Đứng trước thắng cảnh hùng vĩ của Tuyên Quang, Hoa hậu Lương Kỳ Duyên bất ngờ nói ra điều này
Đây là lần đầu tiên, một đơn vị cấp huyện trong tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ công bố điểm đến và kết nối tour tuyến quảng bá du lịch, chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của ban lãnh đạo huyện với công tác phát triển ngành công nghiệp không khói.
Chương trình mở đầu chuỗi các hoạt động Năm Du lịch Tuyên Quang và nằm trong trong lộ trình dài hơi, hưởng ứng Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Trong lễ công bố, Chiêm Hoá giới thiệu 2 điểm đến đặc biệt: Khu du tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình và Danh thắng Quốc gia Thác Bản Ba. Đây là hai điểm đến đại diện cho du lịch về nguồn và du lịch sinh thái của huyện Chiêm Hoá. Nếu khu du tích Quốc gia Kim Bình ghi dấu nơi diễn ra đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, đại hội duy nhất họp ngoài thủ đô Hà Nội thì danh thắng quốc gia Thác Bản Ba với 3 tầng thác trải dài suốt 3km, từ độ cao khoảng 1.000m với lượng nước dồi dào suốt quanh năm, sẽ mang đến một trải nghiệm đặc biệt cho khách yêu thiên nhiên.
Theo bà Hà Thị Minh Quang - Phó Chủ tịch huyện Chiêm Hoá: "Thông qua Lễ công bố điểm đến và các tour du lịch lần này, Chiêm Hoá muốn giới thiệu với du khách về một vùng đất không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn rất nhiều tài nguyên thiên nhiên quý giá và đặc sắc về văn hoá".
Cũng theo bà Quang, phát triển du lịch là một hướng đi không chỉ mang lại kinh tế cho bà con nhân dân mà con là một động thái đánh thức tiềm năng và lòng tự hào về tài nguyên thiên nhiên của vùng - những cánh rừng phủ xanh bạt ngàn, những thung lũng cam vàng óng với sản lượng cao và chất lượng khó phủ nhận, những món ăn đậm tính bản địa… Bà Quang tin rằng, nếu có hướng phát triển đúng, trong tương lai không xa, các địa danh của Chiêm Hoá như Thác Bản Ba, Thác Lụa,… sẽ là điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Tham dự sự kiện còn có sự xuất hiện của Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2022 - Lương Kỳ Duyên. Lần đầu đến với "quê hương cách mạng", Kỳ Duyên bày tỏ sự ngạc nhiên về sự thân thiện của con người và cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây. Người đẹp đã dành thời gian khám phá các di tích Chiến thắng Cầu Cả, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, thăm thác Bản Ba.
Hoa hậu Kỳ Duyên ngỡ ngàng trước tiềm năng du lịch Tuyên Quang
Hoa hậu Kỳ Duyên dành nhiều sự ngạc nhiên khi biết rằng, Tuyên Quang đang sở hữu tài nguyên rừng đáng giá, với độ phủ xanh lên tới 63%. Đặc biệt, Danh thắng Quốc gia Thác Bản Ba nằm trong 1 cánh rừng có độ phủ xanh lên tới 93% đã tạo cho người đẹp ấn tượng đặc biệt.
"Duyên thực sự bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những cánh rừng bạt ngàn ở nơi đây. Duyên tin rằng, tất cả du khách tới đây đều sẽ cảm nhận được bầu không khí thanh lành đáng giá từ những cánh rừng mang lại. Duyên hy vọng, với vai trò vai trò và sứ mệnh của đương kim Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Duyên sẽ cùng người dân Tuyên Quang "Chung tay vì một Việt Nam xanh", người đẹp nói.
Chiêm Hoá quy tụ 18 dân tộc anh em sinh sống, từ người Tày, Nùng, Mông, Dao, Pà Thẻn đến người Cao Lan… Tại Chiêm Hoá, bên cạnh Di tích quốc gia đặc biệt Kim Bình, Chiêm Hoá còn có "bảo vật quốc gia" tại chùa Bảo Ninh – Sùng Phúc, đó là bia đá xanh hơn 1000 năm tuổi, có niên đại từ thời nhà Lý (1007) là hiện vật gốc, độc bản, được nhà nước cấp Di tích lịch sử Quốc gia năm 1998.
Chiêm Hoá cũng là mảnh đất gắn với nhiều danh thắng thiên nhiên hùng vĩ và tráng lệ như: Thác Bản Ba (xã Trung Hà - địa danh được Nhà nước cấp Danh thắng Quốc gia năm 2007), thác Lụa (xã Hoà Phú), đồi mận Nà Héc (xã Yên Lập),… Các điểm đến này đều nằm bên cạnh những khu rừng đặc dụng, rừng tự nhiên có độ phủ xanh trên 60%.
Chiêm Hoá là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang cách trung tâm tỉnh lỵ 67 km; huyện có 24 xã, thị trấn; 287 thôn, tổ dân phố; dân số trên 119 nghìn người với 18 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số toàn huyện.
Huyện còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc, nhiều di sản văn hóa phi vật thể như: Hát then cọi của dân tộc Tày, hát Páo dung, múa màng của dân tộc Dao… trong đó Thực hành nghi lễ then của dân tộc Tày được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Không có nhận xét nào