Breaking News

Nhà đầu tư Trung Quốc dự kiến đầu tư 3 cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam

Du khách Trung Quốc trước điểm tham quan ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Du khách Trung Quốc trước điểm tham quan ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo thông tin từ Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn, trong ba ngày (27 đến 30-3), phái đoàn cấp cao của Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (China Toursism Group – CTG) và Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (China Duty Free – CDF, thành viên của CTG) đến làm việc tại Việt Nam.

Tìm cách để khách xài tiền khi du lịch Việt Nam

Tập đoàn Du lịch Trung Quốc là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, được quản lý trực tiếp bởi Chính phủ Trung Quốc. Còn Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc là tập đoàn kinh doanh hàng miễn thuế lớn nhất Trung Quốc với doanh thu năm 2023 đạt 9,3 tỉ USD, lợi nhuận ròng đạt 939,4 triệu USD.

Các bên đã làm việc với TP.HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh và tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ với IPP mở ba cửa hàng miễn thuế.

Ngay trong năm 2024, cửa hàng miễn thuế ở Bắc Luân tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) sẽ mở cửa, dự kiến Móng Cái sẽ đón thêm 10 triệu khách Trung Quốc.

Tại Nha Trang (Khánh Hòa), cửa hàng miễn thuế nội đô ở trung tâm thành phố khai trương đầu năm 2025, đón lượng khách quốc tế 12 triệu, trong đó 50% sẽ là khách Trung Quốc.

Tại TP.HCM, cửa hàng miễn thuế nội đô dự kiến cũng sẽ sớm được mở ở trung tâm quận 1.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nhận định sự hợp tác này sẽ mở ra những cơ hội quan trọng cho sự phát triển của ngành du lịch.

Nếu các cơ sở mua sắm miễn thuế tại Việt Nam được đầu tư và vận hành hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch, thu hút ngoại tệ, tạo thêm lao động việc làm, góp phần phát triển ngành công nghiệp du lịch cho Việt Nam.

Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có bước đột phá khi khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng chi tiêu mua sắm - Ảnh: IP

Các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có bước đột phá khi khách Trung Quốc đến Việt Nam, tăng chi tiêu mua sắm – Ảnh: IP

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng đây sẽ là hướng đột phá ở thị trường mua sắm cho du lịch, hàng không. Thị trường du lịch mua sắm là một phân khúc trong ngành du lịch, tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mua sắm cho du khách như đồ trang sức, mỹ phẩm, đồ điện tử, đồ gia dụng…

Theo các doanh nghiệp du lịch, cửa hàng mua sắm miễn thuế nội đô (downtown duty free) là mô hình kinh doanh rất thịnh hành ở những thành phố lớn. Ở Seoul, Hàn Quốc, ngành này đem lại doanh số 16 tỉ USD/năm.

Tại Mỹ, Hong Kong và Nhật Bản, trung tâm bán hàng giảm giá (premium outlet) và công viên giải trí là nơi thu hút không chỉ khách quốc tế mà cả khách nội địa, kích cầu để người tiêu dùng tìm mua những món hàng hiệu cao cấp qua mùa với giá bán giảm hơn 50 – 80%.

Khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài xài 1.000 USD/ngày

Theo báo cáo của Hotels.com, chi phí trung bình của du khách Trung Quốc trong các chuyến du lịch nước ngoài là khoảng 6.707 RMB/ngày (khoảng 1.000 USD, tương đương 23 triệu đồng/ngày), không tính chi phí lưu trú.

Trong đó, phần lớn ngân sách du lịch của du khách Trung Quốc được dành cho mua sắm. Cụ thể, trong suốt chuyến du lịch của họ, du khách Trung Quốc chi tiêu đến 57,76% số tiền cho mua sắm, đặc biệt các sản phẩm cao cấp, vừa cho nhu cầu của bản thân vừa làm quà tặng.

Trước dịch, Trung Quốc là thị trường quốc tế số 1 của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Sau khi Trung Quốc chính thức mở lại du lịch quốc tế từ tháng 1-2023, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam đạt khoảng 1,8 triệu lượt trong năm 2023 trong tổng số 12,6 triệu lượt, đứng thứ 2 trong thị trường khách quốc tế đến Việt Nam.

Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào