Quán cơm vỉa hè TPHCM có gì đặc biệt khiến khách Nhật ăn vét đĩa thòm thèm?
Kazuki Matsumoto (tên thường gọi là Kiki), chàng trai đến từ Nhật Bản, là một trong những vị khách nước ngoài dành nhiều tình cảm với Việt Nam.
Anh từng có thời gian làm việc tại nhà hàng, sinh sống ở Hàn Quốc 2 năm, rồi mới chuyển tới Việt Nam. “Nghề tay trái” của anh hiện là một blogger, chia sẻ nhiều trải nghiệm của mình ở vùng đất mới.
Ban đầu anh dự kiến sẽ chỉ du lịch trong vòng 6 tháng rồi quay lại quê nhà. Nhưng chớp mắt hơn 6 năm trôi qua, anh thêm yêu và muốn gắn bó với mảnh đất này. Kiki từng nhiều lần tâm sự quyết định sẽ sinh sống ở Việt Nam cho tới khi “nghỉ hưu”.
Do thành thạo đường phố ở TPHCM, lại biết nhiều quán ăn ngon, địa điểm đẹp chẳng kém gì người bản địa nên mỗi khi có bạn bè từ Nhật Bản sang chơi, anh lại đóng vai trò làm hướng dẫn viên du lịch đưa mọi người đi trải nghiệm.
Lần này, Kiki có 2 người bạn từ quê nhà tới Việt Nam du lịch. Như thường lệ, anh làm nhiệm vụ dẫn đoàn đi thưởng thức “quán cơm ruột” của mình nằm ở quận 1.
“Người Sài Gòn ăn cơm tấm nhiều như người Hà Nội ăn phở vậy”, chàng trai người Nhật tỏ ra am hiểu về văn hóa, ẩm thực, chia sẻ với hai người bạn.
Nếu như ẩm thực Hà Nội nức tiếng với món phở trứ danh, thì người dân TP.HCM lại tự hào với cơm tấm – món ăn tổng hòa của nhiều hương vị đặc sắc, là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.
Xưa kia, cơm tấm là món quen thuộc của người dân lao động hoặc sinh viên nghèo vì người ta tận dụng những hạt tấm thừa, gạo vỡ để nấu cơm, tiết kiệm chi phí, thì nay có mặt khắp nơi ở thành phố này, phục vụ đủ mọi tầng lớp. Bởi vậy, các vị khách Nhật Bản tỏ ra háo hức khi lần đầu được nếm thử món ngon Sài Thành.
Quán cơm tấm nơi Kiki đưa bạn tới là một quán bình dân ở vỉa hè, vốn là địa chỉ quen thuộc với những tín đồ sành ăn. Nằm ở phường Cầu Ông Lãnh, quán mở bán từ 17h tới 23h với giá từ 35.000 đồng/suất.
Thời điểm nhóm khách tới, quán đã đông khách nên được nhân viên xếp bàn ngồi ở trong con hẻm nhỏ gần đó. Ngay trên vỉa hè, những phần thịt sườn được nhân viên nướng luôn trên vỉ, tỏa mùi thơm khiến nhiều người đi qua “không thể cầm lòng”.
Các món ăn kèm khá phong phú và Kiki quyết định gọi 3 suất đầy đủ gồm thịt sườn, chả, bì, ốp la, lạp xưởng với giá 80.000 đồng/suất. Kiki cho biết, một suất thông thường chỉ gồm thịt và cơm tấm, nên suất đầy đủ sẽ có mức giá cao hơn. Nếu muốn, khách có thể gọi thêm canh khổ qua hoặc trà đá.
Món cơm tấm truyền thống của người Sài Thành không thể thiếu bộ ba “sườn – bì – chả” là thịt sườn nướng, bì trộn và chả trứng chưng. Ngoài ra còn nhiều đồ ăn kèm, tùy theo khẩu vị để khách lựa chọn.
Lần đầu tiên ngồi trên ghế nhựa, ăn ở trong hẻm nên hai vị khách người Nhật tỏ ra khá bối rối. Kiki giải thích đây là một trong những đặc trưng của các quán ăn bình dân ở Việt Nam.
Khi nhân viên phục vụ bê đồ ăn tới, cả hai chưa biết cách ăn thế nào mới chuẩn và được Kiki hướng dẫn tỉ mỉ. Đầu tiên, mỗi người sẽ rưới thêm chút nước sốt mỡ hành béo ngậy. Để “giải ngấy” và cân bằng vị giác, thực khách sẽ dùng kèm đồ chua cùng chén nước mắm chua ngọt vừa vị.
“Thịt được tẩm ướp vừa miệng và thơm quá”, cô gái người Nhật nhận xét khi nếm thử miếng đầu tiên.
Cô thấy món chả trứng có hương vị khác so với cách chế biến món trứng của người Nhật, còn các thứ khác đều đậm đà.
“Nếu tính ra tiền Nhật khoảng gần 500 Yên. Món ngon và nhiều thứ thế này lại có mức giá rất hợp lý, ăn hết cả đĩa vẫn có cảm giác thòm thèm”, bạn của Kiki nhận xét.
Trong cuộc trò chuyện với bạn, Kiki còn tiết lộ đây là một trong những món Việt Nam yêu thích của mình.
“Khi ăn, tôi có cảm giác như đã trở về quê hương thứ 2 của mình”, anh nói.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào