Bố đã qua đời, tôi vẫn tiếp tục trồng cây
Tết Giáp Thìn năm nay, tôi rủ gia đình và bạn bè cùng khám phá rừng quốc gia Yok Đôn cách nhà tôi hơn 40km. Sau khi mua vé tham quan và được hướng dẫn viên giới thiệu một số quy định, chúng tôi bắt đầu hành trình tự khám phá rừng bằng xe đạp.
Rừng Tây Nguyên đẹp lắm người ơi!
Vừa bước chân vào cửa rừng, chúng tôi hoàn toàn choáng ngợp bởi khung cảnh trước mặt là cánh rừng đang vào mùa đẹp nhất trong năm - mùa thay lá. Hút tầm mắt cả cánh rừng lá đã chuyển sắc vàng, sắc đỏ hoặc rụng thành thảm lá dày, để lại những cành cây trơ trụi, khẳng khiu nổi bật trên nền trời xanh ngắt.
Càng đi sâu vào trong rừng, cảnh càng đẹp, càng cuốn hút, không từ ngữ nào diễn tả hết, những hình ảnh tôi chụp vội cũng không thể tả hết được vẻ đẹp hoang sơ và kỳ vĩ ấy.
Tìm hiểu trên Internet, tôi chia sẻ với mọi người đây là rừng khộp, phiên âm từ tiếng Lào có nghĩa là "rừng nghèo". Vì thích nghi với khí hậu khô hạn của mùa khô Tây Nguyên, cây rừng rụng lá nhìn như những khu rừng chết. Tại Việt Nam, Tây Nguyên là nơi duy nhất có rừng khộp, tập trung chủ yếu ở rừng quốc gia Yok Đôn và khu vực rừng giáp ranh Đắk Nông và Đắk Lắk.
Chúng tôi thích thú đạp xe lang thang giữa bạt ngàn rừng không biết mệt, quên cả cái nắng nóng của thời tiết và của những đám lửa kiểm lâm đốt lá cây phòng cháy rừng. Bằng chút hiểu biết về rừng, tôi chỉ cho bạn bè tên của từng loại cây rừng như gỗ dầu, cà chít, sao đen, bứa, giáng hương, cà te, bằng lăng, lộc vừng… cùng những điểm thú vị của từng loại cây.
Sau khoảng 10km đạp xe xuyên rừng mất cả nửa ngày vì mải ngắm cảnh, chúng tôi đến trạm kiểm lâm số 2, cũng là điểm cuối cùng được phép tham quan của khu rừng rộng lớn. Chúng tôi nghỉ trưa bên thác Phật, dòng thác mát lạnh, nguyên sơ nằm ẩn mình giữa rừng sâu.
Con thác này được hình thành từ một nhánh của sông Sêrêpôk huyền thoại - con sông duy nhất chảy ngược lên thượng nguồn Tây Nguyên.
Chiều tà, chúng tôi đạp xe ra khỏi rừng trong ánh hoàng hôn rực đỏ. Cánh rừng lúc này toát lên điều gì đó linh thiêng và huyền bí lạ kỳ. Cả chuyến đi, chúng tôi không chụp nhiều ảnh, để dành thời gian ngắm nhìn cảnh sắc khu rừng bằng đôi mắt của mình. Bởi sau mỗi chuyến đi, có lẽ bức ảnh đẹp nhất là khoảnh khắc ghi dấu trong trái tim mỗi người.
Tiếc là nhiều người dân quê hương tôi còn ít biết đến Tây Nguyên có những khu rừng đẹp đến vậy. Nếu vẫn loay hoay mỗi kỳ nghỉ lễ không biết đi chơi đâu thú vị, khách phương xa đến chưa biết giới thiệu cảnh đẹp gì cho đặc biệt, từ nay, người Tây Nguyên ơi, hãy đến với những cánh rừng Tây Nguyên tuyệt đẹp nhé!
Trồng cây, nuôi dưỡng tình yêu rừng
Những cây gỗ lớn hàng trăm tuổi vươn mình trong cánh rừng già
Tôi có dịp ghé thăm một số khu rừng như Nam Cát Tiên, Chư Yang Shin, Yok Đôn, Ngọc Linh, Tràm Chim, Phú Quốc, Cần Giờ… Mỗi khu rừng đều có những nét đẹp riêng, nhưng những cánh rừng trên đất Tây Nguyên khiến tôi nhiều cảm xúc hơn cả, chắc bởi đây là mảnh đất ghi dấu cả tuổi thơ tôi và tuổi trẻ của bố tôi.
Bố tôi theo gia đình đi kinh tế mới đến Tây Nguyên từ nhỏ. Để kiếm kế sinh nhai cho cả đại gia đình, lo cho đàn em học hành, thời trẻ bố tôi đã khai hoang đất rừng làm nương rẫy trồng lúa, hoa màu, cà phê, hồ tiêu… Đó là những năm tháng khổ cực, đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu, để lại nhiều vết sẹo dài trên người bố tôi. Nhưng cũng là bài học đắt giá nhất của bố tôi.
Gần 40 năm qua đi kể từ sai lầm tuổi trẻ đó, bố tôi vẫn không nguôi tiếc nuối vì đã đốt phá nhiều cây rừng, nơi sinh sống của các loài chim muông, chỉ vì miếng cơm manh áo.
Từ bài học của mình, bố nuôi dưỡng cho chúng tôi tình yêu với thiên nhiên, những hiểu biết về rừng, cây cối, trồng trọt qua công việc hằng ngày hay những chuyến đi rừng, chỉ với mong muốn các con yêu rừng để giữ rừng.
Rừng khộp Vườn quốc gia Yok Đôn vào mùa thay lá, mùa đẹp nhất trong năm
Bố đã qua đời, tôi vẫn tiếp tục trồng cây. Chúng tôi đều sống ở thành phố, Tết là dịp nghỉ lễ dài nhất trở về nhà. Đó là khoảng thời gian tôi thu nhặt nhiều hạt giống, mua thêm cây giống gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, lim, cà te, trắc, sưa đỏ, sao đen… ươm mầm cho cứng cáp trong vườn ươm, trước khi đem đi trồng vào mùa mưa và tặng cho mọi người.
Tôi biết việc trồng vài trăm cây rừng mỗi năm của mình là quá nhỏ bé, chẳng thể bù đắp sai lầm tuổi trẻ của bố, nhưng tin việc làm của mình không vô nghĩa. Ngày Tết trồng cây cũng là một nét vui xuân độc đáo, gây rừng và bảo vệ môi trường xanh.
Ảnh: ĐỖ THU THẢO
Cuộc thi “Khoảnh khắc Tết của tôi” đã hết hạn nhận bài
Diễn ra từ 25-1 đến hết 24-2, cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Ban tổ chức đã nhận được gần 600 bài viết của độc giả gửi về trong 1 tháng qua. Hơn 50 bài đã và đang được lựa chọn đăng tải trên Tuổi Trẻ Online. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã gửi bài dự thi và theo dõi cuộc thi diễn ra trong dịp Tết Giáp Thìn năm nay.
Một số bài viết sẽ tiếp tục được đăng tải trong thời gian tới.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Không có nhận xét nào