Breaking News

Lạ, dậy từ 5 giờ sáng ngày mồng một Tết, du khách chờ thủy triều rút mới đến chỗ này đi lễ được

Du khách, người dân canh nước ròng, thủy triều rút đi lễ tại Hòn Bà (Vị Thủy Long thần nữ), Vũng Tàu ngày đầu năm mới

Lạ, dậy từ 5 giờ sáng, du khách chờ thủy triều rút mới đến chỗ này viếng và lễ ngày đầu năm - Ảnh 1.

Kinh nghiệm khi ra Hòn Bà nên mang giầy bệt, ma sát tốt để di chuyển được thuận lợi. Ảnh: Thanh Huyền

Miếu Hòn Bà được xếp vào danh sách ngôi miếu có vị trí đặc biệt nhất Việt Nam. Ngôi miếu nằm trọn trên một hòn đảo đá, nằm ở gần mũi Nghinh Phong, Bãi Sau của TP. Vũng Tàu. Với đặc thù cách bờ không quá xa, nhưng thủy triều lên (nước lớn), hòn đảo nhỏ bị cô lập giữa mênh mông sóng nước, tạo nên một nét chấm phá tuyệt đẹp cho bức tranh của thành phố biển Vũng Tàu. Để ra viếng miếu Hòn Bà, người dân phải canh nước ròng, thủy triều rút cạn đáy.

Chị Ngô Thị Hương, phường 12, thành phố Vũng Tàu cho biết, 8h sáng nay, chị và gia đình đi 10 cây số từ Phường 12 đến Bãi Sau, gửi xe trên đường rồi đi bộ theo bãi đá ra viếng Bà. "Mùng 1 Tết năm nào cũng vậy, đặt chân đến đây, tôi thấy Hòn Bà vừa đẹp vừa cảm thấy lòng thanh thản, thoải mái. Tôi Mong muốn, cầu nguyện cho gia đình một năm mới mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn", chị Hương chia sẻ.

Lạ, dậy từ 5 giờ sáng, du khách chờ thủy triều rút mới đến chỗ này viếng và lễ ngày đầu năm - Ảnh 2.

Khi nước rút mới có lối ra Hòn Bà với gập ghềnh đá. Ảnh: Thanh Huyền

Chị Nguyễn Thị Ngọc Loan, quê ở Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, tạm trú ở phường 11, thành phố Vũng Tàu, cùng các bạn sáng nay cũng ra vãn cảnh và viếng Bà đầu năm. Đây là lần thứ 2 tôi đặt chân đến Hòn Bà. Lần đầu tiên tôi ra đây là hơn 10 năm về trước khi tôi đi du lịch Vũng Tàu. Tôi thấy Hòn Bà thiêng và cảnh sắc lại đẹp, lạ vì bình thường nước cao lắm chỉ giờ nào nước rút mới ra được.

Là người kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, chị Lê Đoan, phường 7, TP. Vũng Tàu cùng con trai có mặt tại Hòn Bà lúc 9h sáng. Với chị, nơi đây đã trở nên quen thuộc. "Hòn bà đẹp và linh thiêng, năm nào mùng 1 Tết, rằm tháng giêng, rằm tháng 7, tôi cũng cùng các con ra viếng Bà, cầu nguyện cho gia đình năm mới mạnh khỏe, bình an, làm ăn được thuận lợi, may mắn".

Lạ, dậy từ 5 giờ sáng, du khách chờ thủy triều rút mới đến chỗ này viếng và lễ ngày đầu năm - Ảnh 3.

Lối lên, xuống Hòn Bà. Ảnh: Thanh Huyền

Không chỉ người dân địa phương, sáng nay, nhiều du khách trong nước và nước ngoài theo dòng người nhộn nhịp, nối nhau ra Hòn Bà.

Anh Tuấn Phong ở Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết: "Đoàn chúng tôi gần 20 người thuê xe từ Gò Công xuất phát lúc 01h sáng nay. Chúng tôi ghé nhiều chùa trên đường rồi mới đến Vũng Tàu. Trừ những năm dịch Covid 19, năm nào sau giao thừa, gia đình chúng tôi cũng tổ chức đi Vũng Tàu. 

Tài xế dừng ở đây (dốc Mũi Nghinh Phong – núi Nhỏ) để mọi người ra viếng miếu Hòn Bà, đợi khi trời nắng ấm mới xuống tắm biển, chiều chúng tôi trở lại Tiền Giang. Tôi thấy Vũng Tàu đẹp hơn nhiều so với trước", anh Phong hồ hởi nói.

Lạ, dậy từ 5 giờ sáng, du khách chờ thủy triều rút mới đến chỗ này viếng và lễ ngày đầu năm - Ảnh 4.

Tượng Phật bà Quan âm Nam Hải được đặt trên Hòn Bà. Ảnh: Thanh Huyền

Theo tài liệu, Miếu Hòn Bà được xây dựng trên hòn đảo nhỏ vào cuối thế kỷ XVIII (1781) thờ Thủy Long thần nữ – người giữ vai trò điều hòa khí hậu, giúp mưa thuận gió hòa để ngư dân yên ổn làm ăn, ra khơi đánh cá được thuận lợi và nhiều may mắn. 

Bên trong miếu thờ tại trung tâm, bài trí bàn thờ đặt bài vị và năm pho tượng Ngũ Hành Nương Nương tượng trưng cho 5 yếu tố vật chất cơ bản là (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) để hình thành vũ trụ. Dân làng Thắng Tam nay là phường Thắng Tam đã nhiều lần đóng góp kinh phí, sửa chữa trùng tu tôn tạo trở thành nơi thờ phụng khang trang.

Lạ, dậy từ 5 giờ sáng, du khách chờ thủy triều rút mới đến chỗ này viếng và lễ ngày đầu năm - Ảnh 5.

Hòn Bà nằm giữa mênh mông sóng nước. Ảnh: Thanh Huyền

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù lượng người ra viếng rất đông, song ban trị sự tại đây đã bố trí người hỗ trợ, chỉ dẫn bà con tận tình. Chính quyền sở tại đã bố trí lực lượng dân quân, công an túc trực đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách; Công tác vệ sinh môi trường được đảm bảo. Nhiều thùng rác của Công CP Dịch vụ Môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu đặt xung quanh đảo, không thấy hiện tượng vứt rác bừa bãi.

Theo một thành viên trong ban giúp việc Miếu Hòn Bà cho biết, lịch nước ròng (thủy chiều xuống) trong 5 ngày từ mùng 1 tết đến hết mùng 5 tết, từ 5h đến 10h 30. Vì vậy, người dân và du khách có thể ra tham quan và viếng Miếu Hòn Bà trong 5 ngày Tết. Đến giờ nước lên, có người thông báo để bà con biết vào bờ.

Không có nhận xét nào