Breaking News

Làm sao phục hồi 'thiên đường đã mất' cho vịnh Nha Trang?

Vịnh Nha Trang theo các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế là một "hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vịnh biển thế giới" - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Vịnh Nha Trang theo các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế là một "hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vịnh biển thế giới" - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Vì vậy, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn vừa có các đề nghị nhằm giải cứu, phục hồi "thiên đường đã mất" cho vịnh Nha Trang.

Tại hội thảo về bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Khánh Hòa, do Hội Nhà báo Khánh Hòa phối hợp với UBND tỉnh này tổ chức mới đây, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn đã thẳng thắn nêu nhiều thực trạng về tàn phá san hô, môi trường biển vịnh Nha Trang và cả trong việc phục hồi hiện nay.

"Thiên đường đã mất"

Theo các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế, vịnh Nha Trang là một "hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vịnh biển thế giới", do chứa đựng hầu hết các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình.

Qua nghiên cứu so sánh, theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, vịnh Nha Trang là một vùng biển đa dạng bậc nhất ở Việt Nam. 

Tại 18 điểm rạn san hô trước đây, số loài sinh vật rạn nhìn thấy bằng mắt thường ở mỗi điểm có đến gần 200 đến hơn 340 loài. 

Chính vì vậy đã tạo nên cảnh quan rất độc đáo, có thể gọi là một "thiên đường dưới nước". Nhưng đó là từ những năm 2000 trở về trước.

Trong cảnh quan "thiên đường" ấy ở vịnh Nha Trang, chính san hô là đa dạng nhất và đóng vai trò chủ đạo. Nhưng theo ông Tuấn, "đến nay thì "thiên đường đã mất", không phải bây giờ mới mất, mà nó mất từ từ đã 20 năm nay rồi".

Về nguyên nhân, đầu tiên là những năm 1990-2000 do dân đánh mìn, dùng xyanua, chất độc để khai thác thủy sản. Sau đó là ô nhiễm chất dinh dưỡng từ môi trường nuôi thủy sản ven bờ và do xây dựng các công trình ven biển. Tiếp sau đó nữa là bùng nổ về sinh thái, bùng nổ các sinh vật ăn san hô như là sao biển gai.

Khi san hô bị mất là "nhà" không còn nên nhiều sinh vật cũng không còn nữa. Bởi không còn "nhà" thì lấy chỗ đâu mà cư trú, chỗ đâu mà kiếm ăn, chỗ đâu mà ẩn nấp… Vì vậy, nguồn lợi thủy sản cũng nghèo đi, dần cạn kiệt, du lịch cũng bị hạn chế vì cảnh quan bị mất.

Hậu quả là kể từ năm 2010 đến nay, khi các công trình xây dựng càng tăng thì san hô từ từ bị hủy hoại. "Cho đến giờ này thì san hô chỉ còn lốm đốm ở vài chỗ còn có thể trông được, còn lại thì xem như đã mất và thiên đường đã mất" - ông Tuấn nói.

Cách nào để phục hồi san hô cho vịnh Nha Trang?

San hô chết phơi xác trắng xóa tại đảo Hòn Mun,  là đảo trung tâm của Khu bảo tồn biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN (chụp tháng 6-2022)

San hô chết phơi xác trắng xóa tại đảo Hòn Mun, là đảo trung tâm của Khu bảo tồn biển Hòn Mun trong vịnh Nha Trang - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN (chụp tháng 6-2022)

Sau khi lộ ra tình trạng san hô bị hủy diệt hàng loạt, ngay cả tại "vùng lõi" của Khu bảo tồn biển Hòn Mun, tháng 11-2022 tỉnh Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang, trong đó có các rạn san hô. Theo ông Tuấn, đó là "một kế hoạch tuyệt vời".

Nhưng "phục hồi san hô là một công việc rất phức tạp, tốn kém và đòi hỏi rất nhiều hiểu biết, không phải ai thích là làm… Bởi nếu làm không đúng kỹ thuật, làm tự phát, không hiểu biết thì kết quả không được như mong đợi".

Còn thực tế, theo ông Tuấn: "Tôi thấy trên báo thì nói khá nhiều về việc đã phục hồi rạn san hô ở vịnh Nha Trang, nhưng trên thực chất thì hầu như là không có, hay nói chính xác là làm rất lẻ tẻ".

Vì vậy, ông đề nghị cần rà soát lại trách nhiệm của các cơ quan đã được phân công thực hiện kế hoạch trên và phải có đầu mối điều phối tổng thể việc thực hiện kế hoạch đó để các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị đang làm cùng thống nhất, đồng hành.

Còn khi phục hồi san hô thì những sinh vật tạo cảnh quan đẹp như cá bướm, hải quỳ, các loài có giá trị kinh tế như cá tai tượng, bào ngư, hải sâm, tôm hùm… hiện nay hầu như không còn nữa cũng sẽ được phục hồi, phát triển. Như vậy, các doanh nghiệp được giao mặt nước sẽ có lợi, có cảnh quan để làm du lịch, có nguồn lợi để bán.

Do đó, theo ông Tuấn, cần phải huy động các doanh nghiệp đó tham gia phục hồi môi trường biển, phục hồi rạn san hô thì việc phục hồi "thiên đường đã mất" ở vịnh Nha Trang mới có kết quả, hiệu quả bền vững.

Nếu 5.000 người không chuyên môn mà đi phục hồi san hô là 'thảm họa'

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn kể: "Tôi đọc báo thấy viết ở Nha Trang đang có một đội tình nguyện phục hồi san hô đến 5.000 người. Tôi tìm hiểu mãi và tìm không ra. Nhưng mà cái may mắn đến giờ là nếu mà 5.000 người này đi phục hồi san hô thì chắc chắn là không còn gì để phục hồi nữa. Vì 5.000 người không được đào tạo, không được học hành, không biết gì về san hô mà đi "phục hồi" thì đấy là một thảm họa, nếu như có thực".

Thực tế, theo PGS.TS Tuấn, "có một số doanh nghiệp tự làm và không được quản lý, làm sai kỹ thuật. Việc đào các khối san hô từ vùng biển sâu đem đến chỗ đảo Trí Nguyên, Hòn Miễu để làm du lịch lặn ở đấy là một việc làm hoàn toàn phản khoa học. Đó không phải phục hồi san hô, mà là tàn phá rạn san hô".

Không có nhận xét nào