Du lịch hè lo ế ẩm, rất gay vì giá vé máy bay
Trong lúc đó, nhiều người dân lên kế hoạch du lịch gần hoặc đi bằng xe cá nhân để tiết kiệm chi phí.
Vé đã đắt lại còn tăng trần
Mặt bằng giá vé máy bay tăng cao từ năm ngoái giờ có nguy cơ đắt hơn ở chặng bay nội địa do tăng giá trần từ ngày 1-3. Trong đó, giá cao nhất lên tới 4 triệu đồng cho chặng bay dài trên 1.280km, như Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - TP.HCM... tăng 250.000 đồng so với hiện tại.
Khi vào cao điểm du lịch hè, đây là yếu tố có thể khiến giá vé máy bay nội địa bật tăng cao do nhu cầu đi lại tăng đột biến.
Chưa kể, dịp lễ 30-4 năm ngoái, giá vé máy bay tăng cao rồi đột ngột giảm sâu khiến doanh nghiệp và khách du lịch bị động, suy giảm niềm tin... dẫn tới một số điểm đến vắng khách.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành và khách hàng băn khoăn hãng bay liệu có lặp lại "bệnh cũ" trong hè năm nay.
Ông Bùi Thế Duy, đại diện Lửa Việt Tours, cho biết từ biến động giá vé máy bay "càng gần đến cao điểm thì xả vé" của năm ngoái, các đại lý doanh nghiệp lữ hành không còn dám ôm nhiều vé mà cân nhắc lấy xêri vé máy bay đến những điểm hút khách, khách không có nhiều lựa chọn về phương tiện đi lại.
Tour đi đường hàng không thường gắn với tour đường dài, khoảng cách từ 500km trở lên. Những năm gần đây, tour này chiếm đến hơn 80% sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp khi thói quen di chuyển bằng đường hàng không dần trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân.
"Mức giá mới này khiến doanh nghiệp không còn mặn mà ôm vé trước vì sẽ không có nhiều vé rẻ. Do đó, các combo du lịch nội địa kết hợp giữa vé máy bay và khách sạn sẽ khó có giá tốt như năm ngoái", giám đốc kinh doanh một công ty du lịch cho hay.
Ông Phạm Anh Vũ, giám đốc truyền thông Công ty Du lịch Việt, cũng cho biết từ năm ngoái giá tour nội địa phải cạnh tranh rất vất vả với tour đi các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia... do giá vé máy bay tăng cao.
"Những điểm hút khách như các tỉnh phía Bắc vẫn có sức hút riêng, nhưng nếu áp lực tăng giá còn lên cao thì xu hướng đi du lịch quốc tế sẽ còn tăng cao", ông Vũ nhận định.
Hãng máy bay than khó
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo phụ trách lĩnh vực thương mại của hãng bay có quy mô lớn tại Việt Nam cho biết việc nới trần giá chặng bay nội địa giúp hãng bay điều chỉnh mức giá linh hoạt, phù hợp với các chi phí đầu vào để tăng chất lượng dịch vụ.
Khi nới giá trần, mặt bằng giá vé chưa tăng ngay, hãng bay còn đánh giá nhu cầu của khách hàng. Chẳng hạn dịp lễ 30-4 và hè, giá vé sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo cung cầu.
"Tới thời điểm hiện tại là đầu tháng 3, chưa thể khẳng định vài tháng sau vào mùa du lịch hè giá vé tăng như thế nào. Chắc chắn hãng bay sẽ mở nhiều dải vé, bán từ giá thấp đến cao", vị này nói.
Các hãng Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines... cho biết đang phối hợp chặt chẽ với công ty du lịch và đại lý vé máy bay.
Trong hàng không, có vé xêri đoàn số lượng lớn do công ty du lịch, đại lý đặt cọc số tiền lên đến vài tỉ hoặc đến chục tỉ đồng trong một giai đoạn nhất định. Vé này có điều kiện riêng và giá ưu đãi, thấp hơn vé bán trên website khách hàng mua lẻ.
Hãng cũng đã quán triệt rõ ràng các chính sách trên đến hệ thống đại lý, bảo đảm tình trạng giá vé minh bạch, không bị tình trạng đẩy giá ảo.
Về phía hãng bay, ông Lê Hồng Hà, tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng qua trao đổi với nhiều hãng bay, kế hoạch bay dịp hè đang rốt ráo triển khai.
Tuy nhiên, các hãng bay vẫn có nỗi lo riêng. Do kinh tế khó khăn, các hãng hàng không đã cắt giảm hàng loạt đường bay nội địa không hiệu quả, thu hẹp mạnh đội tàu bay.
Đơn cử, từ 30 chiếc nay Bamboo Airways còn 9 tàu bay, Pacific Airlines từ 11 chiếc còn 3 tàu bay và Vietravel Airlines cũng chỉ có 3 tàu bay.
Trong khi đó, Hãng Pratt Whitney đang triệu hồi khoảng 3.000 động cơ máy bay A320neo để kiểm tra kỹ thuật. Vietnam Airlines có khoảng 12 máy bay, Vietjet 10 máy bay phải tháo động cơ xuống để kiểm tra.
Việc sửa chữa dự kiến mất hơn 200 ngày nên sẽ ảnh hưởng khai thác. Theo Vietnam Airlines, việc này làm năng lực khai thác đội máy bay thân hẹp của hãng giảm đến 20%.
Vẫn chờ mối liên kết du lịch - hàng không
Theo ghi nhận, để chuẩn bị cho chương trình du lịch hè năm nay, hiện các công ty du lịch đã lên kế hoạch đặt seri-booking vé máy bay, phòng và một số dịch vụ cơ bản khác. Thông thường vào mùa cao điểm các dịch vụ này sẽ tính phụ thu, với vé máy bay là áp dụng giá trần, do đó nếu không có sự chuẩn bị từ sớm thì rất khó ổn định giá tour hè nội địa.
Giá vé máy bay thường chiếm khoảng 65 - 70% giá tour du lịch, do đó khi giá vé máy bay biến động, giá tour đã xây dựng trước đó cũng sẽ khó tránh bị ảnh hưởng.
Để tránh phải tăng giá do ảnh hưởng của giá vé trần điều chỉnh, các công ty du lịch, lữ hành cũng cho biết sẽ có chính sách khuyến khích khách hàng đặt vé sớm, giúp họ dễ hoạch định kế hoạch trong đặt seri-booking giá đoàn tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Hữu Y Yên - chủ tịch Công ty Lữ hành Saigontourist, hợp tác giữa các hãng hàng không và công ty du lịch luôn là yêu cầu bức thiết, song thực tế quan hệ đối tác này chưa diễn ra như kỳ vọng.
Trong khi nếu hãng hàng không và công ty du lịch cùng nhau chia sẻ dữ liệu, thông tin hay tham khảo phân tích thị trường của nhau thì có thể lên kế hoạch lịch trình bay hợp lý.
Việc này giúp tối ưu hóa sự hiệu quả của các chuyến bay và tăng cơ hội bán vé, đồng thời đảm bảo rằng khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận các điểm đến mong muốn.
"Các công ty du lịch luôn có kế hoạch bán tour, dịch vụ từng quý và tương đối chính xác, trong khi các hãng hàng không cũng tính được số chuyến bay dự kiến. Nếu hợp tác chia sẻ thì hai bên tối ưu được hiệu suất chuyến bay, từ đó có điều kiện giảm giá vé máy bay, đặc biệt trong mùa cao điểm", ông Y Yên nói.
Nhiều khách chọn đi đường bộ
Bà Trần Thị Bảo Thu, giám đốc tiếp thị và truyền thông Vietluxtour, cho biết không đợi đến giá vé máy bay điều chỉnh thời gian tới mà từ năm ngoái tại hãng lữ hành này, khách du lịch đường bộ đã có xu hướng tăng.
Chỉ riêng nhóm khách MICE (khách kết hợp du lịch và hội họp) trong quý 1-2024 đã có 60% khách chọn du lịch bằng phương tiện ô tô và tàu lửa, đa phần các tuyến từ đầu TP.HCM đến Phan Thiết, Vũng Tàu, Nha Trang, Quy Nhơn, Tuy Hòa... và đầu Hà Nội đến Hạ Long, Sa Pa, Ninh Bình, Sầm Sơn...
Trong đó, đa phần khách chọn các khách sạn, resort có chuẩn dịch vụ từ 3-4 sao, khoảng 30% khách hàng doanh nghiệp chọn nghỉ dưỡng tại các resort 5 sao kết hợp với chương trình hội nghị trực tiếp hay trực tuyến với quy mô toàn quốc hoặc toàn cầu.
"Ngân sách dành cho một tour MICE nội địa của khách trung bình khoảng 6 triệu đồng/khách, nếu chọn phương án đi bằng máy bay sẽ rất khó khả thi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thay vào đó, họ dành nhiều ngân sách cho nơi lưu trú, các bữa ăn hơn", bà Thu nhìn nhận.
Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng du lịch cần một chiến dịch đồng bộ ưu đãi không chỉ giá vé máy bay mà còn nhiều dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan và phương tiện vận chuyển khác... để góp phần tác động tích cực vào giá tour và nhu cầu khách hàng, gia tăng năng lực cạnh tranh của thị trường tour nội địa trên "sân nhà".
Doanh nghiệp du lịch mong hàng không chủ động hợp tác
Chuẩn bị cho dịp cao điểm du lịch hè 2024, nhiều công ty du lịch đã lên kế hoạch "ôm" vé máy bay từ sớm để có giá tốt. Tuy nhiên, phần lớn lượng vé được đặt chủ yếu là vé quốc tế đi các nước Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Lý giải cho điều này, ông Bùi Thanh Tú, giám đốc truyền thông của Best Price, cho hay đối với các tour trong nước du khách thường chủ động đặt vé, cùng với đó việc giá vé máy bay các chặng nội địa cũng ở mức cao khiến giá tour trong nước và một số tour nước ngoài không chênh lệch quá lớn. Điều đó làm các tour nội địa kém hấp dẫn với du khách.
"Ôm vé nội địa khá rủi ro, vì các công ty lữ hành sẽ phải lấy vé theo xêri đã ấn định sẵn ngày giờ khởi hành. Những khách Việt lại ít đi theo giờ ấn định như vậy, mà thường linh hoạt chọn giờ bay phù hợp. Hiện chúng tôi đã đặt vé cho cả tour trong năm 2024, nhưng đa số là vé quốc tế", ông Tú chia sẻ.
Ngày 1-3, Cục Hàng không Việt Nam đã thông tin về việc yêu cầu các hãng bay nội địa "lên lịch" khai thác dịp cao điểm hè năm 2024.
Trong đó, cục cũng yêu cầu hãng bay chủ động làm việc, phối hợp công ty du lịch lữ hành để xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch khai thác đến các địa phương và quốc gia trọng điểm về du lịch nhằm thúc đẩy du lịch.
Đại diện một công ty lữ hành tại Hà Nội mong muốn việc phối hợp giữa các hãng hàng không và công ty du lịch không chỉ dừng lại ở chủ trương. Hiện việc đặt vé máy bay vẫn vận hành theo cơ chế do hãng hàng không phân phối, chứ doanh nghiệp du lịch chưa được chủ động trong lựa chọn đặt các xêri vé theo mong muốn.
"Mặc dù là người trả tiền nhưng chúng tôi vẫn phải đi xin, tức là có vé không cho bọn anh xin vé, xin chỗ chứ không phải cứ bỏ tiền ra là mua được. Tôi mong rằng khi có thể hợp tác với các hãng hàng không thì sẽ tạo ra cú hích giá tốt.
Khách hàng đọc các thông tin như tăng trần giá vé, hay giá vé máy bay tăng cao họ rất sợ các bài quảng cáo "tour du lịch chỉ từ..." vì chẳng hạn quảng cáo là tour 4,5 triệu đồng nhưng khi đặt lại thành 5 triệu.
Tôi rất chờ đợi việc hợp tác có thể đưa ra mức giá ổn định, cố định để phù hợp với ngân sách của khách hàng", người này bày tỏ.
Không có nhận xét nào