'Xứ sở thần tiên' ở cao nguyên Langbiang có sẵn sàng đón du khách?
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) được đánh giá có hệ sinh thái động, thực vật bậc nhất Việt Nam và có tiềm năng rất lớn du lịch sinh thái. Liệu nơi được ví như là "xứ sở thần tiên" của cao nguyên Langbiang đó được các đơn vị du lịch, lữ hành sẵn sàng đưa khách du lịch tới?
Vườn quốc gia có sẵn sàng đón du khách?
Đó là câu hỏi của chị Tô Linh Đa (đại diện công ty du lịch ở TP.HCM) đưa ra tại tọa đàm Phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, do Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tổ chức cuối tháng 9, tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Dẫn chứng cách làm du lịch ở Buôn Ma Thuột, Linh Đa cho biết khi du khách bước vô quầy lễ tân là thấy hình ảnh tiếp tân mặc trang phục dân tộc, mời khách dùng nước mang đậm tính bản địa và tất cả thiết kế, xây dựng đều mang những giá trị văn hóa ở địa phương, còn ở đây chị không thấy điều đó.
"Tôi ghé vô phòng ngủ của vườn quốc gia thì thấy chỉ đảm bảo nhu cầu cơ bản như ngủ, nghỉ, vệ sinh, chứ không toát lên cái hồn cách làm du lịch.
Hay như bữa ăn, không nhất thiết phải ăn 5 món ăn quen thuộc, mà chỉ cần tập trung 3 món chính, nhưng 3 món đó phải ngon thật sự và là món ăn đặc trưng của vùng đất này. Nếu làm du lịch thì phải có sản phẩm đặc trưng,…
Vườn quốc gia đã sẵn sàng đáp ứng được yếu tố này để công ty gửi khách đến?" - chị Linh Đa chia sẻ.
Đại diện công ty du lịch cũng cho rằng công tác truyền thông về "xứ sở thần tiên" này chưa tương xứng với những gì mà thiên nhiên ưu đãi.
Đồng thời mong muốn vườn quốc gia thiết kế một cung đường cụ thể để "show" ra những gì đẹp nhất của vườn nhằm sẵn sàng đón khách du lịch.
Ba lý do để đưa khách đến các vườn quốc gia
Đáp lại câu hỏi này, ông Lê Văn Hương, giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, cho rằng có ba lý do để các công ty du lịch đưa khách đến các vườn quốc gia.
Thứ nhất, đưa du khách đến vườn quốc gia để tìm hiểu các động, thực vật khác thường. Mỗi con vật, mỗi cái cây là một câu chuyện, khi trải nghiệm thì các chuyên gia của vườn có thể kể cho du khách cả ngàn câu chuyện. Mục đích của khách du lịch sinh thái đích thực là để tìm hiểu các giá trị sinh thái, không phải đến để ăn ngon, đến để trở thành người nổi tiếng.
Thứ hai, khách du lịch đến vườn quốc gia là về với Mẹ thiên nhiên, đắm mình, thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên, đây là vẻ đẹp vĩnh cửu.
Một điểm nữa đưa khách đến vườn quốc gia vì tiện ích mà vườn quốc gia cung cấp như các điểm du lịch, nơi nghỉ, nơi ăn uống,...
"Vấn đề ở đây là khách du lịch Việt Nam cũng như các nước phát triển thì hầu như khách du lịch sinh thái rất ít" - ông Hương nói và cho rằng vai trò của truyền thông để làm sao người dân thấy rằng giá trị ở vườn quốc gia khác với các khu du lịch khác.
Trên đường tới Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, hai bên sẽ là những cánh rừng thông xanh mướt, sau đó đến những rừng nguyên sinh tán rộng thường xanh - Ảnh: C.TUỆ - TÙNG ĐINH
Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, theo ông Hương, một trong những thách thức của phát triển du lịch sinh thái đó là các nhà hoạch định chính sách không đánh giá đúng vai trò du lịch ở trong các vườn quốc gia, nên làm lãng phí tài nguyên du lịch rất lớn.
"Để làm du lịch thì phải có cơ sở hạ tầng, tuy nhiên việc xây dựng đường sá trong vườn quốc gia hiện nay rất khó khăn, nếu không có cơ sở hạ tầng thì du khách không đến. Cơ sở vật chất và con người làm du lịch còn rất yếu.
Tất cả ngân sách nhà nước 20 năm qua không có nguồn đầu tư nào cho các vườn quốc gia làm du lịch cả" - ông Hương chia sẻ và mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm phê duyệt đề án du lịch sinh thái và phương án quản lý rừng bền vững để có điều kiện, nguồn lực phát triển du lịch.
Kơ Săn En Luy (áo xanh trên) cho biết du khách trải nghiệm tuyến đa dạng sinh học sẽ thấy được mối liên hệ giữa rừng và đời sống của người dân bản địa - Ảnh: C.TUỆ
Ở độ cao khoảng 1.500m, dưới tác động của mây nên từ gốc cây đến lá cây đều có rêu, đây là loài thủy sinh đặc trưng ở Vườn quốc gia Biduop - Núi Bà - Ảnh: C.TUỆ - TÙNG ĐINH
Vườn đã ghi nhận 2.089 loài thực vật có mạch thuộc 188 họ thực vật (dự án SNRM, 2017) - Ảnh: C.TUỆ - TÙNG ĐINH
Hoạt động bẫy ảnh tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà. Tại vườn đã ghi nhận 131 loài thú thuộc 29 họ, 10 bộ - Ảnh: C.TUỆ
Không có nhận xét nào