Breaking News

Nông nghiệp chữa lành cho Đà Lạt

Cung đường nghệ thuật ở đường Lý Tự Trọng, Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH

Cung đường nghệ thuật ở đường Lý Tự Trọng, Đà Lạt - Ảnh: MAI VINH

Hứa hẹn là xu hướng sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, nông nghiệp chữa lành đã và đang được các quốc gia trên thế giới triển khai theo những cách thức khác nhau, song hầu như còn mới mẻ và chưa được chú ý ở Việt Nam.

Nông nghiệp chữa lành: Xu hướng thế giới

Từ khóa "chữa lành" (healing) ngày càng trở nên thịnh hành toàn cầu, đặc biệt khi COVID-19 đi qua, để lại vô vàn tổn thương.

Nông nghiệp chữa lành thực sự đã hình thành sớm hơn trào lưu đó.

Tại các nước châu Âu có nền nông nghiệp phát triển (Hà Lan, Bỉ, Ý...), đó là các hình thức như nông nghiệp chăm sóc sức khỏe (care farming), nông nghiệp xã hội (social farming), nông nghiệp chăm sóc sức khỏe xanh (green care farming)...

Tại châu Á, Hàn Quốc là trường hợp đáng chú ý, khi đã định danh và phát triển nông nghiệp chữa lành (agro-healing/healing agriculture) một cách bài bản, có chiến lược trong khoảng một thập niên trở lại đây, có riêng Đạo luật Xúc tiến và nghiên cứu, phát triển nông nghiệp chữa lành.

Nông nghiệp chữa lành đang được Hàn Quốc tích cực phát triển nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, trong công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp lần thứ 6 theo công thức: 1st x 2nd x 3rd industry = 6th industry type, nghĩa là liên kết, tích hợp mạng lưới công nghiệp cấp 1 (công nghiệp sơ cấp - sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp), công nghiệp cấp 2 (công nghiệp thứ cấp - chế biến) với công nghiệp cấp 3 (dịch vụ, phân phối).

Theo Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA), khái niệm nông nghiệp chữa lành được hiểu là một ngành và các hoạt động nhằm nâng cao sức khỏe tâm lý, xã hội, nhận thức và thể chất của con người bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên nông nghiệp và nông thôn (thực vật, động vật, môi trường nông thôn, văn hóa nông thôn) hoặc các hoạt động và sản phẩm khác có liên quan.

Trong khi các nước hướng nông nghiệp chữa lành vào những trọng tâm khác nhau - như y tế (cung cấp dịch vụ điều trị, chữa bệnh), xã hội (tạo việc làm, liên kết với thị trường lao động, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn), giáo dục (đáp ứng các nhu cầu giáo dục thông thường lẫn giáo dục đặc biệt)... thì tại Hàn Quốc, khoảng 5 năm trở lại đây - tức là trước cả khi có đại dịch, nông nghiệp chữa lành được chú ý xúc tiến mở rộng sang lĩnh vực du lịch, mang tính thương mại hóa, và điều này vẫn còn khá mới mẻ.

Phía Hàn Quốc xác định thị trường khách du lịch tham gia nền nông nghiệp chữa lành đang trong giai đoạn hình thành, sẽ tiếp tục tăng trưởng trên toàn cầu. Đây cũng là những khách hàng sẵn sàng chi trả cao để theo đuổi những trải nghiệm chữa lành. 

Các học giả nước này còn chú ý phát triển du lịch nông nghiệp chữa lành trong hệ hình du lịch hội tụ (convergence) - hội tụ định hướng thị trường, hợp tác, đổi mới sáng tạo và giá trị, cũng là một điểm son khác của xứ kim chi.

Nông nghiệp chữa lành như vậy kết nối với bệnh viện, trường học, cộng đồng địa phương..., góp phần giải quyết các vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh, vốn là "gánh nặng" trong đời sống đương đại. 

Nông nghiệp chữa lành tiến hành trên quan điểm đa chức năng của nông nghiệp, nghĩa là bên cạnh sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, còn có cả chức năng "chữa lành". Rõ ràng, nó không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn là những giá trị xã hội, giá trị nhân văn sâu sắc. Vì lẽ đó, xu hướng này có thể truyền cảm hứng lớn lao.

Nông nghiệp chữa lành: Sáng kiến cho Đà Lạt

Du khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất hồng treo gió dọc tuyến đường nối trung tâm Đà Lạt với vùng Cầu Đất (xã Xuân Trường) - Ảnh: MINH AN

Du khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất hồng treo gió dọc tuyến đường nối trung tâm Đà Lạt với vùng Cầu Đất (xã Xuân Trường) - Ảnh: MINH AN

Đà Lạt hoàn toàn có thể và cần phát triển du lịch bền vững với từ khóa "nông nghiệp chữa lành" trên tinh thần tiên phong, cởi mở, năng động, sáng tạo, tầm nhìn dài hạn. Điều này một mặt đòi hỏi tư duy vượt thoát cách làm du lịch nông nghiệp, nông thôn như hiện nay. 

Ý tưởng cốt lõi của nó thực ra khá giản dị: gắn kết giữa sức khỏe con người với những trải nghiệm về nông nghiệp, nông thôn. 

Sáng kiến này của chúng tôi dành cho Đà Lạt, vừa theo xu hướng thế giới, vừa dựa trên những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, quay trở lại với những gì là Đà Lạt thuở đầu. Khi bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin khám phá ra cao nguyên LangBiang vào năm 1893, ông sau đó đã đề xuất biến nơi đây thành trạm nghỉ dưỡng của người Pháp ở Đông Dương và được Toàn quyền Paul Doumer tán thành. 

Nửa đầu thế kỷ XX, Đà Lạt được kiến tạo theo tầm vóc như thế và điều đó có ý nghĩa hệ trọng suốt phần lịch sử về sau của thành phố cao nguyên. 

Như vậy, định vị Đà Lạt như một điểm đến "chữa lành" trong bối cảnh thế kỷ XXI thực chất sẽ là bước phát triển mới so với tính chất "nghỉ dưỡng" của thế kỷ trước mà không hoàn toàn xa rời nó.

Thứ hai, nông nghiệp chữa lành ở Đà Lạt sẽ được triển khai không phải bắt đầu từ con số 0, mà tiếp tục được vun bồi trên nền tảng sẵn có với thế mạnh riêng của Đà Lạt về nông nghiệp, nhưng trong một cách tiếp cận mới, một triết lý mới mang tính tổng thể, toàn diện và khác biệt hơn.

Thành tựu mà ngành du lịch Đà Lạt đạt được trong thời gian qua, kết hợp cùng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... đang thực hiện chắc chắn sẽ tạo nên cộng hưởng lớn, đem lại những thành công đa bội.

Thêm nữa, từ trước đến nay Đà Lạt ít nhiều đã là "nơi về nương náu" của không biết bao người. Tự cái tên Đà Lạt đã đủ sức khơi gợi mọi cung bậc cảm xúc trong tâm trí bao thế hệ, tính chất "chữa lành" của vùng đất này cần được (tái) khẳng định và lan tỏa.

Thứ ba, nông nghiệp chữa lành sẽ khu biệt được Đà Lạt trên bản đồ du lịch nông nghiệp, nông thôn quốc gia, rộng hơn là khu vực và thế giới.

Hiện nay, nhiều địa phương cũng đã triển khai du lịch nông nghiệp, nông thôn; khi đó, nguy cơ trùng lặp, đơn điệu giữa các điểm đến là hoàn toàn hiện hữu.

Tâm đắc với xu hướng nông nghiệp chữa lành trên thế giới, chúng tôi - những người yêu Đà Lạt, làm việc trong lĩnh vực truyền thông về du lịch - ẩm thực và nghiên cứu văn hóa - đã nghiên cứu và mạo muội đề xuất những gợi mở mang tính định hướng, tính khả thi sau đây để Đà Lạt phát triển bền vững du lịch với từ khóa "nông nghiệp chữa lành", trên hai trụ cột - hai mục tiêu kép là CHỮA LÀNH CHO DU KHÁCH - CHỮA LÀNH CHO ĐÀ LẠT.

Trụ cột 1 - Chữa lành cho du khách

Đà Lạt nên ưu tiên chọn nông nghiệp chữa lành để phát triển du lịch thay vì các mục tiêu trọng tâm khác về y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội.... Có thể tạm gọi là du lịch nông nghiệp chữa lành. Hướng đi này đảm bảo tính riêng có, đặc thù, tránh rập khuôn mô hình đi trước, phù hợp thực tiễn, đồng thời cho phép phát triển không giới hạn những tiềm năng của nó.

Mở rộng đối tượng du khách mục tiêu cho du lịch nông nghiệp chữa lành, không chỉ tập trung vào đối tượng hẹp, quá chuyên biệt như các nước (những người bệnh cần được chăm sóc sức khỏe thông thường lẫn những nhóm yếu thế phải điều trị đặc biệt về y tế, xã hội). Đà Lạt sẽ hiểu "chữa lành" trong nghĩa rộng nhất của nó, vừa là điều trị, chữa bệnh nói riêng, song cũng có thể là sự xoa dịu, hàn gắn, vỗ về, an ủi... tâm hồn con người nói chung.

Như vậy, Đà Lạt sẵn sàng chào đón bất cứ ai có nhu cầu chữa lành cả về thể chất lẫn tinh thần, muốn tạm lánh cuộc sống thị thành đầy bận rộn, vất vả, lo toan để tận hưởng bầu không khí thư thái, yên bình, tĩnh lặng, hạnh phúc, thanh lọc cảm xúc, ổn định tâm lý, hình thành lối sống lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đó là một quang phổ rộng lớn bao trùm các phân khúc đa dạng, tiềm năng, cả du khách có động cơ chính là du lịch để chữa lành lẫn du khách xem chữa lành là một phần trải nghiệm trong kế hoạch du lịch.

Sử dụng, kết nối tất cả tài nguyên nông nghiệp, nông thôn. Những nguồn lực này để phát triển du lịch nông nghiệp chữa lành rất phong phú và hoàn toàn là lợi thế cạnh tranh của Đà Lạt mà không phải nơi nào cũng có (cảnh quan, khí hậu, hệ thống làng nghề, nhà lưới, nhà xưởng, nông trại, trang trại, các loại hoa, rau củ quả ôn đới, nông sản theo mùa, nông sản chế biến sâu, các loại thảo dược, dược liệu...).

Bên cạnh nông nghiệp công nghệ cao, cần khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa nông nghiệp, nông thôn mang tính truyền thống, bền vững.

Cũng cần lưu ý thêm, đối với Đà Lạt, rừng phải được quan tâm một cách đặc biệt trong tính "chữa lành" của nó, nhất là trong dự kiến mở rộng thành phố sắp tới, bao gồm cả huyện Lạc Dương mà phần lớn diện tích là rừng.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch (theo nghĩa rộng, bao gồm sản phẩm, trải nghiệm, chương trình, hoạt động, tour, tuyến du lịch...) nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng của các đối tượng du khách.

Phạm vi chữa lành bằng nông nghiệp là rất đa dạng, cần dựa vào đó để nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch từ ý tưởng đến đóng gói hoàn chỉnh.

Cũng cần chú ý tiếp cận chuỗi giá trị, tiếp cận các bên liên quan, tiếp cận liên vùng - liên ngành, tiếp cận hợp tác công - tư... Cần dựa trên các đặc điểm, thủ pháp văn hóa đại chúng (thí dụ: cảm thức hoài niệm nostalgia...), các yếu tố cốt lõi của công nghiệp văn hóa (tính sáng tạo, khoa học công nghệ, bản quyền trí tuệ) để phát triển sản phẩm du lịch.

Có thể theo hướng plean (play + learn) "vừa chơi vừa học", edutainment (education + entertainment) "vừa giáo dục vừa giải trí", tăng cường trải nghiệm đa giác quan (multisensory experience) (thị giác, thính giác, vị giác, xúc giác, khứu giác) trong các hoạt động.

Có thể "hội tụ" với các loại hình du lịch khác. Cũng cần có những bằng chứng khoa học tin cậy để củng cố niềm tin về sản phẩm du lịch nông nghiệp chữa lành.

Nỗ lực triển khai mạng lưới hợp tác giữa các chủ thể, giữa các cấp các ngành. Để phát triển du lịch nông nghiệp chữa lành, hỗ trợ chính sách từ cấp độ quốc gia đến cấp độ địa phương là rất quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc của các "đầu tàu" như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế..., thậm chí có thể thành lập cơ quan chuyên trách.

Các nhà khoa học, chuyên gia về nông nghiệp, du lịch, y tế, tâm lý, văn hóa... tham gia nghiên cứu, tư vấn. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đỡ đầu các dự án khởi nghiệp mạo hiểm, đổi mới sáng tạo.

Đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn. Nông dân và người dân địa phương nói chung phải đạt được lợi ích thực sự. Cũng cần tham khảo kinh nghiệm và hợp tác quốc tế.

Phát triển du lịch nông nghiệp chữa lành không tách rời văn hóa đô thị, văn hóa tộc người bản địa. Theo chúng tôi, đây sẽ là điểm nhấn độc đáo của nền nông nghiệp chữa lành Đà Lạt.

Thực tế hiện nay, vùng lõi trung tâm đô thị Đà Lạt vẫn là động lực phát triển quan trọng, nếu không muốn nói là chính yếu, mà ở đó phong phú vô cùng hệ thống di sản đô thị, ký ức thị dân.

Bên cạnh đó, cũng đừng quên tính đa dạng văn hóa của các tộc người bản địa lâu đời như Cơ Ho, Mạ, Churu... vốn sâu rễ bền gốc ở vùng đất này, rộng hơn là khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên. Như vậy, rất cần thiết phải hiểu biết văn hóa và trân trọng văn hóa trong mọi chiến lược phát triển.

Trụ cột 2 - Chữa lành cho Đà Lạt

Sẽ không thể phát triển du lịch bền vững trên nền tảng nông nghiệp chữa lành nếu không tiến hành song song, đồng thời "chữa lành" cho chính Đà Lạt. Dù có thể đáng buồn, song phải thẳng thắn thừa nhận rằng Đà Lạt đang bị tổn thương, vì nhiều lý do.

Chúng ta nói nhiều đến phát triển du lịch bền vững, song ở góc độ nào đó, chính các thực hành du lịch lại là những gì thiếu bền vững nhất. Đà Lạt rơi đúng vào thực trạng ấy.

Đây là chủ đề đã được bàn thảo sâu rộng với không ít ý kiến đóng góp của các chuyên gia tâm huyết. Báo Tuổi Trẻ cũng là một trong những diễn đàn sôi nổi. Với hiểu biết hạn hẹp, chúng tôi không dám lạm bàn thêm, chỉ xin tán thành quan điểm rằng: Rất cấp thiết, chính Đà Lạt cũng đang cần "chữa lành".

Diễn đàn Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững

Nhằm tìm kiếm những ý tưởng, đề xuất thực tiễn có tác động đến cảnh quan, trật tự, cải thiện chất lượng du lịch và xây dựng lại tình cảm trong lòng du khách, UBND thành phố Đà Lạt sẵn lòng lắng nghe những chia sẻ của người dân, các cơ quan chức năng và các chuyên gia từ chuỗi hoạt động trong diễn đàn "Hiến kế phát triển du lịch Đà Lạt bền vững".

Báo Tuổi Trẻ rất mong nhận được các bài viết và ý kiến đóng góp từ quý độc giả.

  • Thời gian: Từ tháng 10-2023 đến ngày 20-11-2023
  • Thông tin đăng tải trên nhật báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Online
  • Lễ trao giải kết hợp hội thảo để lãnh đạo thành phố lắng nghe, tiếp nhận…

HÌNH THỨC:

  • Bài viết tối đa 1.200 chữ, kèm hình ảnh, video là điểm cộng;
  • Bài thiết kế hình ảnh: từ 3 - 8 tấm, kèm chú thích;
  • Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh (nếu là người nước ngoài);
  • Các bài, clip hiến kế sẽ được lựa chọn để đăng trên báo Tuổi Trẻ, diễn đàn… Các tác phẩm được chấm nhuận bút. Qua đó, ban tổ chức sẽ xét duyệt chấm giải và trao thưởng;
  • Bài dự thi, hiến kế chưa từng tham gia cuộc thi nào được tổ chức trước đây, không tham gia bất kỳ cuộc thi nào đang diễn ra, chưa từng đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội;
  • Người tham gia chịu trách nhiệm về bản quyền cũng như yêu cầu của ban tổ chức.
  • Bài dự thi gửi về địa chỉ email: hienkedulichdalat@tuoitre.com.vn. Vui lòng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng.

CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG:

Ban tổ chức sẽ lập hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu để xét chấm các ý kiến góp ý, hiến kế chất lượng, có tính góp ý xây dựng cho du lịch Đà Lạt trong tương lai. Qua đó sẽ xét giải cho các bài chất lượng:

  • 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
  • 1 giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
  • 1 giải ba trị giá 5 triệu đồng kèm voucher du lịch tại Đà Lạt.
  • 10 giải khuyến khích trị giá 2 triệu đồng/giải.
Phát triển du lịch Đà Lạt bền vững với nông nghiệp chữa lành - Ảnh 7.

Không có nhận xét nào