Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở huyện miền núi An Lão
Phát huy sản phẩm đặc trưng
Trung tâm huyện An Lão cách quốc lộ 1A khoảng 30km, cách TP Quy Nhơn khoảng 115km. Huyện An Lão có 3 dân tộc chính là Kinh, Hre và Ba Na, mỗi dân tộc là một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng về nghi thức lễ cưới, cúng làng, cúng con nước, hát Ta lêu, Ka choi, hát ru, nhạc cụ cồng chiêng, sáo; các lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng
Nói đến cảnh đẹp thiên nhiên An Lão còn phải nhắc đến hệ thống sông, suối, hồ đẹp hữu tình, non xanh nước biếc như hồ thủy điện Sông Vố (thị trấn An Lão), thác Đá Ghe, thác Long Vo (xã An Hưng), hồ Hưng Long (xã An Hòa), thác 4 Tầng (xã An Quang), thác R’rê, thác Rông (xã An Vinh), thác Rung, thác Sông Mia, thác Đá Dĩa (xã An Toàn).
Gần đây, khi nói đến An Lão, có thêm một địa danh mới để mọi người cùng tham quan, đó là hồ Đồng Mít. Đây là dự án thủy lợi trọng điểm của tỉnh Bình Định, được đầu tư xây dựng và hoàn thành cuối năm 2021. Diện tích lòng hồ rộng hơn 500ha với cung đường bê tông chạy quanh hồ khá đẹp.
Hồ Đồng Mít được tích đầy nước tạo phong cảnh đẹp, góp thêm điểm đến du lịch hấp dẫn cho huyện An Lão.
Đặc biệt, An Lão có một nơi được ví von là “cổng trời” trên vùng cao An Toàn, với độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Trong đó, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn với hệ sinh thái đa dạng, có nhiều loài động thực vật quý hiếm là nơi trải nghiệm thú vị dành cho những du khách yêu thích khám phá thiên nhiên với khí hậu mát mẻ.
Đến “cổng trời” An Toàn, du khách còn được trải nghiệm trên cung đường quanh co giữa đại ngàn. Cung đường dài khoảng 30km, từ ngã ba xã An Hòa đến Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh, đồi sim cổ thụ ngập trong sắc tím vào mùa. Những thửa ruộng bậc thang xen kẽ với những bản làng, những ngôi nhà sàn của người Ba Na, Hrê đậm nét đặc trưng văn hóa dân tộc.
Về ẩm thực, với lợi thế nhiều sông, suối, hồ, cùng điều kiện khí hậu được thiên nhiên ưu đãi, An Lão là nơi có những sản vật địa phương đặc trưng, khác biệt như: cá niên, rau dớn, sim An Lão, mật ong rừng.
“Đặc sản” rừng nguyên sinh
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão, chia sẻ: “Trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Bình Định, chủ yếu phát triển các dự án ở các đô thị lớn gắn liền với biển. Riêng An Lão có “đặc sản” là một rừng nguyên sinh ở khu vực An Toàn, An Vĩnh, có những cảnh quan thiên nhiên sông suối, hồ rất đẹp… nhưng du lịch ở địa phương chỉ mới phôi thai”.
Theo ông Lâm, UBND huyện rất quan tâm đến việc phát triển du lịch và coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Do đó, huyện phấn đấu hết năm nay, hoàn thành quy hoạch vùng, phân khu, quy hoạch chung của các xã, thị trấn.
Trên cơ sở đó, kêu gọi thu hút đầu tư, bởi phải có đất quy hoạch du lịch, dịch vụ thì nhà đầu tư mới vào. Còn phát triển du lịch tự phát sẽ không bền vững và không đúng quy định.
“Chúng tôi đang tập trung đầu tư hạ tầng, đồng thời đề nghị tỉnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến với An Lão và đặc biệt phải tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách đến với vùng”, ông Lâm nói.
Ông Lâm cũng cho biết huyện đang tập trung phát triển các tổ, đội văn nghệ ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, vừa bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, vừa là sản phẩm đặc biệt phục vụ du khách.
Bên cạnh đó, trên cơ sở các sản phẩm OCOP hiện có với 19 sản phẩm 3 sao, 82 sản phẩm 2 sao, huyện tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu thưởng thức, mua sắm của du khách.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong phát triển du lịch của địa phương.
“Việc triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch chưa chặt chẽ, đồng bộ; nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật; chưa có nhà đầu tư chiến lược; chưa có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; các khu vui chơi giải trí phục vụ du khách còn hạn chế”, ông Lâm cho hay.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào