đĩa đậu mang ra cho dù bạn không yêu cầu. “Tuy nhiên, hãy biết rằng chúng (đĩa đậu phộng) hầu như luôn đắt như bia, vì vậy hóa đơn bạn có thể cao gấp đôi mức bạn dự kiến phải trả”, Matthew Pike viết trên trang này.
Hà Nội đẹp hơn, độc đáo hơn nhờ những gánh hàng rong thế này vi nguyễn |
Đà Lạt từng mạnh tay với nạn "chặt chém" du khách để giữ chân du khách và đã thành công. Trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi sau đại dịch, Hà Nội nói riêng và các địa phương khác cần dẹp ngay và luôn vấn nạn “chặt chém” để gìn giữ nét đẹp thủ đô, để du khách an tâm thả bộ, hóng gió và thưởng thức không khí rất riêng của một Hà Nội xưa và nay...
Không có nhận xét nào