Breaking News

Biến chợ Bến Thành thành điểm check-in hấp dẫn

Du khách đến tham quan và mua sắm tại chợ Bến Thành - Ảnh: N.Trí

Du khách đến tham quan và mua sắm tại chợ Bến Thành - Ảnh: N.Trí

Việc sửa chợ cần nguồn vốn lớn, nhưng hoạt động kinh doanh nhiều tiểu thương còn khó khăn.

Do đó, bên cạnh xã hội hóa, theo các chuyên gia và tiểu thương, cần có cơ chế riêng để rót vốn ngân sách vào việc sửa chữa, nâng cấp chợ cũng như chỉnh trang khu vực xung quanh chợ Bến Thành.

Tiểu thương mong Nhà nước chung tay

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn H., chủ một sạp kinh doanh thời trang tại chợ Bến Thành, cho biết do chợ đã xuống cấp nên vào mùa nắng, tiểu thương phải chịu đựng cái nóng.

"Còn vào mùa mưa, nhiều thời điểm chợ bị ngập, dột nên hàng hóa hư hỏng, hệ thống thoát nước không đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, việc sửa chữa, nâng cấp chợ càng sớm càng tốt", ông H. nói.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy dù hoạt động kinh doanh tại chợ Bến Thành đã nhộn nhịp hơn các tháng trước đó, nhưng nhiều tiểu thương cho biết lượng khách rất khiêm tốn so với các năm trước.

"Kinh doanh khó khăn, trong khi tôi thuê lại sạp 100.000 đồng/ngày, chưa kể nhiều khoản thuế, phí liên quan. Do đó, nếu sửa chợ, chúng tôi chỉ có thể đóng góp phần nào đó", ông H. nói.

Theo bà N.T.V. - một tiểu thương bán hàng mỹ nghệ tại chợ, sức mua bằng 50% các năm trước nên nhiều sạp vẫn đang đóng cửa.

Do đó, nếu chỉ trông vào tiểu thương để sửa chợ sẽ rất khó. "Nhà nước cần xem xét có cơ chế để có hỗ trợ sửa chữa, vì đây cũng là điểm du lịch, bộ mặt của TP", bà V. nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện ban quản lý chợ Bến Thành cho biết chợ có 1.433 hộ kinh doanh với 1.538 quầy/sạp.

Tuy nhiên do còn vắng khách nên hiện chỉ có khoảng 1.100 hộ kinh doanh. Do vậy theo vị này, nguồn thu chính của chợ là thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng cũng khá khiêm tốn.

"Chợ Bến Thành từng là chợ trung tâm, đầu mối hàng hóa tấp nập, nhưng giờ chủ yếu là chợ du lịch, nguồn thu bà con không nhiều như trước. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của ngân sách, bên cạnh các phương án về đóng góp của tiểu thương, xã hội hóa, hoặc đi vay với lãi suất thấp... để sửa chợ", vị này nói.

Cần đầu tư chỉnh trang đồng bộ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Dương Đức Minh, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, cho rằng giá trị mà chợ Bến Thành mang lại không chỉ là hoạt động kinh doanh của tiểu thương, mà nó có giá trị biểu tượng TP.HCM.

Do đó, việc đầu tư nâng cấp, phát triển chợ Bến Thành là câu chuyện không chỉ của tiểu thương, mà còn là vấn đề của TP.

"TP có những nghị quyết mang tính đặc thù, đặc biệt là nghị quyết 98 có nói về việc đầu tư phát triển du lịch. Dựa vào nghị quyết này và các yếu tố liên quan, chúng ta có thể linh động, xem việc đầu tư sửa chợ Bến Thành cũng là đầu tư cho du lịch, cho phát triển kinh tế TP, cần ngân sách hỗ trợ", TS Minh đề xuất.

Cũng theo ông Minh, việc đầu tư chỉnh trang đồng bộ khu vực trung tâm, trong đó chợ Bến Thành là điểm mang tính kết nối, là cần thiết.

"Việc đầu tư đồng bộ tạo kết nối không gian như từ trục đường Lê Lợi qua chợ Bến Thành, đường Nguyễn Huệ, tuyến metro... tạo cho khách có được cảm xúc liên hoàn, trải nghiệm tích cực.

Đặc biệt, chợ Bến Thành là điểm dẫn dắt khách đến check-in, từ đó lan tỏa đến các điểm khác", ông Minh nói thêm.

Một chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc cũng cho rằng với yếu tố lịch sử và địa lý sẵn có, nếu biết cách xây dựng, chợ Bến Thành và khu trung tâm TP sẽ sớm trở thành điểm check-in hàng đầu Việt Nam. Do vậy phải xem chợ Bến Thành không chỉ là cái chợ truyền thống, mà là điểm du lịch, phát triển kinh tế.

"Khi thu hút được nhiều du khách quốc tế sẽ kéo theo sự phát triển của các ngành nghề khác từ lưu trú, mua sắm, ẩm thực... Ngoài công việc chung, TP nên đưa ra hình mẫu riêng để vận động người dân khu vực này cùng tham gia như sơn sửa lại nhà, áp dụng bảng hiệu quảng cáo đồng bộ, kinh doanh đúng theo quy định...", vị này đề xuất.

Gia tăng kết nối để bán hàng được nhiều lần

Theo TS Dương Đức Minh, chợ gắn với dòng chảy của văn hóa thương mại, nên ngoài nâng cấp, TP có thể nghiên cứu để thiết kế thêm không gian để bán các sản phẩm OCOP tại chợ Bến Thành, đặc sản của các địa phương để kể thêm câu chuyện hay.

Ngoài ra cần tính toán tạo ra ngân hàng dữ liệu về sản phẩm và gia tăng kết nối bán hàng online, để du khách nước ngoài sau khi về nước vẫn đặt mua được các sản phẩm từ chợ Bến Thành, chúng ta phải gia tăng kết nối để bán hàng được nhiều lần.

Không có nhận xét nào