Vi vu "khắp" Hà Nội chỉ vài bước chân tại Lễ hội Du Lịch Hà Nội 2023
Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023 diễn ra từ ngày 23/3 đến hết ngày 26/3 tại khu vực phố đi bộ Hoàn Kiếm với chủ đề "Kết nối di sản phát triển du lịch". Lễ hội thu hút nhiều doanh nghiệp đến từ Hà Nội và các tỉnh thành khác trên cả nước tham gia cùng với quy mô hơn 150 gian hàng.
Chỉ trong chiều 24/3, các mô hình đã được ban tổ chức gấp rút hoàn thiện để chuẩn bị cho lễ khai mạc vào buổi tối cùng ngày. Mỗi mô hình đều mang những chi tiết nổi bật về một danh lam thắng cảnh ở Hà Nội cùng với hệ thống đèn sáng, phục vụ cho việc tham quan, chụp hình của các du khách khi trời tối hoặc trong thời điểm ánh sáng ngoài trời không được tốt. Vị trí các mô hình được sắp xếp cùng trên tuyến đường chính của phố đi bộ.
Hà Nội những buổi đầu dựng nước
Đến với danh lam thắng cảnh đầu tiên, du khách có thể chiêm ngưỡng mô hình Đền Gióng và có được những hình dung cụ thể về quần thể di tích nổi tiếng này. Mô hình Đền Gióng có bố cục tương đối bắt mắt với hình ảnh trung tâm là tượng Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt đánh giặc, một hình ảnh mang tính biểu tượng và được khắc ghi trong tiềm thức của bao thế hệ người Việt. Đằng sau là hàng tre xanh, một vũ khí quan trọng đã góp phần làm nên chiến thắng của Thánh Gióng trong trận chiến ác liệt với giặc Ân.
Ở hai bên của mô hình là hình ảnh những ngôi đền, ngôi chùa mái đỏ trong kiến trúc độc đáo đã gợi nên sự cổ xưa trang trọng. Cùng với đó, hình ảnh bóng cây, hồ nước cũng góp phần tô điểm vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên nơi Đền Gióng.
Dựng nước là thời kỳ vô cùng khó khăn của cha ông ta. Các thế hệ hiện nay có thể dễ dàng thấu hiểu điều đó qua di tích Thành Cổ Loa với nhiều truyền thuyết đặc sắc. Đến nay, sự cổ kính của Thành Cổ Loa cùng với những nhân vật chính xoay quanh khu tích này vẫn được người dân Việt Nam gìn giữ và bảo tồn.
Mô hình về Thành Cổ Loa là Đền thờ An Dương Vương đã nhuốm màu thời gian với những khối gạch màu xám tro điển hình. Các tác giả đã thể hiện được sự chân thực, sống động về ngôi đền qua những màu sắc có sự tương đồng lớn so với hình ảnh ngôi đền trong thực tế.
Một nhân vật tiêu biểu về Thành Cổ Loa là tướng Cao Lỗ, người đã chế tạo ra nỏ thần Liên Châu, giúp vua An Dương Vương bảo vệ vững chãi ngôi thành. Mô hình về tướng Cao Lỗ được thiết kế vô cùng ấn tượng với hình ảnh ông đang cầm nỏ thần ngắm về phía trước, đằng sau là hình ảnh trống đồng với những chi tiết nhỏ được in ấn sắc nét. Hai bên là hình ảnh những ngọn sóng, góp phần tạo nên tư thế đầy uy nghi của tướng Cao Lỗ trong thời kỳ dựng nước đầy khó khăn, trắc trở.
Những ngày cả Hà Nội "đất chuyển trời rung"
Bước qua thời kỳ dựng nước gian khó, thời kỳ giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng không kém phần gian truân nhưng đầy hy hoàng. Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử hơn 100 năm vẫn đứng hiên ngang qua hai cuộc chiến trong giai đoạn lịch sử hào hùng đã qua.
Khi được dựng thành mô hình, thật khó để khách tham quan phát hiện ra sự cổ kính hay bóng dáng của chiến tranh về cây cầu này. Du khách chỉ có thể thấy được sự thơ mộng, hoài niệm về cầu Long Biên trong ánh hoàng hôn vàng cam rực rỡ.
Hà Nội trở về những ngày lặng lẽ, bình yên
Bước vào thời bình, đất nước ta chú trọng phát triển đa lĩnh vực, không chỉ về mặt kinh tế, xã hội mà còn về phía cạnh văn hóa, du lịch. Vườn Quốc gia Ba Vì là một trong những danh lam thắng cảnh tiêu biểu trong giai đoạn này.
Mô hình vườn Quốc gia Ba Vì mang đến hình ảnh của những di tích lịch sử, mang tính tâm linh. Điểm thú vị tại mô hình vườn quốc gia là các hình ảnh được tạo hình như những ngọn núi uốn lượn mượt mà, nằm so le với nhau. Trong đó, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được sắp xếp ở vị trí cao nhất.
Trong những năm gần đây, nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triển du lịch của các danh lam thắng cảnh mang tính lịch sử, trong đó có làng cổ Đường Lâm. Được mệnh danh "nơi lưu giữ nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ", làng cổ Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây) sở hữu những ngôi nhà cổ có kiến trúc độc đáo, cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình, chùa miếu…
Mô hình làng cổ Đường Lâm được chia làm hai khu vực: gian nhà cổ và ngoài trời. Gian nhà cổ được dựng lên bởi những sự vật đời thường của vùng thôn quê: tường gạch, cánh cổng gỗ uy nghi cùng với mái ngói xếp lớp. Ở bên trái của nhà cổ là mô hình cá gỗ - một trong những điểm đặc biệt thu hút khách tham quan.
Đến với khu vực ngoài trời, du khách có thể bắt gặp hình ảnh vô cùng thân thuộc với những người nông dân là đống rơm vàng nằm ở góc sân, một chú trâu gỗ. Bên cạnh đó, khu vực ngoài trời còn có rặng tre xanh, gợi về những thước phim nông thôn yên bình.
Anh Nguyễn Văn Thắng, 43 tuổi, đồng tác giả của mô hình và gian trưng bày làng cổ Đường Lâm chia sẻ: "Về mô hình và gian trưng bày làng cổ Đường Lâm, anh và các tác giả khác đã cùng nhau họp bàn trong 3 ngày và hiện thực hóa chỉ trong 1 ngày. Với các chi tiết được lựa chọn để trưng bày, chúng có thể không đặc sắc nhất, nhưng chúng được xem là tiêu biểu về ngôi làng. Và bất kỳ ai đã từng đến Đường Lâm rồi thì chắc chắn những ký ức về nơi ấy sẽ được sống lại. Đường Lâm có diện tích lớn hơn rất nhiều so với gian trưng bày nên anh không thể tái hiện được tất cả mọi thứ. Anh chỉ có thể lựa chọn vài sự vật gắn liền với những câu chuyện về con người ở đây.
Khách tham quan có thể thấy rõ sự khác biệt về mô hình cũng như gian trưng bày của làng cổ Đường Lâm với những mô hình về các danh lam thắng cảnh khác. Vì anh muốn ngôi làng hiện lên thật sống động, chân thực. Nếu chỉ có ảnh về ngôi làng thôi thì chưa đủ. Đường Lâm trở nên toàn diện hơn khi có sự vật ở đó, như đống rơm, con trâu, gạch tổ ong,… Có như vậy, du khách mới cảm nhận được cái hồn quê mộc mạc, đơn sơ của ngôi làng."
Một thoáng nhớ về Hà Nội xưa
Ngay khi các mô hình về các danh lam thắng cảnh được hoàn thành dựng một cách chỉn chu, chúng đã thu hút sự chú ý của rất nhiều khách tham quan. Bác Tống Xuân Đường, 74 tuổi, đến từ Hà Nội đã tỏ ra vô cùng thích thú, đặc biệt là mô hình làng cổ Đường Lâm: "Với bác, mô hình làng cổ Đường Lâm rất sống động, rất chân thực mà cũng rất nghệ thuật. Thật khó để bác có thể diễn tả trọn vẹn cảm xúc của mình khi thấy mô hình này. Bác thực sự cảm thấy có chút hoài niệm khi nhìn thấy hình ảnh của đống rơm, con trâu. "Con trâu là đầu cơ nghiệp", nó đã nuôi sống gia đình bác trong một thời rất dài. Những hình ảnh này đã làm bác gợi nhớ đến quê hương rất nhiều, về thời thơ ấu khi mà cuộc sống chỉ xoay quanh điếu cày, con trâu và đồng ruộng.
Bác đã ở Hà Nội nhiều năm nay rồi nhưng ký ức về quê hương vẫn ở trong bác. Và quả thực là khi nhìn thấy mô hình làng cổ Đường Lâm, những ký ức ấy như đang sống dậy. Bác chỉ định đi bộ ngắm nghía thôi, nhưng nhìn thấy con trâu, đống rơm là bác dừng lại ngay lập tức. Bác chụp vài kiểu ảnh, coi như một kỷ niệm ở Hà Nội mà vẫn giữ được hồn quê."
Bác cũng chia sẻ rằng bản thân cảm thấy rất ấn tượng với ý tưởng dựng mô hình về các danh lam thắng cảnh để quảng bá du lịch Hà Nội. "Thế hệ trẻ hiện nay có lẽ chỉ biết nhiều về hình ảnh Hà Nội hiện đại, giàu có. Tuy nhiên, Hà Nội cũng từng là quê, cũng từng sinh ra từ làng. Hà Nội đã trải qua nhiều thời kỳ đổi thay và ở nhiều nơi, nông thôn dần biến mất. Thật may là đến giờ làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được sự cổ kính ấy. Đó là nơi đang giữ lại hồn quê rất đẹp về nông thôn Hà Nội nói riêng và nông thôn miền Bắc nói chung."
Không chỉ yêu thích mô hình làng cổ Đường Lâm, bác Đường cũng thấy các mô hình về các danh lam thắng cảnh khác được đầu tư công phu, sống động. Nếu ai chưa có cơ hội đi hết Hà Nội thì những mô hình chân thực như thế cũng phần nào tái hiện được một Hà Nội muôn hình muôn vẻ.
Đến với Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2023, du khách sẽ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động khác nhau, đặc biệt có được những góc nhìn đa chiều về thủ đô Hà Nội: một Hà Nội cổ kính ngàn năm, một Hà Nội thôn quê trữ tĩnh và một Hà Nội anh hùng bất khuất qua những mô hình chân thực, tinh tế về các danh lam thắng cảnh. Nhiều người ngỡ Hà Nội rất rộng, Hà Nội rất lớn, và dường như không có cơ hội để đi hết Hà Nội. Nhưng chỉ cần dạo bước trên con đường phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội cứ thế hiện lên thật dịu dàng, thân thuộc trong lòng mỗi du khách.
Không có nhận xét nào