Vì đâu nên nỗi: Đà Lạt mộng mơ, lơ ngơ là mất tiền?
Hồn cốt của Đà Lạt đang mai một?
Anh Nguyễn Thành Tân, quê An Giang, cho biết từng du lịch Đà Lạt vào Tết Dương lịch năm 2002. "Nhóm chúng tôi đáp chuyến xe từ Long Xuyên lên TP.HCM và rồi tiếp tục theo xe lên Đà Lạt, tới nơi khoảng 4 giờ sáng. Tất cả đều lần đầu tiên đến Đà Lạt và không hề có khái niệm về đặt trước phòng khách sạn. Ngồi lề đường gần chợ Đà Lạt đến sáng, chúng tôi dạo quanh tìm phòng không có. Thời đó, khách sạn ở Đà Lạt không nhiều nhưng lượng khách dịp lễ cũng đã đông. May có người giúp đỡ, 5 người chúng tôi trú nhờ trong một căn nhà mới xây chưa ai ở cách xa trung tâm. Chuyến đi ấn tượng đến tận sau này, vì Đà Lạt lúc ấy vô cùng yên bình và con người cũng cực kỳ hòa nhã, mến khách, sẵn sàng giúp đỡ người lạ", anh Tân chia sẻ.
Đà Lạt của những năm 2000, thời điểm du lịch nội địa mới bùng nổ, khác hẳn với Đà Lạt của khoảng 15 năm trở lại đây. Anh Tân sau này chuyển công tác lên TP.HCM và vài lần quay lại Đà Lạt vì ấn tượng ban đầu ấy. "Nhưng mọi thứ thay đổi quá nhanh, nhất là về môi trường xã hội, môi trường du lịch của điểm đến nổi tiếng này. Ngày xưa, khi du lịch Đà Lạt chúng tôi thoải mái đi lại ăn uống không lo ngại bị 'chặt chém', lừa gạt, không cần đề phòng, cảnh giác nhưng sau thì không được vậy", anh nói thêm.
Tài xế Công quăng hành lý của du khách xuống đường và chửi bới, dọa nạt ảnh từ clip |
Mới đây, clip du khách tố cáo tài xế taxi ở Đà Lạt chửi bới, quăng đồ của khách xuống đường một lần nữa khiến những người yêu thành phố mộng mơ đau lòng. Sự việc diễn ra vào 22.12, nhóm du khách du lịch Đà Lạt đã thuê xe ra sân bay Liên Khương để về lại TP.HCM thì xe gây tai nạn, tài xế chuyển khách sang xe khác để kịp chuyến bay. Tuy nhiên, vì mâu thuẫn tiền bạc giữa 2 tài xế, nên tài xế đón sau khi đang chở các nữ du khách đã văng tục, chửi bới, quăng đồ đạc từ trên xe xuống đường, thậm chí bị tố đã đánh khách và đe dọa cả khi khách đã về đến TP.HCM.
Tài xế được xác định là Phạm Văn Công, thành viên của một HTX taxi sau đó đã nhận lỗi khi bị cơ quan chức năng triệu tập. Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP.Đà Lạt, cho biết đã liên hệ với nữ du khách và gửi lời xin lỗi của thành phố, hứa sẽ xử lý vụ việc đến nơi đến chốn. Sáng 24.12, HTX thông báo đã "đuổi" Công ra khỏi HTX và đề nghị các hãng xe khác không nhận tài xế này.
Không chỉ xảy ra những vụ chửi bới du khách, thời gian qua, liên tục nhiều vụ du khách tố bị lừa đảo đặt phòng khách sạn qua mạng ở Đà Lạt. Đơn cử, hồi tháng 2, Phòng Văn hóa - Thông tin Đà Lạt chuyển hồ sơ đề nghị công an xem xét và xử lý một công ty du lịch có dấu hiệu lừa đảo trong việc đặt phòng của khách qua mạng. Theo đó, du khách ở Bình Thuận đặt cọc phòng khách sạn cho nhân viên công ty trên tên là Lai Thanh Nhã 7,5 triệu đồng nhưng cô này không trả lại tiền cọc khi khách hủy với điều kiện bất khả kháng. Cơ quan chức năng kiểm tra văn phòng làm việc công ty nhưng không tồn tại.
Qua tháng 7, nữ quái Lai Thanh Nhã chuyên lừa đảo du khách thuê phòng khách sạn, villa ở Đà Lạt bị bắt sau khi tiến hành trót lọt hàng loạt sự vụ chiếm đoạt tiền. Hiện, trên mạng xã hội du khách vẫn liên tục tố cáo bị lừa tương tự khi đặt phòng ở Đà Lạt. Ngoài ra, từ địa điểm vui chơi về đêm nổi tiếng thú vị, gần đây nhiều khuyến cáo không nên ăn uống ở chợ đêm Đà Lạt vì dễ bị "chặt chém", thậm chí có danh sách dài những quán ăn và cửa hàng bán quà lưu niệm nên tránh.
Và đang mất?
Là một trong những công ty đầu tiên ở TP.HCM khai thác tour Đà Lạt chuyên nghiệp vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, cho rằng môi trường du lịch Đà Lạt đang xuống cấp nghiêm trọng. "Giá trị vô giá của du lịch Đà Lạt là con người hiền hòa và thiên nhiên tươi mát. Hai thành tố này kết hợp với nhau tạo thành một Đà Lạt hấp dẫn và cuốn hút du khách bốn phương. Một khi Đà Lạt không còn giữ được hai thành tố quan trọng đó, thì du lịch nơi này mất đi 'hồn cốt', không còn là Đà Lạt nữa", ông Mỹ nhận xét.
Chợ đêm Đà Lạt đông nghẹt du khách vào mỗi dịp lễ, trở thành cơ hội của những kẻ "chụp giựt" |
Ông Mỹ nhớ lại, Đà Lạt của những năm cuối 90 đầu 2000 không có cảnh chèo kéo, nói thách hay chặt chém. Thời đó, những cửa hàng bán dâu, trái cây, mứt hai bên đường vào Thung Lũng Tình Yêu đón khách niềm nở, lịch thiệp. Tuy nhiên, du lịch bùng nổ vào những năm cuối 2000 trở đi đã khiến thành phố mộng mơ này thay đổi chóng mặt. Kể từ đó, tình trạng chặt chém, đe dọa, chửi bới du khách ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
"Thành phố này trong thực tế luôn cố gắng xây dựng hình ảnh đẹp thông qua nhiều chương trình, hoạt động du lịch như Festival Hoa Đà Lạt, nhưng sẽ chẳng có nghĩa lý gì khi liên tục xảy ra những sự cố nghiêm trọng như tài xế taxi chửi bới, lăng mạ du khách; chủ quán 'chặt chém'; lừa đảo tiền của du khách...", ông Mỹ nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, cho rằng cả hai thành tố tạo nên sức hút của du lịch Đà Lạt là khí hậu mát mẻ và con người hiền hòa, hiếu khách hiện đã mai một đi quá nhiều. "Tốc độ phát triển của du lịch Đà Lạt quá nhanh, du khách quá đông, dịch vụ quá nhiều nhưng quản lý không theo kịp. Trong môi trường đó, khó có thể đảm bảo được con người không thay đổi theo hướng tiêu cực hơn", ông Huê nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, Đà Lạt cần mạnh tay xử lý thật nghiêm những người sai phạm. Chẳng hạn, nếu đã ban hành quy định không bán hàng rong ở quảng trường Lâm Viên thì tuyệt đối không cho phép bất kỳ một gánh hàng nào lai vãng ở đó. Còn nếu đã cấm nhưng vẫn không triệt để thì mọi quy định trở nên công cốc. Đà Lạt cũng cần nâng cao nhận thức của người dân về những tác hại của kinh doanh du lịch không căn cơ, không bền vững; không thể chạy theo lợi ích trước mắt với những đồng tiền nhỏ lẻ mà bỏ qua những tác hại lâu dài.
"Du lịch Vũng Tàu là bài học điển hình, từng gắn với hình ảnh đông đúc, 'chặt chém' du khách vào cuối tuần. Sau này, Vũng Tàu đã và đang cố gắng xóa bỏ hình ảnh tiêu cực, xây dựng điểm đến an toàn - cao cấp nhưng hết sức khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức. Du lịch Đà Lạt đừng để rơi vào tình trạng này", ông Mỹ kết luận.
Không có nhận xét nào