Thanh Hóa kêu gọi đầu tư xây dựng cáp treo ở khu bảo tồn Pù Luông
Đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc, thu hút đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch.
Bên cạnh đó, đề án nhằm tạo việc làm, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Pù Luông.
Cụ thể, đề án sẽ được thực hiện trên diện tích gần 17.000ha thuộc phạm vi quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và kết nối với các xã vùng đệm của 2 huyện Bá Thước, Quan Hóa.
Dự kiến kinh phí thực hiện gần 183 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh (52,55%), xã hội hóa (45,81%) và các nguồn khác là 1,64%.
Tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu, đến năm 2030, đưa tỷ trọng từ nguồn thu du lịch trở thành nguồn thu chính, tái đầu tư phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; đảm bảo vai trò động lực, thúc đẩy phát triển đa dạng sinh học của khu bảo tồn và phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm ổn định trên địa bàn.
Đáng chú ý, đề án sẽ có chính sách hấp dẫn để kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu Trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông, kết nối khu du lịch Cao Sơn (thôn Son – Bá – Mười, thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước).
Phấn đấu đến năm 2045, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông trở thành một trong những Trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh Thanh Hóa, có tính chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao.
Chính quyền địa phương yêu cầu, các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ nguyên tắc thân thiện, hài hòa với thiên nhiên, không phá vỡ cảnh quan môi trường.
Cụ thể, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt chỉ được lập các tuyến đường mòn, đường cáp trên không, đường cáp ngầm dưới mặt đất, trạm quan sát cảnh quan, lều trú chân, biển chỉ dẫn bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái.
Trong phân khu phục hồi sinh thái chỉ được lập các tuyến đường bộ phù hợp nhưng tối đa không vượt quá quy mô đường cấp 4 miền núi.
Đề án cũng quy định chiều cao tối đa của công trình nghỉ dưỡng không quá 12m, không làm mất quyền sở hữu của nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất, chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất trống, trảng cỏ, đất có cây bụi không có khả năng tự phục hồi, không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nằm ở phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa, có diện tích gần 18.000ha, cách Hà Nội khoảng 160km. Là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người dân tộc Thái, Mường. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng gồm rừng rậm, suối thác lớn nhỏ, hang động và núi non xen lẫn những bản làng yên bình và ruộng bậc thang.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào