Phú Quốc cần làm gì để sánh ngang với thiên đường du lịch Phuket, Bali?
PGS.TS. Trần Đình Thiên-nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, trước khi “mơ” đạt đẳng cấp thế giới, đón đầu lượng khách du lịch “nhà giàu” sánh ngang với các thiên đường du lịch như Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia), Phú Quốc cần giải quyết được những tồn tại về vấn đề ô nhiễm, rác thải, kinh doanh chộp giật, giá vé máy bay cao…
Phú Quốc từng được kỳ vọng trở thành thiên đường du lịch biển của châu Á, sánh ngang cùng Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia). Thế nhưng theo ông, vì sao cho đến nay Phú Quốc vẫn chưa thể bứt phá thành điểm đến mới của thế giới? Phú Quốc dường như đang “đi” khá chậm so với tiềm năng, lợi thế của mình?
Phú Quốc có đủ các điều kiện, nền tảng để trở thành điểm đến sang trọng, ở đẳng cấp thế giới, thậm chí thuộc hạng nhất. Nơi đây có tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp, còn chưa được khai thác hết tầm.
Sau lưng Phú Quốc là một hậu phương “hùng mạnh”, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ… Nếu nối Phú Quốc với Côn Đảo, Nha Trang và đưa vào khai thác du lịch, chúng ta sẽ thấy một vành đai biển tuyệt vời, đích thực là siêu hạng.
Thứ hai, tôi chưa thấy chỗ nào ở Việt Nam giành được nhiều giải thưởng du lịch và bất động sản du lịch danh giá như ở Phú Quốc.
Trong việc phát triển Phú Quốc, có thể nói nơi đây đã đạt đẳng cấp khá cao ở khía cạnh “đô thị hiện đại”. Một số nhà đầu tư lớn đã tạo cho Phú Quốc bộ mặt một đô thị vượt trội như khu: Nam đảo, Bắc đảo; các khu vui chơi, giải trí, các tuyến cáp treo cũng được đầu tư bài bản… Điều này giúp nơi đây định vị là điểm đến sang trọng, đáp ứng nhu cầu của những “khách nhà giàu”.
Ngoài ra, nhà nước đã rất quan tâm, đặt vấn đề xây dựng Phú Quốc thành một đặc khu hành chính-kinh tế, kiến tạo một thể chế “đặc thù” với kỳ vọng giúp nơi đây phát triển vượt trội. Đáng tiếc dù có nhiều lợi thế, tiềm năng nhưng Phú Quốc vẫn chưa thể bứt phá xứng tầm.
Phú Quốc hút được đầu tư tư nhân nhiều, đẳng cấp cao, song cách tổ chức, các điều kiện đảm bảo cho cả hệ thống vận hành đồng bộ thì lại chưa đạt được. Tôi lấy ví dụ như: Hạ tầng giao thông-hạ tầng đô thị; việc phối hợp các ngành như du lịch với hàng không, với quản lý đô thị, hay quy chế visa, thị thực cho du khách quốc tế cũng chưa đồng bộ…
Vấn đề vệ sinh môi trường, hay vấn đề trật tự xã hội, rồi di sản văn hóa, cốt cách văn hóa của Phú Quốc rất hay nhưng cũng chưa định hình được, chưa phát huy được.
Chúng ta mới đang chú trọng vào phần hiện đại, nhưng cái gọi là tiếp nối quá khứ, tiếp nối với văn hóa bản địa, tiếp nối với những gì gọi là “căn cốt” để Phú Quốc trở thành đẳng cấp đúng nghĩa văn hóa thì chưa được chú trọng đầy đủ và chưa làm được.
Như ông nói, Phú Quốc có các nhà đầu tư rất lớn, đẳng cấp cao từ trong nước lẫn quốc tế tìm đến nhưng những vấn đề cơ bản như rác thải, thói chộp giật hay hạ tầng kém đồng bộ… lại chưa giải quyết được. Nghịch lý này ảnh hưởng thế nào đến việc phát triển du lịch, đây có phải lý do khiến cho Phú Quốc thưa vắng khách trong thời gian vừa qua?
Muốn cho thế giới đến thì trước tiên, Phú Quốc phải là một đô thị văn minh. Đó là nguyên tắc thông thường, tối thiểu và là “sống còn”. Không thể đùa với vấn đề rác thải, nước bẩn, thiếu nước ngọt, túi rác nilon… Tôi cho rằng, trước khi đạt được mục tiêu “cao sang” là điểm đến đẳng cấp quốc tế thì những việc thông thường gây bức xúc cho khách như trên phải được Phú Quốc ưu tiên giải quyết sớm.
Hiện nay, vấn đề cấp bách cần tháo gỡ là việc khách nội địa “quay lưng”, là văn hóa bán hàng “chộp giật”, kiếm chác, là môi trường ô nhiễm… phải chấn chỉnh xử lý nghiêm.
Chúng ta cần có cách tiếp cận phát triển Phú Quốc tổng thể, toàn diện và cái quan trọng là phải đáp ứng được tính đồng bộ của một thành phố đẳng cấp. Hai vế đó phải đi liền với nhau. Nếu chỉ có một số bộ phận tốt vượt lên, còn một số lại tiến quá chậm, thì sẽ rất nguy hiểm.
Hình ảnh Phú Quốc dễ bị sứt mẻ, mất uy tín nghiêm trọng. Khách du lịch đến tận hưởng Phú Quốc, chắc chắn không thể chấp nhận một hình ảnh Phú Quốc hiện đại, được đầu tư nhưng dịch vụ hàng quán lại nhếch nhác, người dân kinh doanh chộp giật hay bãi biển ngập rác… Điều này rất phản cảm!
Thời gian qua, đảo ngọc “thất thế” ngay trên sân nhà; du lịch Phú Quốc trong năm 2023 đã ghi nhận lượng khách sụt giảm lớn. Bên cạnh những yếu tố như giá vé máy bay cao, đảo nhiều rác thải, tình trạng chặt chém du khách, … theo ông còn nguyên nhân nào khác? Điều gì đang “ngáng chân” Phú Quốc trở thành một điểm đến sang trọng?
Đúng là vừa rồi Phú Quốc lâm vào tình trạng khá tiêu cực, bị hành khách “quay lưng” lại. Theo tôi, có nhiều lý do chứ không phải chỉ có chuyện giá vé máy bay cao. Tôi đã nói ở trên, câu chuyện về môi trường, rác thải; có chuyện về “chặt chém” du khách, về thủ tục visa... Có thể khái quát điều này thành 2 nhóm nguyên nhân chính của du lịch Phú Quốc: Một là tình trạng thiếu đồng bộ nghiêm trọng; hai là thiếu cách tiếp cận văn hóa trong phát triển du lịch.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất gắn chặt với xu thế phát triển nhanh, nóng, thuận lợi khiến hình thành tư tưởng dễ ăn, tạo tâm lý tưởng bở, thúc đẩy tinh thần “mạnh ai nấy làm”, quên mất luật lệ và những yếu tố nền tảng của những tiểu thương, kinh doanh. Để đồng bộ phát triển Phú Quốc, cùng với du lịch, còn phải biết cách phát triển hàng không, biết cách bán vé máy bay như là một phần của công cuộc cạnh tranh du lịch quốc tế.
Nếu Thái Lan bay rẻ hơn thì người ta sẽ bay Thái Lan, chứ không chọn Phú Quốc. Mà khi khách du lịch đến ít thì sẽ thúc đẩy xu thế “chộp giật” của hệ thống làm du lịch còn rất thiếu nền tảng ở hòn đảo này. Chộp giật trong chuyện ăn uống, giá cả. Việc xả rác bừa bãi cũng là một kiểu chộp giật. Không lo cho những gì căn bản, dài hạn nên cứ xả rác ra, kiếm ăn thật nhanh, giống như “chặt chém” du khách vừa rồi mà báo chí phản ánh ở đảo ngọc cũng là điển hình cho việc làm ăn chộp giật.
Điều này, khiến Phú Quốc dễ trở nên “xấu hơn” trong con mắt du khách. Nhiều người trước khi đến đây, đã hình dung ra một hòn đảo ngọc xinh đẹp, thân thiện, những con người hào hiệp, có tâm hồn biển cả nhưng thực tế khiến du khách không thoải mái, bực bội.
Thứ hai, cách tiếp cận, phát triển văn hóa của Phú Quốc phải được đặt lên hàng đầu. Những khu nghỉ dưỡng hiện đại ở Phú Quốc vượt trước, hiếm nơi nào có, nhưng văn hóa đích thực của Việt Nam, bản sắc của Phú Quốc là điều mà người ta muốn tìm đến để tận hưởng thì tương đối mờ nhạt.
Nếu trong không gian đô thị kiểu phương Tây có nét văn hóa Việt đậm hơn, nếu kinh tế đêm của Phú Quốc không chỉ có mỗi “chợ ẩm thực ban đêm” mà có hẳn không gian văn hóa, sáng tạo, có những sân khấu đẳng cấp… thì sức hấp dẫn của Phú Quốc chắc chắn được nhân lên gấp bội, sẽ bền vững hơn nhiều.
Điều này chúng ta phải học hỏi nhiều ở những đô thị du lịch như Singapore hay Bali. Nếu chúng ta để hiện đại lấn át truyền thống, chất “Tây” làm mờ chất “Ta”, thì cái đẹp tự nhiên không đủ để Phú Quốc trở thành tọa độ cạnh tranh quốc tế mạnh. Khi đó, khách Việt sẽ “quay lưng” không chỉ vì những bức xúc ngắn hạn, mà ở tầm xa hơn, còn vì cảm thấy lòng tự trọng văn hóa bị tổn thương.
Trong thời gian tới, để thu hút những nhóm khách thượng lưu, giàu có, Phú Quốc cần tập trung vào những giải pháp then chốt nào, đặc biệt là thu hút đầu tư của những doanh nghiệp lớn?
Những điều kiện bảo đảm đẳng cấp cao cho Phú Quốc như thiên nhiên, môi trường, không gian tương đối biệt lập, dịch vụ liên quan đến đô thị… cơ bản đã được xác lập. Làm gì để thu hút những vị khách giàu có, hào phóng Phú Quốc cần có sự khác biệt, dịch vụ đạt tiêu chuẩn với nhu cầu của họ.
Đối tượng khách nhà giàu họ thích sự hoang sơ, rất cần chất văn hóa bản địa, chất mạo hiểm và khám phá.
Thứ hai, phải rất thuận tiện. Thời gian của loại du khách này không nhiều. Có thể họ bất thình lình đến, rồi bất thình lình bay đi. Vậy thì đáp ứng thế nào nếu chúng ta cứ khó khăn quá về thủ tục? Chúng ta coi họ cũng như là dân đi nghỉ thông thường thì không được. Những tiêu chuẩn dịch vụ để thu hút được họ thì phải khác. Phải đảm bảo cho họ thuận lợi tối đa về các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ đến và đi, dịch vụ lưu trú… Rất nên chú ý để có một phân khúc đặc biệt về dịch vụ, bảo đảm thuận tiện nhất cho du khách.
Chúng ta nên tiếp cận thêm kinh nghiệm quốc tế để biết với những yêu cầu như vậy, xem thế giới đáp ứng như thế nào. Phú Quốc có rất nhiều đảo, phải tận dụng để tạo ra sự mới mẻ, khác thường vượt trội.
Điều cuối cùng: Bản thân Phú Quốc, người dân, doanh nghiệp và chính quyền Phú Quốc phải tiếp cận đến những trung tâm du lịch lớn của thế giới để kết nối, để giới thiệu. Các doanh nghiệp kinh doanh ở Phú Quốc đã có những kết nối như thế. Nếu sự kết nối này cộng hưởng với kết nối của chính quyền, mạch thông sẽ được mở ra, sức thuyết phục và hiệu quả lan tỏa sẽ gấp bội.
Chúng ta mới bước đầu tiếp cận như thế, giờ làm sao cách ấy mở rộng hơn, sâu hơn. Lúc đó, tiếng lành đồn xa sẽ giúp kéo giới thượng lưu đến Phú Quốc. Tiếng tăm vang dội hơn sẽ giúp Phú Quốc thăng hoa nhanh hơn.
Liên quan đến xây dựng “đẳng cấp”, cần có sự chung tay góp sức từ Chính phủ, từ vùng, từ Kiên Giang và của cả nước. Đó phải là sự ủng hộ về tầm nhìn, từ ý tưởng; từ đó mới có sự ủng hộ cơ chế chính sách, mới hỗ trợ nguồn lực và tạo các điều kiện thực thi thuận lợi. Phải đồng thuận, giúp đỡ Phú Quốc; một mình Phú Quốc không thể làm được. Chúng ta còn vướng nhiều cái chung lắm. Phải xử lý những cái vướng chung đó thì Phú Quốc mới bứt phá được.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào