Hoang mang trước con phố có nhiều “bà Vân” nhất Hà Nội
Nếu đi trên đường Bà Triệu, từ ngã tư Trần Nhân Tông tới đoạn giao Tuệ Tĩnh, nhìn dọc bên phải đường, dù có là người tinh mắt hay không thì cũng nhận thấy những hiệu quần áo lung linh ánh đèn, xen lẫn các quầy hàng đơn sơ.
Suốt từ số nhà 150 đến tận số 275, đếm sơ sơ cũng có ít nhất 20 quầy với "giao diện" tương đối giống nhau. Đó là một chiếc tủ hàng, bên trên gắn liền với một chiếc giá, dựng trên đó các gói hàng hình chữ nhật, xen lẫn vài hộp nhựa to hơn mà quan trọng là hàng nào cũng ghi là của “Cụ Vân”, “Bà Vân” để khẳng định chính nơi này, với mặt hàng này mới là của bà Vân chính hiệu!?
Hoang mang trước con phố có nhiều "bà Vân" nhất Hà Nội
Chưa kể, đa phần các quầy hàng này còn có quy cách bày biện, làm biển hiệu tương tự nhau. Có quầy nho nhỏ nhưng trưng đến 2-3 tấm biển, nền vàng hoặc đỏ, ghi in đậm để làm nổi bật tên, kèm theo địa chỉ, số điện thoại và nhấn mạnh hai cụm từ "gia truyền", "chính gốc”.
Mà ở đây cũng xài chung một "công thức" đặt tên. Hầu hết đều lấy Vân, không bà Vân thì cô Vân. Hơn nữa, hàng nào cũng có đính kèm một tấm ảnh của người phụ nữ nào đó để tăng uy tín. Và từ điều này mà có không ít người hiện nay gọi vui đây là con phố có nhiều bà Vân nhất Hà Nội, thậm chí là cả Việt Nam cũng nên…
Vậy rốt cục bà Vân là ai?
Sau khi tìm hiểu, sở dĩ tên Vân phổ biến ở đây là bởi lấy theo một người nổi tiếng trên phố Bà Triệu. Một bà cụ có tên Bùi Thị Vân, sinh năm 1930, được xem là người Việt đầu tiên làm và bán món lạc rang húng lìu nổi tiếng ngon nhất Hà Nội.
Tương truyền rằng, bà học nghề lạc rang húng lìu từ những người Hoa đi bán hàng rong khắp phố Hà Nội vào đầu thế kỷ XX. Bắt đầu làm từ năm 1963, bà thường rang một vài cân mang lên nơi làm việc khi ấy là nhà máy dệt phục vụ đồng nghiệp.
Phải đến năm 1980, khi bà nghỉ hưu, nghề tay trái thành nghề chính, bà mở quán nước và bán lạc rang húng lìu. Dần dần, thương hiệu bà Vân mới được mọi người chú ý đến. Tìm lại một vài tư liệu thì thấy, không ít lần, bà Vân xuất hiện trên truyền thông, chia sẻ về câu chuyện làm nghề cũng như cửa hàng của mình.
Theo đó, để cho ra đời những mẻ lạc rang húng lìu giòn, thơm đúng độ, đòi hỏi người chế biến phải thật sự khéo léo và tỉ mỉ trong từng khâu, kèm theo đó là bí kíp riêng. Bên cạnh khâu chọn lạc thì húng lìu là một phần quan trọng làm nên hương vị đặc trưng của món ăn gắn liền với tên tuổi của bà Vân.
Gọi là húng lìu nhưng thực chất là tổng hòa của những vị quế, hồi, đinh hương, thảo quả cùng một số loại khác và sẽ được chia tỷ lệ nhất định rồi rang vàng, tán nhỏ. Chưa kể, lạc sau khi được tẩm vị sẽ phơi, hoặc sấy trong gió mà không được phơi nắng.
Thế nhưng, người lưu giữ bí kíp làm lạc rang húng lìu nổi tiếng khắp phố phường thủ đô nay đã không còn. Theo thông tin từ gia đình, bà Vân mới mất hồi tháng 02/2023.
3 thế hệ gìn giữ thương hiệu giữa “triệu bà Vân”
Nghe kể đơn giản vậy nhưng nếu lần đầu hoặc ít khi đi qua con phố Bà Triệu thì hẳn nhiều người cũng phải vòng đi vòng lại đôi ba lần mới xác định được. Chúng tôi đã rẽ thử vào ba, bốn hàng cùng tên mà hỏi thì ai cũng khẳng định là bà Vân chính hiệu, gia truyền làm lạc rang húng lìu. Thậm chí, khi dùng công cụ tra cứu trên bản đồ, kết quả nhận được có tới 5 địa chỉ đặt trên phố Bà Triệu, đều là lạc rang húng lìu gia truyền cô Vân, bà Vân, cụ Vân.
Và khi mang tấm ảnh của bà trên truyền hình so với hình in trên biển tên thì Lạc rang húng lìu cụ Vân, đích thị là hàng chính hiệu. Được biết, lúc sinh thời, giữa muôn vàn quầy bán hàng mọc lên, lấy trùng tên với mình, bà Vân đã sớm đổi thành “cụ Vân” và đem đi đăng ký bản quyền, được cấp con dấu chứng nhận của cục sở hữu trí tuệ.
May thay là trước khi bà mất đã kịp truyền lại công thức lạc rang húng lìu cho con cháu. Hiện giờ, xưởng sản xuất được đặt ở số 145 Mai Hắc Đế - nhà người con trai, song, cửa hàng lấp ló dưới chân căn tập thể số 176 Bà Triệu vẫn được duy trì.
Trò chuyện với cháu đích tôn của cụ Vân thì được biết: “Nhà anh vẫn tự chế biến nhiều công đoạn bởi vì nghề gia truyền mà, nếu như thuê người làm hết thì chẳng mấy chốc mà họ lấy đi công thức của mình”.
Khi được hỏi có lo lắng những hàng lạc rang húng lìu xung quanh vẫn ngang nhiên bày bán suốt nhiều năm qua hay không, con dâu của cụ Vân nói: “Mấy năm gần đây cụ không tự tay làm lạc rang húng lìu nữa mà chỉ làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra chất lượng. Nhiều hàng đều tên là Vân nhưng họ chỉ có thể đặt cô Vân, bà Vân thôi bởi vì cụ đã đăng ký thương hiệu. Những khách hàng quen thuộc của nhà tôi thì vẫn tới mua đều”.
"Có một nguyên tắc bà đã dặn dò rằng tuyệt đối không được mua lạc giá rẻ hay tối giản các công đoạn chế biến, mua lạc rẻ thì bán rẻ, mua đắt thì bán đắt. Thế nên lạc rang húng lìu nhà tôi mới có lúc giá cao, lúc giá thấp, tùy vào mùa và loại lạc", người cháu trai của cụ Vân tiếp lời.
Không có nhận xét nào