Breaking News

Du lịch Tết xôm tụ: Đi đến đâu cũng 'full phòng', phòng xuống cấp khách cũng nhận

Hội An là điểm đến được nhiều du khách chọn lựa trong dịp Tết vừa rồi - Ảnh: T.T.D.

Hội An là điểm đến được nhiều du khách chọn lựa trong dịp Tết vừa rồi - Ảnh: T.T.D.

Trên đường du xuân hay trở lại TP.HCM làm việc, nhiều gia đình đi xe cá nhân đã chọn những địa phương "ít nổi" trên bản đồ du lịch để dừng chân, vừa nghỉ ngơi vừa tranh thủ khám phá vùng đất mới, dẫn đến tình trạng "cháy phòng" do lượng khách tăng đột biến.

Xu hướng du lịch tự túc với quãng đường từ 300 - 500km tính từ nơi mình sinh sống hay làm việc, do vé bay đắt đỏ trong khi các tuyến đường cao tốc đã được đưa vào sử dụng, đang vẽ lại cách đi du lịch của người Việt, nhất là trong kỳ nghỉ Tết.

"Cháy" phòng khách sạn, quá tải các dịch vụ

Sáng 14-2 (mùng 5 Tết), anh Nguyễn Phúc Minh (42 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng vợ và hai con gái có mặt ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) sau hành trình dài tám giờ bằng xe hơi bảy chỗ.

Theo anh Minh, vào những ngày Tết, giá vé máy bay cao ngất ngưởng, còn ga tàu hay xe khách phải đặt vé trước cả tháng, vì vậy cả gia đình anh quyết định đi bằng xe hơi. Nhà anh chọn Phú Yên là điểm dừng chân trên đường trở lại TP.HCM.

"Đi xe hơi cá nhân rất khỏe, bởi vì gia đình tôi thích dừng chân ở đâu cũng được, muốn ghé vào điểm du lịch nào dọc đường tham quan cũng được, không phụ thuộc vào bất cứ ai" - anh Minh nói và cho biết đã chọn Phú Yên để du lịch trên hành trình trở lại TP.HCM sau Tết do địa phương này mới nổi trên bản đồ du lịch cả nước.

"Chúng tôi tranh thủ đi thăm thú quảng trường Tháp Nghinh Phong, ghé thăm danh thắng Gành Đá Dĩa... vì trước nay chỉ thấy qua sách báo, mạng xã hội" - anh Minh cho hay.

Tuy nhiên, anh Minh cũng cho biết việc tìm phòng lưu trú khi đến Phú Yên hơi khó khăn bởi vì lượng khách đặt trước gần như kín toàn bộ khách sạn, gia đình anh phải rà tìm cật lực mới kiếm được khách sạn gần trung tâm TP Tuy Hòa.

Trong khi đó, sau khi đón Tết bên gia đình đến hết mùng 3, sáng 13-2 (mùng 4 Tết) vợ chồng anh Lê Hữu Quốc (quê Tiền Giang) đã quyết định lái xe hơi một mạch từ Tiền Giang đến Phú Yên du lịch. Nhờ có đường cao tốc, thời gian được rút ngắn đáng kể.

"Gia đình tôi ở lại TP Tuy Hòa trong hai ngày một đêm để đi thăm các điểm du lịch cũng như thưởng thức các món đặc sản ở đây. Mọi thứ ở đây đều ổn nhưng chỉ có khó khăn đó là việc tìm khách sạn lưu trú.

Gia đình tôi đến Tuy Hòa vào tối mùng 4 Tết, đường sá ở đây đông nghẹt ô tô, đến khách sạn nào hỏi cũng kín phòng nên hai vợ chồng chấp nhận lái xe ra ngoại thành một chút để thuê phòng" - anh Quốc kể.

Trong khi đó, anh Nguyễn Đình Thành (42 tuổi, TP.HCM) cho biết cả nhà anh đến Tuy Hòa lúc 17h ngày 13-2 (mùng 4 Tết) nhưng phải đến gần 21h mới tìm được nơi lưu trú qua đêm.

"Lái xe hơi từ TP.HCM về Tuy Hòa rất thuận lợi, đặc sản rất ngon miệng, người dân lại hiếu khách. Chỉ có việc tìm phòng khách sạn khó quá, hai vợ chồng chạy dọc hết các tuyến đường Hùng Vương, Trần Phú mà chỗ nào cũng lắc đầu.

May mắn có nhà người bạn còn dư phòng nên hai vợ chồng cũng có chỗ nghỉ" - anh Thành cho biết.

Theo ông Đặng Hòa - trưởng phòng kinh doanh khách sạn Mandala Hotel & Spa Phú Yên, dù lượng khách từ các đơn vị lữ hành gửi booking phòng về khách sạn trong dịp Tết không nhiều, nhưng lượng khách lẻ như gia đình tự túc, khách du lịch xuyên Việt, khách phát sinh đột xuất... tăng đột biến trong dịp Tết năm nay.

"Lượng khách đi ô tô tự túc hoặc không đặt phòng lưu trú từ trước tăng đột biến, lên đến khoảng 45%, nhờ vậy doanh thu của khách sạn cũng tăng so với năm ngoái" - ông Hòa nói.

Một số khách sạn ở Tuy Hòa cũng cho biết hầu hết lượng khách vãng lai không đặt phòng lưu trú từ trước tăng đột biến, dẫn đến có thời điểm "cháy" phòng.

Phòng xuống cấp cũng được khách chấp nhận

Khởi hành từ Quảng Ngãi để vào TP.HCM từ 12-2 (mùng 3 Tết), gia đình chị T. lên kế hoạch sẽ dừng chân ở hai nơi là TP Quy Nhơn (Bình Định) và Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để vừa nghỉ ngơi vừa du lịch.

Do đó, chị T. đã đặt phòng trước tại cả hai địa điểm nêu trên thông qua app của một ngân hàng với giá 1 triệu đồng/phòng/đêm.

Tại Quy Nhơn, mọi chuyện không xảy ra vấn đề gì, nhưng tại Nha Trang lại bất ngờ xảy ra sự cố. Chiều muộn mùng 3 Tết, khi đến khách sạn M.B Nha Trang (đường Trần Phú) và đưa mã nhận phòng trước đó, chị T. được lễ tân thông báo "không có mã nào được book ở đây" và khách sạn cũng đã hết phòng.

"Nhân viên lễ tân cũng cho biết tôi là trường hợp thứ hai rơi vào tình huống này. Trước đó, sáng mùng 3 Tết cũng có trường hợp khách tương tự nhưng lễ tân không thể giải quyết vì cho rằng đây là lỗi của Mytour (bên thứ ba liên kết dịch vụ - PV)", chị T. kể lại.

Bất lực, cả gia đình chị đi tìm khách sạn khác. Tuy nhiên, phải mất cả tiếng đồng hồ chị T. mới tìm được phòng nhưng chấp nhận mức giá 2 triệu đồng/đêm.

Trong khi đó, gia đình anh N.V.Chung (TP Thủ Đức) cũng có một đêm mùng 4 Tết bở hơi tai khi đến TP Tuy Hòa. Trước đó, gia đình đã đặt phòng khách sạn qua một app đặt phòng trực tuyến với giá 1,6 triệu đồng.

"Qua điện thoại, tôi được cho biết phòng đã hết từ hai ngày trước và không có phòng nào đặt tên của tôi. Ứng dụng đặt phòng trực tuyến vẫn để giá phòng là do hệ thống bị lỗi", anh Chung kể lại.

Hôm đó cả Tuy Hòa "cháy" phòng do khách các vùng đổ về, đến khách sạn nào cũng lắc đầu không còn phòng.

Cả TP nườm nượp xe biển số các tỉnh, trong đó phổ biến là xe TP.HCM. Nhiều gia đình chạy đôn đáo tìm phòng lưu trú vì gặp sự cố và không ngờ trong ngày Tết khách sạn quá tải.

Gia đình năm người cuối cùng cũng "giành giật" được một phòng trong khu nghỉ dưỡng của farmstay với cơ sở vật chất khá bình dân nhưng giá đến 1,2 triệu đồng/đêm.

Nhân viên của các khách sạn cũng không lý giải được tại sao TP bị "cháy" phòng trong những ngày sau Tết. Tuy nhiên, nhìn dòng xe hơi đậu kín các khách sạn, có thể hiểu những TP ở đoạn miền Trung có điểm tham quan du lịch như Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang... là điểm dừng chân của các gia đình.

Xu hướng về quê hay du xuân bằng ô tô cá nhân bùng nổ đã khiến các điểm dừng chân cũng được "ăn theo", bỗng nhiên có thêm một mùa kinh doanh cao điểm ngoài kế hoạch.

Giám đốc một khách sạn 3 sao ở Quy Nhơn cho biết từ mùng 2 Tết trở đi, khách sạn này luôn kín phòng, thậm chí một số phòng đã xuống cấp cũng được huy động vào sử dụng vì khách đồng ý.

"Khách chủ yếu là những gia đình, nhóm bạn cùng đi chơi Tết và dừng chân ở đây nên đa số chỉ ở một đêm. Họ cũng không quan tâm đến các bữa sáng hay dịch vụ giải trí khác trong khách sạn. Đây là hiện tượng không hề có những mùa Tết trước", vị này cho biết.

Khách quốc tế tăng cao

Kỳ nghỉ Tết ghi nhận số lượng khách quốc tế đến tăng cao ở nhiều địa phương: Đà Nẵng ước đón gần 177.000 lượt; Hà Nội ước đón gần 103.000 lượt khách, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023; Ninh Bình ước đón gần 100.000 lượt; Quảng Nam ước đón 97.000 lượt, tăng 42%; Quảng Ninh ước đón 89.767 lượt; TP.HCM ước đón 75.000 lượt, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngoài ra, một số địa phương có lượng khách tăng gấp nhiều lần như Kiên Giang ước đón 44.370 lượt, tăng gấp 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2023; Lâm Đồng ước đón 20.000 lượt...

Theo nhận định của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, số lượng khách quốc tế tiếp tục tăng so với dịp Tết dương lịch 2024 và cùng kỳ năm 2023 nhờ hiệu ứng từ chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, địa phương và hoạt động xúc tiến, quảng bá được triển khai rộng khắp.

Không có nhận xét nào