Người Mông tự hào khi nghệ thuật khèn và vẽ sáp ong thành di sản
Đó là chia sẻ của anh Giàng A Cánh (xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) với Tuổi Trẻ Online trước khi mang đến cho du khách những màn múa khèn của người Mông, trong đêm công bố quyết định và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật khèn và vẽ sáp ong.
Niềm tự hào của người Mông
Nghệ thuật khèn và nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã chính thức được công bố là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào đêm 23-12 tại huyện Mù Cang Chải.
Đối với người Mông, đây là hai nét văn hóa truyền thống lâu được được đồng bào cùng nhau gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ. Khèn là phương tiện kết nối cộng đồng, phản ánh sắc thái tình cảm, tôn lên vẻ khỏe mạnh, dẻo dai của các chàng trai Mông. Còn nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ Mông.
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn nhấn mạnh lễ công bố quyết định và đón nhận chứng nhận hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là dịp để tôn vinh giá trị văn hóa của di sản, cũng như tri ân những người đã nỗ lực bảo tồn di sản.
"Đồng thời, điều này cũng thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong cộng đồng, để di sản tiếp tục được lan tỏa hôm nay và mai sau; "biến di sản thành tài sản" phục vụ quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh", ông Tuấn chia sẻ.
Khèn Mông - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Mông ở Yên Bái
Sinh ra và lớn lên tại xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tiếng khèn đã gắn liền với cuộc đời của anh Giàng A Cánh qua từng lễ hội, từng mùa xuân, từng lễ tiễn người thân qua thế giới bên kia. Tiếng khèn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với anh và dân bản.
"Bây giờ mình cũng đã lớn tuổi, nhưng mình sẽ truyền lại cho các thế hệ sau để có thể giữ mãi tiếng khèn. Được tham gia biểu diễn trong lễ đón nhận chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mình rất tự hào.
Đây cũng là một động lực để khi về bản mình tiếp tục truyền dạy cho các thế hệ mai, sau để cây khèn của người Mông được gìn giữ và đưa đến với du khách", anh Cánh bộc bạch.
Các nghệ nhân tái hiện nghệ thuật vẽ sáp ong cùng các sản phẩm đặc trưng trên sân khấu
Còn đối với chị Lý Thị Ninh - tổ trưởng tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải), việc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật vẽ sáp ong đã bắt đầu từ năm 2009. Đến nay các sản phẩm thổ cẩm, vẽ sáp ong của bà con trong tổ hợp tác đã được tiếp cận người tiêu dùng qua mạng xã hội và xuất khẩu sang Thái Lan, Lào.
"Mình rất vui, tự hào, phấn khởi khi vẽ sáp ong được công nhận là di sản. Mình sẽ tiếp tục truyền lại những gì mà mình biết để các thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống", chị Ninh cười tươi rói.
Màn đồng diễn nghệ thuật đầy sắc màu quy tụ bởi gần 1.000 học sinh
1.000 nghệ nhân, học sinh đồng diễn múa khèn
Hòa trong niềm vui với bà con dân tộc Mông, 1.000 nghệ nhân, diễn viên đã đồng diễn múa khèn tại lễ công bố quyết định và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật khèn và nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông.
Nổi bật trong màn đồng diễn là sân khấu nổi ở chính giữa, đó cũng là nơi nghệ nhân người Mông trực tiếp chế tạo một cây khèn truyền thống.
Cây khèn của người Mông có sáu ống với độ dài ngắn khác nhau. Ống dài nhất có âm trầm nhất, ống ngắn nhất lại có âm cao nhất, chỉ cần thiếu một ống thôi sẽ không thể nào trọn vẹn được âm thanh của một cây khèn.
Người dân và du khách chiêm ngưỡng những màn diễu diễn đầy màu sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện Mù Cang Chải
Ngay lúc nghệ nhân hoàn tất các công đoạn của việc chế tác, gần 1.000 em học sinh xếp thành bốn khu cùng trình diễn những màn múa mang đậm màu sắc của dân tộc mình. Nhìn từ trên cao, màn đồng diễn hệt như một bông hoa giữa núi rừng Tây Bắc.
Việc nghệ thuật khèn và nghệ thuật vẽ sáp ong của người Mông tại các huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn (Yên Bái) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã tiếp thêm động lực cho các nghệ nhân gìn giữ, truyền dạy nghệ thuật truyền thống đến các thế hệ nối tiếp.
Không có nhận xét nào