Đà Lạt kỷ niệm 130 năm, được công nhận là thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO
Thành phố của âm nhạc
Tối 30-12, tại Quảng trường Lâm Viên (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã diễn ra Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành, phát triển (1893 – 2023) và đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO. Sự kiện đã đánh dấu cột mốc quan trọng của thành phố sau 130 năm hình thành.
Lễ kỷ niệm là sự kiện nhằm khơi dậy niềm tự hào về thành phố anh hùng, thành phố Festival hoa Việt Nam, ôn lại lịch sử quá trình hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt. Đồng thời đánh giá những thành tựu kinh tế – xã hội, hệ thống chính trị, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, từ đó khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường, xây dựng, phát triển thành phố Đà Lạt ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Tại buổi lễ, đại diện của UNESCO tại Việt Nam đã trao thư xác nhận thành phố Đà Lạt chính thức gia nhập “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc” cho lãnh đạo thành phố Đà Lạt.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: “Rất đặc biệt khi TP Đà Lạt được lựa chọn là một trong tám thành phố của Việt Nam tham gia phối hợp thực hiện việc xây dựng đề án Thành phố sáng tạo UNESCO lĩnh vực âm nhạc, lĩnh vực mà thành phố có lịch sử phát triển, có nhiều thành tựu và tiềm năng. Qua đó góp phần định vị thương hiệu, khẳng định sự ghi nhận của bạn bè trong nước và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy quảng bá hình ảnh thành phố Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng là điểm đến hấp dẫn, an toàn, văn minh và thân thiện”.
Đà Lạt, nơi giao thoa văn hóa
Ông Đặng Quang Tú, chủ tịch UBND TP Đà Lạt, phát biểu tại buổi lễ, nhấn mạnh về sự tiếp nối các giá trị văn hóa cốt lõi của Đà Lạt trong hành trình phát triển thành phố thông minh, hiện đại.
Ông nói: “Kiến trúc, văn hóa, khí hậu và cảnh quan, con người Đà Lạt chính là những kết tinh quý báu để vùng đất này trở thành một địa danh độc đáo trên bản đồ du lịch – văn hóa của Việt Nam. Đà Lạt đã và đang từng ngày giữ gìn những giá trị cốt lõi để hướng đến trở thành một đô thị di sản thế giới”.
Đà Lạt là nơi hội tụ của nhiều dân cư. Từ xa xưa, đây là vùng đất sinh sống lâu đời của người K’Ho, Lạch bản địa. Trong những năm cuối thế kỷ 19, người Pháp đã tới vùng đất này để tìm kiếm và xây dựng một thành phố nghỉ dưỡng. Cũng từ đó, người Việt đã di cư tới Đà Lạt, cùng quá trình xây dựng đô thị của người Pháp.
Với nhiều thành phần dân cư, định cư qua nhiều thế hệ, chính sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, đã tạo nên nét độc đáo, riêng biệt trong phong cách sống của người Đà Lạt ngày nay”.
Sau phần nghi lễ, chương trình biểu diễn nghệ thuật như đưa khán giả vào một câu chuyện sử thi được kể bằng âm nhạc, múa hát, biểu diễn cồng chiêng tái hiện quá trình 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.
Từ miền đất hoang sơ với cư dân người K’Ho, Lạch sinh sống, sau khi được nhà thám hiểm, bác sĩ Alexandre Yersin tìm ra và đề xuất Toàn quyền Đông Dương xây dựng cao nguyên Langbiang trở thành trung tâm nghỉ dưỡng Đông Dương, đó là khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển của Đà Lạt ngày nay.
Điểm đến lãng mạn châu Á
Trong những năm 80 của thế kỷ 19, đã có những đoàn thám hiểm đầu tiên khám phá vùng thượng nguồn sông Đồng Nai đi tới cao nguyên Langbiang và có một số ghi chép đầu tiên, cũng như phác họa được bản đồ của khu vực này. Tuy nhiên, phải đến chiều ngày 21-6-1893, khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Langbiang, đã phát hiện ra vùng đất huyền diệu này, và đây được xem là thời khắc đánh dấu sự khai sinh của thành phố Đà Lạt ngày nay.
Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hằng năm thành phố đón trên 6 triệu lượt khách. Đà Lạt 2 lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn nhất châu Á. Không chỉ là địa điểm du lịch hấp dẫn, Đà Lạt cũng là đầu tàu về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào