Hướng đi mới của làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái
Làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái là một trong những làng nghề nổi tiếng của Việt Nam về sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sơn mài chất lượng cao. Bằng việc chuyển đổi và phát triển phù hợp với thời thế hiện đại, làng sơn mài Hạ Thái đang dần trở thành một điểm đến không thể bỏ qua khi du khách ghé thăm vùng đất Bắc Bộ.
Hạ Thái được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề năm 2001. Vào năm 2003, các nghệ nhân và hộ sản xuất cùng nhau vận động và thành lập Hiệp hội làng nghề sơn mài Hạ Thái để tập hợp các hộ, cơ sở, tổ hợp sản xuất trong làng cùng sản xuất, cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ nhau cùng phát triển nghề, chia sẻ thông tin về thị trường.
Các hội viên trong hiệp hội thường tổ chức các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong việc làm nghề và linh động trong việc biến đổi của thị trường. Hội viên cũng hỗ trợ nhau trong trường hợp thiếu nhân công nhân công trong đợt cao điểm sản xuất, cho vay các sản phẩm cốt, vóc để kịp thời các đơn đặt hàng nội địa và quốc tế.
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, người Hạ Thái còn tạo ra hàng nghìn mẫu sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước như bát, đĩa, lọ hoa, khay, tranh sơn, tranh khảm, hộp đựng giấy, hộp đựng tăm….Trong đó, được yêu thích nhất là các mặt hàng: tranh, bình, lọ, bát dừa, khay.
Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định được thương hiệu không chỉ nhờ uy tín, chất lượng luôn bóng, mịn, đẹp, độ bền cao, mà còn kết tinh dấu ấn của bàn tay khéo léo, sức sáng tạo của những người thợ tài hoa.
Sự ổn định của làng nghề cùng với việc bảo tồn những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần đã góp phần để Hạ Thái được công nhận là một trong những làng nghề phát triển và có tiếng nhất Việt Nam, trở thành một trong hai làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống trong cả nước được Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn làm điểm chiến lược phát triển làng nghề bền vững đến năm 2010.
Nhiều năm nay, Hạ Thái đã trở thành địa chỉ có uy tín với các bạn quốc tế. Hàng của Hạ Thái đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Tây Ban Nha, Úc, Ý, Nhật, Hàn Quốc…
Các nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất có doanh thu cao được địa phương cấp huyện, tỉnh cử đi chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện bản thân với các cấp chính quyền, bà con nông dân để qua đó tìm ra lối đi cho các làng nghề khác.
Vào năm 2020, Hạ Thái chính thức được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng giúp Hạ Thái xây dựng và củng cố thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, đồng thời có bước chuyển mình theo xu hướng phát triển mới của xã hội.
Bên cạnh việc giữ gìn những bản sắc vốn có, người dân Hạ Thái hiện nay đã mở rộng các mô hình kinh doanh nhằm nâng cao độ phủ sóng và thúc đẩy kinh tế cho làng. Lấy nét đặc trưng là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, làng Hạ Thái đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu và thử sức làm tranh sơn mài.
Anh Dũng - một họa sĩ từng theo học tại đại học Mỹ thuật Việt Nam đem lòng yêu tranh sơn mài nên quyết định chuyển về Hạ Thái sinh sống để theo đuổi đam mê của mình. Anh là một trong những cá nhân đi đầu trong việc thực hiện mô hình du lịch trải nghiệm làm tranh sơn mài.
Ban đầu, hoạt động trải nghiệm ở xưởng của anh Dũng chủ yếu hướng đến đối tượng là khách du lịch nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại, nhờ sự phát triển của mạng xã hội, anh Dũng đã quảng bá cơ sở của mình thông qua mạng xã hội để những người dân Việt Nam có cơ hội tiếp cận với hoạt động du lịch kết hợp làm tranh độc đáo này.
Làm tranh sơn mài yêu cầu sự tỉ mỉ và tập trung cao, anh mong muốn khách du lịch sẽ có một khoảng thời gian tĩnh tâm sau những xô bồ của cuộc sống. Mỗi khách đến đây sẽ được lựa chọn thử sức với công đoạn dán vỏ trứng hoặc phủ bạc trên cốt tranh sẵn có. Mỗi bức tranh mang về là một sản phẩm độc nhất, bởi nó được hoàn thiện dựa trên sự tỉ mỉ, sở thích và tài năng của mỗi khách hàng.
trải nghiệm làm tranh
Kể từ khi được công nhận là làng nghề du lịch năm 2020, chính quyền địa phương đã dành sự quan tâm cho phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Khách tham quan đã có thể di chuyển thuận tiện đến làng bằng tuyến xe buýt 21B xuất phát từ Mỹ Đình. Tuy nhiên, so với những làng nghề đã phát triển du lịch tại Việt Nam, sơn mài Hạ Thái còn khá non trẻ, quy mô và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Hồi cũng nhận thấy những thiếu thốn về cơ sở vật chất như các công trình vệ sinh công cộng, khu trải nghiệm, phòng trưng bày, khu lưu niệm và cả những công trình du lịch ăn theo như hàng quán, khu vui chơi,...Sơn mài Hạ Thái đang rất cần những dự án mang tính quy mô và đồng bộ để mang lại bộ mặt khác biệt, phát triển đúng với tiềm năng vốn có của nó.
Anh Ngô Quý Đức có cơ hội biết đến Hạ Thái vào năm 2007. Anh đã kết hợp với một vài họa sĩ trong làng để cùng nhau phát triển các dự án liên quan đến du lịch tại làng nghề. Bên cạnh đó, anh Đức cũng nhận vai trò quảng bá trên báo chí và các nền tảng mạng xã hội. Anh xây dựng fanpage và biến đây trở thành đơn vị chịu trách nghiệm truyền thông cho hoạt động du lịch của làng. Trong tương lai, dự án cũng móc nối với những mối quan hệ để có thể cung cấp sản phẩm trải nghiệm tới những cơ sở du lịch tại Hội An. Đây là cơ hội mở rộng thị trường du lịch văn hóa làng nghề và cũng là cho du khách Hội An những lựa chọn đa dạng hơn.
Chùm ảnh “khách du lịch tham quan trải nghiệm tại làng” (Nguồn ảnh: Ngô Quý Đức)
Là người trẻ với lòng đam mê đem văn hóa truyền thống Việt ra khỏi “lũy tre làng”, anh Đức cho rằng để phát triển được du lịch làng nghề, cần phải có sự chung tay từ nhiều phía. Từ sự đồng hành của các cơ quan chính quyền; cố vấn của các chuyên gia trong những lĩnh vực liên quan; sự đầu tư cơ sở hạ tầng bởi những nhà đầu tư và tham gia của các đơn vị lữ hành; quảng bá của đơn vị truyền thông và đặc biệt tinh thần ủng hộ, tham gia từ chính người dân ở làng nghề.
Kết lại, Hạ Thái là một trong những làng nghề truyền thống vẫn tồn tại không chỉ vì những sản phẩm có tính ứng dụng mà còn nhờ sự nhanh nhạy, hội nhập với thời thế hiện đại. Tuy nhiên, làng nghề vẫn cần có sự đầu tư mang tính quy mô và sự gắn kết hơn để có thể phát triển trở thành làng nghề truyền thống mang bộ mặt du lịch hiện đại. Cùng chờ đợi những sự đổi mới đầy hứa hẹn của Hạ Thái trong một tương lai không xa.
Thực hiện: Hà Tuấn - Thùy Trang - Thu Hường - Hạ Vũ - Thu Hà
Không có nhận xét nào