Cô gái Việt lướt xe qua hồ băng cổ đại 2 triệu năm giữa trời lạnh -40 độ C
Đến bộ lạc tuần lộc nguyên thủy, sống trong lều du mục
Ulaanbaatar – thủ đô của Mông Cổ thường xuyên đứng đầu danh sách các thủ đô lạnh nhất thế giới với nhiệt độ trung bình cả năm khoảng -3,3 độ C. Vào những ngày mùa đông rét mướt, nhiệt độ nơi đây hạ xuống -40 độ C.
Điều kiện thời tiết khác biệt biến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều du khách ưa trải nghiệm những vùng đất mới.
Đặng Thùy Dương (35 tuổi, ở Đà Nẵng), một travel blogger (blogger du lịch) có chuyến tham quan Mông Cổ vào những ngày tháng 1/2024. Cô cho biết, mình đến Mông Cổ vào những ngày đông rét buốt -40 độ C. Tuyết phủ một màu trắng xóa khắp vùng thảo nguyên mênh mông.
“Nhắc đến Mông Cổ, người ta sẽ hình dung ra hình ảnh những chú ngựa tung vó trên thảo nguyên xanh ngát hay chiến công lẫy lừng một thời vang bóng của thủ lĩnh Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn…
Song chuyến đi lần này với tôi lại là một hình ảnh Mông Cổ thật khác biệt cùng nhiều trải nghiệm khó quên và những kiến thức mà tôi chưa từng biết đến”, Thùy Dương cho hay.
Thùy Dương dành 12 ngày rong đuổi từ thảo nguyên mênh mông tuyết đến vùng núi phía Bắc xa xôi. Cô cảm nhận, Mông Cổ không phải là địa điểm lý tưởng cho kỳ nghỉ dưỡng nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, vùng đất này lại đem đến cho cô nhiều điều mới mẻ. Cô được tiếp xúc với văn hóa du mục hiện hữu từ hàng ngàn năm, ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ đẹp đến siêu thực.
Mở đầu chuyến đi, Thùy Dương đến Ulaanbaatar. Rời thủ đô cô gái trẻ bắt đầu hành trình rong đuổi qua những khu rừng tuyết phủ trắng xóa, những thị trấn nhỏ xinh rồi tiến sâu vào rừng già Taiga để đến với bộ lạc tuần lộc nguyên thủy cuối cùng trên thế giới – Tsaatan.
“Trước đây tôi nghĩ rằng tuần lộc chỉ có trong truyện cổ tích cùng ông già Noel. Tuy nhiên, đến Mông Cổ, đôi tay tôi được chạm vào những chú tuần lộc bằng xương bằng thịt. Đó quả thực là một kỷ niệm thú vị”, cô kể.
Điều khiến Thùy Dương ấn tượng là khoảnh khắc ngồi trong căn lều nhỏ của bộ tộc Tsaatan, nhâm nhi ly trà ấm bên bếp lửa nhỏ và ngắm nhìn những chú tuần lộc lững thững trước lều. Cảm giác ấy với nữ du khách Việt thật bình yên và khó quên.
Cô cũng chia sẻ: “Tôi sẽ không quên buổi sáng lạnh tái tê, ngồi xe ngựa “hóng gió” trên hồ băng Khovsgol – hồ cổ đại hơn 2 triệu năm tuổi còn sót lại trên thế giới. Xe chạy mải miết gần 2 tiếng đồng hồ mà trước mắt vẫn là một vùng mênh mông không điểm đến”.
Hồ Khovsgol là một trong 17 hồ cổ đại còn sót lại trên thế giới, là nơi chiếm 70% lượng nước ngọt của toàn Mông Cổ. Hồ Khovsgol nằm ở phía tây bắc Mông Cổ gần biên giới với Nga. Hồ nằm ở độ cao khoảng 1.645m so với mực nước biển, dài 136km, rộng khoảng 36,5km và chỗ sâu nhất đạt tới 267m.
Bề mặt hồ bị đóng băng hoàn toàn trong mùa đông. Lớp băng dày và cứng đủ để người và gia súc vô tư đi lại. Người Mông Cổ còn tổ chức lễ hội trên mặt hồ cổ đại này.
Trên mặt băng rộng bát ngát và sâu đến hàng trăm mét, các gia đình quây quần, bày biện đồ ăn, vui vẻ tiệc tùng. Trong ngày đầu tiên của Lễ hội Băng, người dân nơi đây thi đánh ngựa kéo xe trượt tuyết, kéo co, bắn cung.
Trái ngược với hồ Khovsgol là sông Khalkh Gol – con sông không bao giờ đóng băng. Thùy Dương vô cùng ngạc nhiên khi nghe người dân địa phương lý giải rằng, vào mùa đông, khi nhiệt độ bên ngoài hạ sâu, thậm chí xuống mức -40 hay -50 độ C, dòng nước trên sông vẫn chảy bình thường mà không bị đông cứng. Bí mật của sự kỳ lạ này nằm sâu bên dưới lòng sông.
Dòng sông không bao giờ đóng băng.
Theo người dân địa phương, sông Khalkh Gol chảy qua một khu vực hoạt động địa nhiệt. Chính nguồn nhiệt lượng từ đáy sông khiến nước được “đun nóng”, dòng nước luôn chảy không dừng, nước sông luôn có nhiệt độ cao hơn mức đóng băng nên con sông vẫn hoạt động bình thường và cung cấp nước uống cho các động vật ở quanh khu vực.
4 người chung 1 can nước nhỏ, tắm là điều xa xỉ
Cảnh sắc tại Mông Cổ khi về đêm lung linh tuyệt đẹp. Thùy Dương kể, một đêm, khi tuyết ngừng rơi, trên bầu trời hiện ra dải ngân hà cùng những vì sao lấp lánh tuyệt đẹp…
Thời tiết khi đó lạnh -30 độ C nhưng Thùy Dương và nhóm bạn vẫn rời bếp củi ấm áp, bước ra ngoài trời để ngắm nhìn khung cảnh tưởng chừng chỉ thấy trong phim ảnh.
Vì thời tiết quá lạnh giá nên nhiều lúc Thùy Dương cảm thấy cơ thể như muốn tê cứng. Việc di chuyển đi lại cũng khó khăn, đòi hỏi cần có sức khỏe.
Nơi đâu cũng mênh mông băng tuyết.
“Việc tắm giặt cũng khó khăn hơn bình thường vì nhiều điểm đến không có chỗ tắm. Bản thân chúng tôi cũng lo ngại việc tắm giặt trong điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt, nếu không cẩn thận có thể bị ốm và ảnh hưởng đến lịch trình chuyến đi. Mọi người vì thế trêu nhau chấp nhận “ở bẩn” để giữ gìn sức khỏe”, cô gái cho hay.
Theo quan sát của Thùy Dương, người dân nhiều vùng lạnh giá ở Mông Cổ sưởi ấm bằng bếp củi, cứ hơn một tiếng, họ lại phải bỏ thêm củi vào để giữ ấm cho phòng hoặc lều của mình.
Nhóm 4 người của Thùy Dương khi ở trong các căn lều cũng phân công nhau cứ cách một tiếng thì thêm củi vào lò. Đồ đạc họ mạc theo như kem dưỡng, nước đóng chai để trong lều chỉ hôm trước hôm sau là đóng băng nên ai cũng chú ý đến khoản giữ ấm cho cơ thể.
“Một số nơi tôi đến, người dân dường như không tắm vào mùa lạnh giá. Những làng gần hồ băng cổ thì có vài nhà có giếng. Các gia đình trong làng hay các gia đình di cư có cách lấy nước khá thủ công. Họ đào một chiếc lỗ trên mặt hồ đóng băng rồi lấy nước vào can xách về nhà để sử dụng.
Có những hôm nhóm của tôi 4 người dùng 1 can nước nhỏ, chia nhau từng giọt nước để rửa mặt, đánh răng. Nước ở đây khá hiếm, nên chúng tôi hiểu việc được tắm giặt mùa đông là một điều xa xỉ”, cô cho hay.
Chi phí chuyến đi 12 ngày của Thùy Dương bao gồm vé máy bay và tiền ăn, ở, trải nghiệm là gần 3.000USD (khoảng 73 triệu đồng).
Theo nữ du khách này, cô dự định sẽ quay lại Mông Cổ vào một mùa hè nào đó để ngắm Mông Cổ từ “chiếc áo trắng lộng lẫy thay một màu áo xanh mướt” và cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào