Khoảnh khắc Tết của tôi: Đón xuân an lành cùng con gái ở Phú Yên
Tết năm vừa rồi, tôi và con gái đặt vé máy bay ra Phú Yên, tận hưởng khoảng thời gian nhàn tản hiếm hoi của hai mẹ con.
Kỳ nghỉ Tết "chữa lành"
Ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết, mẹ con tôi chỉ đi loanh quanh ở resort. Buổi chiều, khi thời tiết dần trở nên mát mẻ hơn, hai mẹ con ngồi trên tảng đá nhỏ, nhìn ra tận biển, cảm tưởng như làn nước xanh ngăn ngắt dưới kia đang chảy ngang chân mình.
Gió lướt nhẹ trên làn da rin rít vị biển. Trước mắt tôi, thỉnh thoảng từng đám mây trắng cuộn tròn say sưa dưới ánh nắng bàng bạc mùa xuân. Thi thoảng, một vài con nhạn biển chao nghiêng. Giữa tiếng sóng rì rào của vùng biển dọc con đường quanh co, ngợp bóng thùy dương, tôi thấy lòng mình an yên đến kỳ lạ.
Cách Sài Gòn độ một giờ bay, Phú Yên gây ấn tượng với mẹ con tôi bởi nhiều cung đường rộng dài, xuyên suốt những cánh đồng cháy nắng, những dãy núi ẩn hiện trong sương mờ xa xôi.
Kiểu thời tiết hanh khô ở Trung Bộ có thể sẽ khiến chúng ta khó chịu vào lúc ban đầu. Nhưng bù lại, khi thích ứng dần, mọi người hẳn sẽ yêu thích vùng đất tĩnh lặng chói chang ánh mặt trời này. Như thể mọi điều giản dị nhất đều bắt nguồn từ vùng biển xinh đẹp này.
Tại Phú Yên, nếu thích cô đơn, hãy thuê một phòng khách sạn nhỏ nằm cạnh bờ biển, mang theo vài quyển sách, thong thả nằm chờ hoàng hôn xuống, giữa chiều tĩnh mịch, khi bên cạnh chẳng có ai.
Nhưng nếu ưa náo nhiệt, hãy đặt sẵn một bữa thịnh soạn tại nhà hàng gần đấy, vừa ăn vừa nhẩn nha nhìn ngắm mọi người chung quanh. Còn nếu bạn có quá ít thời gian như mẹ con tôi, hãy đặt sẵn tour ở Sài Gòn, theo chân hướng dẫn viên và cứ thế tận hưởng chuyến đi theo lộ trình sẵn có.
Theo lời bạn hướng dẫn tour, tôi được biết vùng đất này là một địa danh có từ thời chúa Nguyễn, mang nhiều dấu tích của người Chăm. Chắc cũng vì lẽ đó nên trải qua nhiều thăng trầm biến động trong lịch sử, vùng đất này vẫn còn giữ được rất nhiều dấu ấn độc đáo về văn hóa.
Nhàn nhã ở Phú Yên
Buổi trưa trời trong, hai mẹ con tôi quyết định đến hải đăng Đại Lãnh. Từ Vũng Rô, chúng tôi đi xe hơn 10 cây số thì đến được địa danh thú vị này. Rất may mắn là đoạn đường đi khá tốt, thi thoảng lại có những đoạn quanh co giúp du khách ngắm nhìn được trọn vẹn khung cảnh đất trời mênh mông và vùng biển nước xanh như ngọc ở phía dưới.
Ghé chân uống vội một ly nước mía ven đường, mẹ con tôi được nghe bà chủ và những người dân địa phương chỉ dẫn tận tình rằng nên xuống xe ô tô, cũng chẳng cần đi Honda ôm, cứ thong thả đi bộ khoảng độ một cây số thì đến nơi.
Mũi Đại Lãnh vốn là một nhánh cuối của dãy Trường Sơn, nhìn thẳng ra Biển Đông. Nghe theo lời hướng dẫn, mẹ con tôi thong thả leo lên đỉnh ngọn hải đăng Đại Lãnh, chọn một góc nhiều cây xanh, phóng tầm mắt ngắm nhìn trọn vẹn phong cảnh phía dưới.
Trên đường đi, tôi thấy vài bạn trẻ tầm tuổi con gái tôi cũng kiên trì leo dốc, ôm theo mấy thứ linh tinh, một cái máy chụp ảnh, vài quyển sổ tay. Chúng tôi cùng tản bộ chầm chậm dưới nắng xuân, nghe đâu đó vọng lại vài tiếng chim ríu rít vui tai. Thi thoảng, con gái tôi nhanh tay chụp lại những khoảnh khắc tương giao hiếm hoi giữa đất trời xanh ngắt một màu.
Cứ kiên trì như thế, cuối cùng mẹ con tôi cũng leo lên đến đỉnh của hải đăng. Chúng tôi háo hức men theo cầu thang hình trôn ốc xoáy tròn, leo vào bên trong của hải đăng. Từ ban công có treo cây đèn biển màu trắng của hải đăng nhìn xuống, tôi sững sờ khi nhìn thấy một không gian tuyệt đẹp khi biển và núi nằm liền kề bên nhau. Chỉ giản đơn như thế cũng đủ cân bằng tâm trạng của người thành phố quanh năm sống giữa lòng đô thị, mịt mù khói bụi.
Bãi biển phía dưới hải đăng được người dân địa phương gọi bằng cái tên rất dân dã là bãi Môn. Cạnh đó là một đồi cát nhỏ, đi rất mịn màng và êm chân. Điểm thú vị nhất của bãi biển này là giữa một đồi cát như một tiểu sa mạc lại có một dòng suốt nước ngọt mát lành chảy ngang qua.
Tôi tháo vội giày, chầm chậm bước từng bước trên cát mềm, thấy hai chiếc bóng của mình và con gái đang dựa sát vào nhau, cảm nhận sự gắn kết đầy yêu thương giữa những làn gió biển mùa xuân.
Những ngày tiếp theo ở Phú Yên, mẹ con tôi chọn tận hưởng sự nhàn nhã theo cách của mình. Tôi lặng lẽ tản bộ chung quanh nhà thờ Mằng Lăng. Trời chiều bằng lặng, đâu đó giữa những tia nắng vàng ươm, cả ngôi thánh đường xa xưa bừng sáng. Khẽ khàng chạm nhẹ vào những ô cửa cổ kính, lấp lánh sắc màu, nhìn thấy ở chúng biết bao tâm tình xưa cũ.
Hôm cuối, trước khi quay về Sài Gòn, tôi có dịp ghé ngang qua Eo Gió. Đi loanh quanh những bậc thang vòng vèo, rồi chợt nghĩ: không hẳn chỉ có eo gió nhìn ra vùng vịnh xanh thẳm phía dưới, có những ngả rẽ quanh co, đời người thỉnh thoảng vẫn nên trải qua. Cũng bởi có trải qua mới càng thấm thía hơn nữa giá trị của những phút giây an lành và hạnh phúc.
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ [email protected].
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Không có nhận xét nào