Thúc đẩy du lịch giữa hai nước Sri Lanka và Việt Nam
Chiều ngày 4/4, ngài A. Saj U – Đại sứ quán Sri Lanka tại Việt Nam đã thông tin tới báo chí, tình hình chính trị, kinh tế của đất nước họ đã ổn định. Mọi hoạt động phát triển kinh tế, thương mại, du lịch đã được thúc đẩy trở lại. Quốc đảo Sri Lanka đã mở cửa các hoạt động du lịch, trong đó các dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn đã sẵn sàng để đón du khách Việt Nam.
Bên cạnh đó, Sri Lanka cũng sẵn sàng hỗ trợ du khách quốc tế có thể nhập cảnh dễ dàng và có những trải nghiệm thú vị để khám phá đất nước này. Hiện, Sri Lanka có 5 đường bay quốc tế, 9 đường bay nội địa.
Thúc đẩy du lịch giữa hai nước Sri Lanka và Việt Nam
Phát biểu tại buổi gặp gỡ báo chí và doanh nghiệp lữ hành, ngài A. Saj U cho hay, trước đại dịch Covid-19, năm 2019, lượng khách trao đổi hai chiều giữa Sri Lanka và Việt Nam là 18.000 lượt, trong đó có khoảng 15.000 lượt khách Sri Lanka đến Việt Nam và 3.000 lượt khách chiều ngược lại.
"Sri Lank được đánh giá là điểm đến du lịch tốt nhất trên thế giới qua sự bình chọn của giới truyền thông uy tín quốc tế. Năm 2019, đất nước chúng tôi nằm trong số 15 hòn đảo tốt nhất trên thế giới để đi du lịch và giải trí.
Sri Lanka có nhiều thác nước nhất, với khoảng 350 thác nước và 103 con sông, đồng thời có 26 vườn quốc gia. Du khách khi đến đây sẽ được nhìn thấy những đàn voi to tập trung ở thị trấn Minneriya, đàn báo tập trung ở rừng Yala và rừng nhiệt đới Sinharaja. Những địa điểm này là di sản thế giới được UNESCO công nhận. Hai loài động vật có vú lớn nhất trên trái đất, đó là voi và cá voi xanh, chúng đều có thể được nhìn thấy ở Sri Lanka trong cùng một ngày và ở trong một khoảng cách gần.
Bên cạnh đó, Sri Lanka còn là thiên đường của rất nhiều loài chim quý hiếm. 431 loài chim sống ở trong khu bảo tồn Kumana và Bundala; Là một trong 34 điểm nóng đa dạng về sinh học trên Thế giới", ngài A. Saj U cho hay.
Theo ngài Đại sứ Sri Lanka, Quốc đảo này còn có nhiều hoạt động khám phá như tour bay khinh khí cầu, lặn biển, dù lượn, lướt sóng, chèo thuyền, chơi gôn, leo núi và đi bộ đường dài, vượt thác, đi xe đạp leo núi...
Và đặc biệt Sri Lanka còn là cái nôi của Phật giáo, có nền văn hóa độc đáo, đặc sắc cùng 6 di sản khảo cổ được UNESCO công nhận, có niên đại 3000 năm để du khách có thể tìm hiểu, khám phá.
Sri Lanka cũng là đất nước có nền văn hoá ẩm thực phong phú tồn tại hơn 3000 năm. Hương vị khác nhau ở các vùng miền là kết quả của quá trình thuộc địa hoá. Ẩm thực của Sri Lanka tập trung vào các thực phẩm chay.
Tiếp lời ngài Đại sứ A. Saj U, vị Chủ tịch Hiệp hội khách sạn du lịch Sri Lanka Shanthikumar cho hay, thời điểm hiện tại, các dịch vụ lưu trú của Sri Lanka đã sẵn sàng đón khách. Trong đó, Sri Lanka có nhiều khu nghỉ dưỡng 4-5 sao, có thể đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng khách một cách tốt nhất.
Phát biểu tại buổi thông tin thúc đẩy du lịch giữa hai nước, bà Trần Thị Phương Nhung - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nói: "Từ năm 2004, chính phủ hai nước Việt Nam và Sri Lanka đã ký Hiệp định hợp tác phát triển du lịch. Việc Sri Lanka đã ổn định tình hình chính trị, kinh tế là cơ hội tốt để du khách Việt Nam có thể thực hiện các chuyến du lịch đến đất nước này.
Việt Nam cũng mong muốn, du khách từ Sri Lanka sẽ đến du lịch Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới. Hiện nay, cơ quan quản lý du lịch của Việt Nam đã đề xuất Chính phủ về chính sách thị thực (visa), có thể kéo dài thời gian lưu trú cho du khách từ 15 lên 45 ngày.
Được biết, vào khoảng tháng 5/2023, Đại sứ quán Sri Lanka sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành của Việt Nam tổ chức đoàn famtrip (khảo sát) với sự tham gia của các đơn vị lữ hành, truyền thông Việt Nam để khảo sát các điểm du lịch mới, tăng cường truyền thông, xây dựng thêm sản phẩm để đưa khách Việt Nam đến với Sri Lanka nhiều hơn.
Không có nhận xét nào