Bất ngờ với khảo sát của báo Mỹ về nghề làm hương trăm tuổi ở Quảng Phú Cầu
Quảng Phú Cầu từ lâu nổi tiếng với nghề làm hương tăm truyền thống, với tuổi đời cả thế kỷ. Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 30km thuộc huyện Ứng Hòa, đến nay làng nghề vẫn giữ nhiều nét cổ kính của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Bất ngờ với khảo sát của báo Mỹ về nghề làm hương trăm tuổi ở Quảng Phú Cầu, Hà Nội
Ban đầu, nghề làm hương tập trung chủ yếu ở thôn Phú Lương Thượng. Từ chỗ chỉ là nghề phụ được người dân tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn, nhưng tới nay, nghề làm hương tăm đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gần 3.000 hộ dân ở Quảng Phú Cầu.
Những thẻ hương vốn là mặt hàng không thể thiếu trong văn hóa ngày Tết truyền thống của người Việt. Bởi vậy, hoạt động sản xuất ở làng nghề này càng nhộn nhịp hơn vào dịp trước Tết. Theo khảo sát từ phóng viên của Insider, một tờ báo có trụ sở ở Mỹ, mỗi ngày, những người thợ làm ra khoảng 50.000 que hương trong đợt cao điểm.
Bài báo cho biết, suốt nhiều thế hệ, nghề làm hương trở thành sinh kế cho người dân địa phương. Nhưng vào năm 2019, một thay đổi lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu khiến mô hình kinh doanh phải thay đổi.
Ấn Độ vốn là một trong những nhà nhập khẩu hương lớn nhất của Việt Nam, nhưng năm 2019 đã chuyển nhập khẩu hương từ trạng thái tự do sang hạn chế để thúc đẩy sản xuất nội địa.
Vì những hạn chế mới này, các nhà sản xuất hương Việt Nam buộc phải tìm mô hình kinh doanh, khách hàng mới. Cuối cùng, họ thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, kiếm thêm khách trong nước và tìm thêm sáng tạo mới.
"Nếu như trước kia, gần 100% người làng đều làm hương, thì nay chỉ còn 2-3 nhà sản xuất lớn thôi. Quy trình làm hương cũng thay đổi nhờ cải tiến kỹ thuật. Nhờ đó, sản lượng từ 500 que mỗi ngày tăng lên 50.000 que. Ngoài ra, thẻ hương được thiết kế dài hơn, thêm mùi và nhuộm màu đẹp phục vụ thị hiếu người Việt", nghệ nhân làm hương Nguyễn Thi chia sẻ với Insider.
Bằng cách hợp tác với 12 người làm hương khách trong làng, xưởng sản xuất hương nhà anh trở thành nơi có quy mô lớn nhất ở Quảng Phú Cầu. Chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán, thu nhập của gia đình anh chiếm hơn 40% doanh thu của cả năm.
Quyết tâm lấy lại doanh thu bị mất từ thị trường Ấn Độ, anh đăng ký sản phẩm hương của mình với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Nhà buôn, người tiêu dùng có thể quét mã vạch để truy xuất nguồn gốc.
Cũng theo nghệ nhân này, phần chân hương được làm từ cây nứa, được vót thô. Tiếp đó, thợ thủ công dùng máy chẻ làm chân hương, nâng sản lượng lên hàng chục nghìn chiếc mỗi ngày.
Sau khi chẻ, chân hương được chà, đánh bóng, cắt đúng chiều dài theo quy định và đưa tới xưởng sản xuất nhuộm màu, làm các công đoạn tiếp theo.
Hương có 2 màu nhuộm là đỏ và hồng, đều mang ý nghĩa riêng. Màu hồng tượng trưng cho quốc hoa Việt Nam là hoa sen, trong khi đó, đỏ tượng trưng cho màu quốc kỳ.
Sau khi nhuộm xong, chân hương được xòe ra và phơi khắp làng. Nghệ nhân Thi cho biết, hương chỉ cần phơi một nắng từ sáng đến chiều là khô.
Trong khi đó, quá trình sản xuất bột hương lại diễn ra ở nhà máy. Công thức tạo ra mùi hương là bí mật gia truyền. Khi chân hương phơi khô sẽ mang vào nhà xưởng phủ bột hương bên ngoài.
Thành phẩm sẽ đóng gói trong các túi nhỏ phục vụ khách hàng khắp nơi. Trải qua hàng trăm năm, nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu trở thành truyền thống quý báu cần giữ gìn, vừa là sinh kế, vừa trở thành bản sắc văn hóa.
Không có nhận xét nào