Du lịch tự phát ven hồ Trị An: Phản đối hay ủng hộ?
Buộc tháo dỡ lều trại du lịch tự phát ven hồ Trị An
Liên quan đến du lịch tự phát ven hồ Trị An, trao đổi với Báo Dân Việt, ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã đà cho biết, để chấn chỉnh lại tình hình du lịch trên địa bàn, thời gian qua, xã đã vận động bà con tự tháo dỡ các hạng mục sai phạm và ra quyết định cưỡng chế nhiều cơ sở du lịch tự phát.
"Cơ bản người kinh doanh họ có giấy phép kinh doanh nhưng thực tế lại không đủ điều kiện kinh doanh du lịch. Vì vậy căn cứ theo các quy định UBND xã Mã Đà đã thông báo cho bà con kinh doanh du lịch tự phát, yêu cầu tháo dỡ các công trình, hạng mục sai phạm", ông Sơn thông tin.
Đặc biệt, xã đã cưỡng chế một số cơ sở, một số cơ sở khác đã có quyết định cưỡng chế nhưng xin tự tháo dỡ sau ngày 10/5. Và khi có "lệnh" tháo dỡ, nhiều người làm du lịch đã đồng loạt ký đơn gửi đến Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hoá Đồng Nai, Sở NNPTNT Đồng Nai, Sở TNMT Đồng Nai... để nhờ hướng dẫn làm du lịch đúng luật…
"Khó khăn hơn nữa là đa phần ở đây người dân có đất nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân đề nghị xã hướng dẫn để làm du lịch nhưng khi xã mời lên thì không ai có bất kỳ giấy tờ gì để có thể hướng dẫn. Vì vậy, việc hướng dẫn người dân làm du lịch đúng cách đang là nỗi trăn trở của địa phương trong suốt thời gian qua", ông Sơn nhấn mạnh.
Khi nói về việc quyết định tháo dỡ, cưỡng chế từ địa phương đối với cơ sở du lịch The Emma Glamping, anh Phạm Huy Hoàng, quản lý cơ sở nói rằng khi nhận quyết định buộc tháo dỡ các hạng mục, anh và các lao động ở cơ sở rất sốc.
"Giờ tôi và các cơ sở khác chỉ mong các cơ quan có thẩm quyền suy xét về vấn đề tháo dỡ, đồng thời có hướng dẫn cụ thể, quy hoạch du lịch để chính chúng tôi và những người lao động ở đây có công việc làm ổn định. Phát triển được du lịch cũng tạo tiền đề phát triển địa phương và lâu nay các khu glamping hoạt động an toàn, chưa để mất an ninh trật tự tại địa bàn", anh Hoàng chia sẻ.
Tương tự ông Nguyễn Viết Thăng, chủ cơ sở du lịch Suri Camping tỏ ra rất lo lắng vì đầu tư vào làm du lịch lên đến tiền tỷ. Vì vậy ông Thăng mong chính quyền các cấp chỉ đạo, tạo điều kiện hướng dẫn cho các cơ sở tiếp tục phát triển mô hình du lịch này ở địa phương.
Còn người làm du lịch gần 2 thập kỷ ở Mã Đà như gia đình chị Hồ Thị Phương Yến (cơ sở Napy) chia sẻ thời điểm gia đình chị chọn Mã Đà để dừng chân thì nơi đây rất hoang vắng, chưa có nhiều người biết đến.
Khởi đầu làm du lịch cả nhà chị cũng không ai nắm được đầy đủ quy định, giấy phép hoạt động… nhưng trong quá trình phát triển du lịch đã được cán bộ địa phương hỗ trợ rất nhiều.
Clip: Chị Hồ Thị Phương Yến chia sẻ mong muốn về phát triển du lịch Mã Đà
"Tôi nghĩ người làm du lịch đi sau như chúng tôi cũng không nắm đầy đủ các thủ tục nên dễ làm sai. Vì vậy, nếu có thể phát triển du lịch đúng hướng, đúng quy định pháp luật thì sẽ tạo điều kiện rất tốt cho người làm du lịch. Thiết nghĩ, nếu có 1 hợp tác xã làm du lịch ở Mã Đà thì rất tốt, sẽ tạo ra được một cộng đồng du lịch ở Mã Đà. Nhưng muốn làm được điều này địa phương cần đưa ra lộ trình cụ thể để hướng dẫn người kinh doanh du lịch", chị Yến nói.
Tiềm năng lớn phát triển du lịch ven hồ Trị An
Trước thực trạng trên, tiếp tục chia sẻ với Báo Dân Việt, ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà nói rằng Mã Đà có đầy đủ tiềm năng để phát triển và hút khách du lịch nên nếu không khai thác được trọn vẹn sẽ rất thiệt thòi cho người dân.
Clip: Ông Trần Đức Sơn mong có cơ chế đặc biệt cho du lịch Mã Đà
Theo ông Sơn, hiện xã Mã Đà đã có phương án quy hoạch đất thương mại dịch vụ giai đoạn 2020 - 2030 phù hợp để phát triển du lịch. Vì vậy nếu người dân được giao đất hoặc cấp đất, xã sẽ hướng dẫn chuyển đổi mục đích để phát triển du lịch. Khi đó xã sẽ cho thành lập HTX để đưa các hộ dân cùng làm du lịch vào, chung tay phát triển du lịch địa phương.
"Chúng tôi mong các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện hoặc có cơ chế đặc biệt để hướng dẫn cho địa phương giúp người dân phát triển du lịch. Hàng tuần, tôi thấy lượng khách về rất đông, có những tuần lên đến 2.000 - 3.000 khách, sẽ giúp người dân địa phương sẽ cải thiện được thu nhập", ông Sơn chia sẻ.
Khi nhắc đến cuộc sống người dân, ông Sơn có đưa ra ví dụ là người dân địa phương chỉ sống bằng cây xoài. Trước đây đến mùa thu hoạch xoài, người dân bán ra chỉ 2.000 đồng - 3.000 đồng/kg nhưng từ khi có khách du lịch, khách vào tận vườn thu hoạch trải nghiệm và mua với giá khoảng 20.000 đồng/kg. Còn lao động địa phương trước đây đi làm thuê chỉ kiếm được 2 - 3 triệu đồng còn nay thu nhập 7 - 10 triệu đồng, kinh tế cũng từ đó đi lên.
Vì vậy ông Sơn nhấn mạnh là địa phương mong muốn người dân sẽ được phát triển du lịch, có cơ chế làm du lịch đúng quy định...
Về phát triển du lịch, ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai cho hay: Hiệp hội vừa gửi văn bản kiến nghị lên UBND tỉnh Đồng Nai, Sở VHTTDL tỉnh Đồng Nai có hướng dẫn tổ chức hoạt động du lịch sinh thái tại khu vực hồ Trị An.
Hiệp hội kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai, Sở VHTTDL có ý kiến với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm có quy định và cơ chế tạo điều kiện cho việc tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của các hộ dân ở nông thôn. Trong đó, có chính sách cho phép lắp dựng các công trình như nhà chòi, nhà vệ sinh… phục vụ du khách trên diện tích đất nông nghiệp. Xem xét có văn bản hướng dẫn UBND huyện Vĩnh Cửu và UBND xã Mã Đà vận động các hộ dân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ du lịch thành lập các tổ dịch vụ du lịch cộng đồng.
Được biết, trong quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030, vùng lòng hồ Trị An (khu vực thuộc huyện Vĩnh Cửu) được xác định nằm trong không gian phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai. Do đó, người dân và lãnh đạo huyện Vĩnh Cửu kỳ vọng, các dự án du lịch sẽ giúp cải thiện thu nhập của người dân ven hồ Trị An.
Tìm hướng mở cho ngành du lịch ở vùng nông thôn
Trước thực trạng du lịch tự phát khu vực hồ Trị An, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương, các sở, ngành tập trung rà soát thực tế, thống kê, nắm rõ tình hình. Đồng thời, ông Hùng cũng yêu cầu huyện Vĩnh Cửu, các xã tăng cường quản lý để các hoạt động du lịch bảo đảm đúng quy định và giữ gìn an ninh trật tự.
"Các vi phạm ở khu vực lòng hồ Trị An sẽ phải xử lý nghiêm, địa phương không được để phát sinh thêm vi phạm. Thực tế du lịch nông nghiệp nông thôn của Đồng Nai hiện còn vướng một số quy định nên trước mắt cần thí điểm, thông qua các hợp tác xã để các hộ dân kinh doanh du lịch tham gia cùng làm du lịch.
Quá trình thí điểm và tìm hướng mở cho ngành du lịch, huyện, xã vẫn phải tập trung kiểm soát tình trạng du lịch tự phát, không để phát sinh trường hợp mới. Các Sở VHTTDL, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng phải phối hợp đưa ra quy chuẩn xây dựng trên đất nông nghiệp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thiết yếu tại các điểm tham quan, vui chơi giải trí được hoạt động trong phạm vi cho phép", ông Hùng nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào