Phú Quốc cần cơ chế mới và bao nhiêu khách là vừa?
Ông Huỳnh Quang Hưng - chủ tịch UBND TP Phú Quốc - nhận định 20 năm trước Phú Quốc chỉ là một hòn đảo hoang sơ. Quyết định 178 đã làm tiền đề cho sự thay da đổi thịt, phát triển ngoạn mục đảo ngọc.
Nhưng Phú Quốc phát triển nhanh đã xứng tầm với tiềm năng và lợi thế chưa? Thời gian tới cần cơ chế đột phá gì để đảo ngọc này phát triển vượt bậc hơn và bền vững?
"Mang chiếc áo quá chật"
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, quyết định 178 đã đề ra bốn mục tiêu và đến nay cả bốn mục tiêu này đều đã đạt và vượt.
Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.
Thu ngân sách Phú Quốc tương đương với một vài tỉnh lân cận.
Riêng năm 2023, Phú Quốc thu 7.812 tỉ đồng, đóng góp 51,5% ngân sách tỉnh Kiên Giang.
Năm 2004 chỉ có 55 cơ sở lưu trú thì đến nay Phú Quốc đã có hơn 470 cơ sở lưu trú với hơn 24.880 phòng, trong đó có đến 17 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Nhiều dự án đã đi vào hoạt động có các sản phẩm mang tầm cỡ khu vực và quốc tế như quần thể vui chơi giải trí GrandWorld, khu vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park, Vinwonder, Khu vườn thú bán hoang dã Safari, JW Marriott Phú Quốc, Emerald Bay, Casino Phú Quốc...
Để có được điều này, Phú Quốc đã được đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng.
Nhiều tuyến đường như trục chính nam - bắc đảo, đường vòng quanh đảo được đầu tư quy mô lớn song song với hệ thống cảng hàng không, cảng biển. Từ đó mở ra không gian trung tâm du lịch, đô thị hiện đại và hấp dẫn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Thanh Bình - bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - cho biết đã có rất nhiều kinh nghiệm qua sự phát triển của Phú Quốc trong 20 năm qua.
"Có thể rút ra công thức, đó là tầm nhìn + chủ trương + quy hoạch + hạ tầng khung và cơ chế chính sách đột phá + nhà đầu tư chiến lược + sự đồng thuận của nhân dân + phân cấp, phân quyền" - ông Bình nói.
Dù nhìn thấy sự phát triển nhanh nhưng ông Bình nhìn nhận Phú Quốc vẫn đang tồn tại rất nhiều hạn chế, khó khăn.
Trong đó nổi bật là việc bộ máy quản lý nhà nước của TP Phú Quốc có thời điểm không theo kịp nhu cầu phát triển, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.
"Phú Quốc như đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền, trình độ và năng lực của một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ" - ông Bình nêu.
Ông Bình cũng cho rằng do yếu tố phức tạp về lịch sử nguồn gốc đất đai nên có thời điểm công tác quản lý nhà nước về đất đai ở đảo ngọc chưa theo kịp sự phát triển và chưa đáp ứng yêu cầu quản lý.
Hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ để bảo đảm cho phát triển bền vững, nhất là hạ tầng cấp nước, xử lý nước thải, rác thải... Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng tầm quốc tế.
"Các cơ chế, chính sách được điều chỉnh, sửa đổi theo từng thời kỳ nhưng thiếu chính sách đặc thù để tạo bứt phá và lợi thế cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới" - ông Bình nói.
Hàng loạt kiến nghị đặc thù
Để tháo gỡ các điểm nghẽn, ông Bình kiến nghị đến Thủ tướng đồng ý về chủ trương giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh cập nhật, bổ sung vào báo cáo rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển TP Phú Quốc.
Bên cạnh đó phân cấp cho tỉnh Kiên Giang thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị của TP Phú Quốc.
Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành trung ương phân cấp hoặc ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thẩm định, kiểm tra, thẩm duyệt, nghiệm thu đối với các dự án nhóm A, nhóm B, công trình cấp I, cấp đặc biệt thuộc nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn khác trên địa bàn Phú Quốc.
"Về quản lý đất đai, tỉnh kiến nghị Chính phủ xem xét khi ban hành nghị định quy định về thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thì cần quy định như thế nào là khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp để thống nhất áp dụng khi thu hồi đất.
Khi quy định chi tiết điều 126 Luật Đất đai năm 2024, cho chuyển tiếp đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư trong khu kinh tế trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư theo quy định" - ông Bình nói.
Ngoài ra, đặc biệt đề xuất ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước cho Phú Quốc để đầu tư phát triển hạ tầng về cấp nước, xử lý rác thải, hạ tầng giao thông... với số tiền 42.000 tỉ đồng.
Trong đó có hai dự án đang rất cấp thiết đối với sự phát triển của đảo ngọc là đường ven biển Phú Quốc và đường vành đai ven rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Cho phép TP Phú Quốc được sử dụng nguồn tăng thu hoặc nguồn thu hợp pháp khác để hợp đồng lao động giải quyết một số công việc phát sinh đang ngày càng quá tải so với bộ máy chính quyền hiện nay.
Chấp thuận cho xây dựng đề án thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cho TP Phú Quốc phù hợp yếu tố đặc thù về địa lý, hải đảo của Phú Quốc.
Sớm ban hành nghị định quy định về khu phi thuế quan để làm căn cứ quản lý hoạt động và chính sách áp dụng đối với khu phi thuế quan Phú Quốc.
"Do hiện nay dự án casino trên đảo Phú Quốc đã hết thời gian thí điểm nhưng chưa có hướng dẫn được tiếp tục hay phải tạm dừng cho người Việt Nam vào chơi.
Kiên Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương thực hiện chính thức sau thời gian thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino tại Phú Quốc" - ông Bình kiến nghị.
Cần phân cấp, ủy quyền cho Phú Quốc
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định sau gần 20 năm (2004-2023) thực hiện quyết định 178, Phú Quốc phát triển vượt bậc, mạnh mẽ và trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.
Theo Thủ tướng, đến nay Phú Quốc có nhiều hơn gồm: Phú Quốc hiện có tiềm lực được tăng cường hơn, hạ tầng chiến lược phát triển đồng bộ hơn; vai trò, uy tín và vị thế của Phú Quốc cũng hơn các điểm khác.
Thủ tướng cho rằng thời cơ thuận lợi cho Phú Quốc được nhiều hơn. Song đi kèm với đó, Phú Quốc còn nhiều khó khăn thách thức và chưa phát triển đúng tầm. Phú Quốc đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Tiềm năng Phú Quốc lớn nhưng cơ chế chính sách hạn hẹp, môi trường và nguồn nhân lực còn nhiều thách thức.
"Phú Quốc cần đánh giá và nhận diện đúng với tiềm năng khác biệt, cơ hội cạnh tranh, thời cơ cho sự phát triển. Chúng ta phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, phát triển xanh, sạch đẹp, thành phố thông minh. Phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, tiếp tục chủ động, tạo sự chuyển biến, phát triển bền vững du lịch Phú Quốc", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần đẩy mạnh hoàn thiện về thể chế, cơ chế chính sách phát triển Phú Quốc, phát triển hạ tầng Phú Quốc đồng bộ gồm: hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh phân cấp phân quyền cho Phú Quốc, tăng cường cơ chế kiểm tra kiểm soát chống tham nhũng. Phát huy khai thác truyền thống lịch sử, văn hóa, bản sắc, hào hùng gắn với phát triển dịch vụ du lịch.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội):
Biến Phú Quốc thành đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt
Diện tích Phú Quốc thua Singapore một ít thôi. Singapore có toàn bộ chủ quyền quốc gia, trong khi Phú Quốc chỉ có thẩm quyền đơn vị cấp huyện.
Để Phú Quốc năng động và cán bộ Phú Quốc dám quyết thì phân cấp phân quyền Phú Quốc nhất định phải làm. Tôi đề nghị phân cấp phân quyền cho Phú Quốc theo mô hình bổ trợ.
Tất cả cái gì Phú Quốc làm được thì phân hết cho Phú Quốc, chỉ có cái gì không làm được mới chuyển lên cấp trên.
Lúc đó, chúng ta có thể gọi đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ nên nghiên cứu hình thành Phú Quốc như một đơn vị kinh tế hành chính đặc biệt. Nếu không có điều này, sợ trách nhiệm, tôi nghĩ Phú Quốc bế tắc hết.
TS Phạm Trung Lương (nguyên phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch - Tổng cục Du lịch):
Cần bao nhiêu khách là vừa?
Để Phú Quốc phát triển đúng với vị thế của nó thì chúng ta cần có chính sách đột phá. Đặc biệt, chính sách nguồn nhân lực chưa được thực hiện tới bến, hiện đang thiếu nguồn nhân lực du lịch.
Đến giờ này, Phú Quốc vẫn loay hoay xử lý rác, chôn lấp sơ sài là vấn đề cần đáng suy ngẫm. Ngoài ra, quản lý sức chứa du lịch đến Phú Quốc bao nhiêu là vừa, không ảnh hưởng đến giá trị khác. Phú Quốc chỉ có thể chấp nhận tối đa 12,5 triệu khách/năm.
Bali, Phuket đang đi theo hướng nào?
Có vị trí và lợi thế tương đồng như Phú Quốc, hàng chục năm qua hai "thiên đường du lịch" Phuket (Thái Lan) và Bali (Indonesia) chứng kiến sự phát triển rực rỡ, thu hút lượng khách cực lớn.
Tuy nhiên, sau bước trở mình ngoạn mục đó, cả Phuket và Bali đang từng bước điều chỉnh mục tiêu phát triển. Vậy đâu là bài học cho Phú Quốc?
Có gì ngoài biển xanh, cát vàng?
Với hơn 30 bãi biển trải dài khắp hòn đảo, mỗi năm Phuket có 225 ngày nắng đã giúp hòn đảo này dễ dàng giữ chân hàng triệu du khách.
Tuy nhiên, những năm gần đây du khách đến với Phuket không chỉ để tắm biển, hưởng nắng mà còn để tìm hiểu lịch sử, văn hóa của nơi này.
Nét văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được pha trộn giữa văn hóa địa phương và văn hóa của những người Hoa di cư đã khiến Phuket trở nên lấp lánh, thu hút hơn trong mắt du khách nước ngoài.
Nằm cách Phuket không xa, tỉnh Bali gồm đảo Bali và một vài hòn đảo lân cận cũng là một trong những "thiên đường du lịch". "Trước đây, mọi người đến Bali để tắm biển và đến thị trấn Ubud - trung tâm nghệ thuật, văn hóa chính của Bali - để ngắm cảnh và thưởng thức nghệ thuật.
Thế nhưng, hiện nay mọi người ngày càng quan tâm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tâm linh, thử một số loại thực phẩm đặc trưng, độc đáo ở Bali" - ông Koman Suteja, chủ sở hữu nhà hàng Locavore ở Bali, phân tích.
Giảm phụ thuộc vào du lịch và giữ gìn văn hóa
Chiến lược nâng Phuket lên thành thành phố toàn cầu nằm trong kế hoạch phát triển tỉnh Phuket giai đoạn 2023 - 2027, tập trung vào việc đa dạng hóa nền kinh tế địa phương thay vì chỉ tập trung vào phát triển du lịch như trước đây.
Trước đại dịch COVID-19, Phuket đã đón 14,5 triệu khách du lịch nước ngoài, tạo ra nguồn doanh thu 11,5 tỉ USD và nguồn thu này đứng thứ hai sau thủ đô Bangkok. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào Phuket bởi 97% doanh thu của hòn đảo này phụ thuộc vào du lịch.
Mặc dù ngành du lịch ở Phuket dự kiến phục hồi nhanh chóng và được kỳ vọng có khả năng phục hồi 100% vào năm 2024, nhưng những bài học được rút ra từ thời kỳ đại dịch đã dẫn đến sự thay đổi trong chiến lược phát triển du lịch của Phuket.
Trái với hy vọng giảm phụ thuộc nguồn thu vào du lịch của người dân Phuket, giới chức Bali lại đặt mục tiêu phát triển du lịch bền vững và bảo tồn văn hóa địa phương.
Nổi tiếng là một trong những nơi có nền văn hóa độc đáo nhất thế giới, không ngạc nhiên khi văn hóa luôn là lý do hàng đầu hút khách du lịch đến hòn đảo này.
Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo địa phương lại cho rằng chính du lịch đang trở thành mối đe dọa đối với văn hóa truyền thống của Bali, theo trang Bali Sun.
Giới chức Bali cho biết sự gia tăng về số lượng du khách nước ngoài có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên, các kiến trúc cổ của hòn đảo.
Phát biểu tại hội nghị về những thách thức và giải pháp trong phát triển du lịch Bali trong năm 2024, quyền Thống đốc Bali Sang Made Mahendra Jaya kêu gọi chính quyền hòn đảo và người dân thống nhất cách tiếp cận mới để thúc đẩy du lịch văn hóa bền vững ở Bali.
Nghiên cứu cách làm của đảo Jeju
Báo cáo tổng kết thực hiện quyết định 178 của UBND tỉnh Kiên Giang đã có đưa ra việc nghiên cứu trường hợp đảo Jeju của Hàn Quốc, một hòn đảo có nhiều sự tương đồng với Phú Quốc.
Dân số của đảo Jeju năm 2020 là 604.670 người, với GRDP hơn 12 tỉ USD. Chính sách mới - thành phố quốc tế tự do Jeju (JFIC) - được Hàn Quốc đề ra năm 1988.
Năm 2006, Đạo luật đặc biệt về thành lập tỉnh tự trị đặc biệt Jeju và phát triển thành phố quốc tế tự do ra đời nhằm đảm bảo chính quyền địa phương được trao quyền thực chất và việc triển khai kế hoạch JFIC hiệu quả hơn.
Đưa Jeju trở thành tỉnh tự trị đầu tiên và duy nhất đến nay của Hàn Quốc, với mục tiêu biến Jeju trở thành "thành phố quốc tế tự do" để cạnh tranh với Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore.
Theo đạo luật đặc biệt này, chính quyền tỉnh Jeju được trao quyền tự quyết ở mức cao trong hầu hết mọi lĩnh vực, trừ ngoại giao, quốc phòng và tư pháp.
Không có nhận xét nào