Chộn rộn đón Việt kiều về quê lúc nửa đêm, Tân Sơn Nhất đông đúc người
Nửa đêm vẫn đông người đón Việt kiều
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, từ 21h tối 23-1, khu sảnh chờ khách đến của ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đã rất đông người dân đứng chờ người thân của mình ra cửa.
Càng về khuya, lượng người càng đông hơn, cùng lúc với lượng khách ra cửa nhiều hơn. Ba mẹ con bà Nguyễn Thị Chi (Tây Ninh) còn mua sẵn bánh ngọt, nước để phục vụ khi chờ đón người thân.
Bà Chi cho biết đang chờ gia đình con gái từ Mỹ về ăn Tết quê hương. "Sáng nay chúng tôi đã bắt xe lên Sài Gòn từ sớm để chờ thoải mái. Giờ đang ngóng trông tụi nó ra quá chừng đây", bà Chi chia sẻ cảm xúc.
Cầm điện thoại gọi video call với người nhà, chị Hương (huyện Củ Chi) nói chuyến bay của em gái từ Đài Bắc đến Tân Sơn Nhất "hạ cánh cả tiếng rồi nhưng vẫn chưa thấy ra, sao lâu quá".
Chỉ lên màn hình điện tử, chuyến bay BR381 của Eva Air hạ cánh từ 22h30 nhưng đến 23h40 vẫn chưa thấy người nhà ra khỏi nhà ga.
Theo chị Hương, em gái ruột lấy chồng nước ngoài hơn bốn năm nay, rất ít khi về nước đón Tết cùng gia đình. Năm nay, vợ chồng em gái cùng đứa cháu trai hơn 1 tuổi trở về đón Tết, gia đình rất vui mừng.
"Nói vậy thôi chứ làm dâu xứ người cực lắm. Biền biệt vài năm không đón Tết ở quê, lần này trở về cả nhà tôi rất vui" - chị Hương tâm sự.
Chia sẻ với chúng tôi, phần lớn những người đi đón có chung lý do vì người thân của họ cả năm (không ít người là nhiều năm) mới về nước ăn Tết một lần nên mừng quá, lên tận sân bay đón cho "bớt nôn".
Có gia đình dẫn theo con nhỏ ngáp ngắn ngáp dài nửa đêm vẫn chờ người nhà. Không chỉ người trẻ mà người lớn tuổi cũng đến nhà ga, tựa vào thành ghế ngồi chờ đón con, cháu. Những ánh mắt sáng lên của người già, và nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt mỗi người đều kể lên câu chuyện của sự chờ đợi và hy vọng.
"Đêm khuya mấy cũng đón. Con, cháu ở xa, mấy khi về nước ăn Tết" - bà Huệ, 60 tuổi ở quận Bình Tân, nói. Ngồi kế bên bà Huệ, ông Lâm cũng cho rằng khi người thân là Việt kiều từ nước ngoài về, bước xuống sân bay có đại gia đình đến đón sẽ ấm áp hơn. Do đó, gia đình ông rủ hơn 7 người đi từ Bình Dương lên đón con gái cho... hoành tráng.
Nhập cảnh đông, khách than chờ lâu
Chị Kiều Khanh, hành khách đáp chuyến bay từ Quảng Châu (Trung Quốc), cho biết thủ tục nhập cảnh và chờ lấy hành lý tại Tân Sơn Nhất "chậm quá". Chuyến bay hạ cánh lúc 22h ngày 23-1 ở Tân Sơn Nhất, rút kinh nghiệm chị nhanh chóng "phi" về hướng nhập cảnh. Dù nửa đêm, khu vực nhập cảnh khá đông người xếp hàng chờ làm thủ tục.
Việc "giải phóng" lượng khách ở khu vực này, chị Khanh đánh giá chưa thật sự tốt. "Ngay cả bố trí máy quét hộ chiếu khách Việt tự động nhưng có nhiều người loay hoay không qua được, đành phải xếp hàng làm thủ công" - chị Khanh nói.
Trong khi đó, nam thanh niên Lê Quốc Hòa (quê ở Gia Lai) liên tục đứng ngóng nhìn về phía cửa khách ra vừa liên tục nhìn màn hình điện thoại và trả lời tin nhắn. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Hòa cho biết đang chờ người dì bay từ Mỹ về ăn Tết.
"Đã 4, 5 năm nay dì không về Việt Nam", Hòa nói với tâm trạng đầy háo hức chờ gặp người thân và ánh mắt không rời khu vực cửa ra của ga quốc tế.
Hòa cho biết chuyến bay của dì mình đáp lúc 21h45 nên em (đang là sinh viên ở TP.HCM) đã chủ động ra đây từ 21h30 chờ sẵn. Tuy nhiên, sau hơn một tiếng rưỡi vẫn chưa thấy người dì ra nên Hòa tỏ vẻ sốt ruột. Hòa nhận xét "em thấy thủ tục nhập cảnh của bên mình có vẻ khá lâu".
Dùng công nghệ, chủ động thời gian đón người thân
Thay vì chen chúc để đón đưa, nhiều người tận dụng công nghệ tra cứu chuyến bay để theo dõi hành trình cất, hạ cánh chủ động lịch đón, đưa phù hợp. Chẳng hạn, chỉ cần biết số hiệu chuyến bay của người nhà, người thân có thể lên trang flightradar24.com (trang theo dõi các chuyến bay) tra cứu, từ đó nắm được hành trình bay và thời gian dự kiến hạ cánh.
Nếu muốn thoải mái hơn, có thể cộng thêm khoảng một tiếng so với giờ đáp cho thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý.
Như vậy sẽ giúp khách hàng nắm được rõ giờ bay, giờ hạ cánh, tránh phải chờ đợi lâu mệt mỏi ở sân bay.
Không có nhận xét nào