4 ngôi đền bí ẩn trong các khu rừng rậm ở Campuchia
Nhắc đến Campuchia, có lẽ du khách sẽ nghĩ đến ngay đền Angkor Wat. Nhưng nếu bạn không muốn phải chen chúc trong đám đông, hãy thử trải nghiệm những ngôi đền bí ẩn khác trong đó có cả ngôi đền lâu đời hơn cả Angkor Wat.
Nhà khảo cổ học Sarah Klassen cho biết gần 1,4 triệu người có kế hoạch đến thăm quan khu phức hợp đền Angkor Wat 900 năm tuổi của Campuchia nhưng cách đó hơn 100km về phía đông bắc mới là địa điểm từng được coi là “trung tâm của thế giới Angkor”.
Dưới đây là bốn địa điểm được xây dựng bởi Đế quốc Khmer thịnh vượng trong thời kỳ hoàng kim từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 15, nằm ẩn sau trong rừng và ít được biết đến.
Khu di tích Sambor Prei Kuk được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2017
Koh Ker
Koh Ker, nơi có kim tự tháp lớn nhất Campuchia, là di sản mới nhất của đất nước này được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO và là một trong nhiều kỳ quan khảo cổ có ý nghĩa lịch sử của quốc gia nhưng ít được du khách chú ý.
Koh Ker, quần thể đền thờ Campuchia được UNESCO công nhận vào năm 2023, bao gồm kim tự tháp bảy tầng Prasat Prang. Với độ cao 35 mét, đây là kim tự tháp cao nhất cả nước.
Koh Ker hay Chok Gargyar là một quần thể đền thờ có từ thế kỷ X và là cố đô của Đế quốc Khmer xưa, nằm trên địa bàn tỉnh Preah Vihear thuộc miền Bắc Campuchia hiện nay. Quần thể ngôi đền nằm giữa khu rừng rậm rạp có tổng cộng 169 di tích khảo cổ, bao gồm 76 ngôi đền, cùng các công trình dân dụng, ao hồ, đê và đường cổ, nằm ở trung tâm giữa 3 di sản văn hóa thế giới khác của Campuchia là Preah Vihear, Angkor Wat và Sambor Prei Kuk.
Tại đây có một kiến trúc kim tự tháp bảy tầng độc đáo được đặt tên là Prang, ẩn mình trong khu rừng rậm vẫn sừng sững tồn tại cùng một cách kiêu hãnh. Ông Klassen chia sẻ, Koh Ker được lựa chọn làm thủ đô chỉ trong 16 năm và việc chuyển giao quyền lực trở lại Angkor là một trong những bí ẩn mà các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu.
Được xây dựng bởi Vua Jayavarman IV, tòa tháp Shiva thế kỷ thứ 10 nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc linga phong phú. Do nằm gần các mỏ đá, mọi thứ ở Koh Ker – tòa tháp cao khoảng 35 mét, dầm và tượng – đều tinh xảo hơn ở Angkor. Ngoài ra, du khách có thể kết hợp tham quan ngôi đền cổ Beng Mealea gần đó với lối kiến trúc tương tự với đền Angkor Wat.
Sambor Prei Kuk
Quần thể đền Sambor Prei Kuk có hơn 180 ngôi đền xây bằng gạch nằm rải rác trong khu rừng rậm rạp ở phía đông Campuchia. Nơi đây thể hiện sự giao lưu quan trọng về các giá trị kiến trúc và văn hóa giữa các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á và các quốc gia lân cận, được phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 6 và đầu thế kỷ 7.
Sambor Prei Kuk, một địa điểm được UNESCO công nhận, có hơn 180 ngôi đền bằng gạch riêng biệt thờ thần Shiva của đạo Hindu. Những ngôi đền này được xây dựng trước cả đền Angkor, đại diện cho những tòa tháp gạch cao nhất và rộng nhất trong cả nước.
Quần thể Sambor Prei Kuk được chia thành 3 nhóm chính. Mỗi nhóm có một khu vực với mặt bằng hình vuông, được giới hạn bởi bức tường gạch, giữa là một đền thờ với nhiều đền tháp nhỏ bao quanh. Sambor Prei Kuk được xem là kinh đô đầu tiên của vương triều Chân Lạp thời kỳ “tiền Angkor”, thủ đô của đế chế Chenla cổ từ năm 550 – 598 với tên gọi Ishanapura.
Nơi đây đã từng là một nền văn minh cổ đại phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 6 và thế kỷ 7 với hơn 20.000 hộ dân sinh sống trước khi đế chế Khmer ra đời. Nếu như các bạn vẫn còn ngơ ngác thắc mắc tại sao chỉ với bàn tay con người, dân tộc Khmer đã xây nên Angkor hùng vĩ và tinh xảo đến thế thì bạn sẽ càng kinh ngạc hơn khi biết rằng quần thể đền Sambor Prei Kuk đã được xây dựng trước cả Angkor.
Preah Vihear
Đứng trên một vách đá cao 600 mét trên dãy núi Dângrêk, gần biên giới với Thái Lan, ngôi đền Shiva được xây dựng từ thế kỷ 10-12 này là một điểm hành hương hoàng gia. Theo lời nhà khảo cổ học Brotherson: “Chính vị trí địa lý đã làm nó trở nên hoàn toàn khác biệt”.
Được xây dựng bởi nhiều vị vua Khmer khác nhau trong thế kỷ 10 đến thế kỷ 12, Preah Vihear nổi bật bởi năm gian nhà được dựng dọc theo con bộ hành dài gần 1km
Tại đó, có một con đường bộ hành kết nối năm tòa đình “hoàn toàn được xây bằng đá cát, được lấy từ các mỏ đá trên núi”. Du khách có thể thuê một chiếc xe máy hoặc xe bán tải để di chuyển trong 6 km từ trung tâm bán vé đến ngôi đền.
Banteay Chhmar
Được xây dựng bởi Vua Jayavarman VII, ngôi đền chính trong khu di tích thế kỷ 12 này là một trong những ngôi đền rộng lớn nhất của Campuchia. Nó có đủ các yếu tố của các ngôi đền Phật giáo nổi tiếng khác như các tòa tháp mặt người ở Bayon và những bức tranh chạm khắc câu chuyện, những gốc cây hoang dã tại Ta Prohm, những hàng rào phức tạp tại Preah Khan, và một hình tượng Quán Thế Âm bồ tát với 32 cánh tay được chạm khắc phức tạp trang trí tường phía tây.
Kể từ vụ cướp Banteay Chhmar năm 1998 – một trong những vụ trộm cổ vật khét tiếng nhất trong lịch sử Campuchia – đến nay, ngôi đền chính phần lớn vẫn chưa được tu sửa lại.
Nằm ở phía tây Campuchia, Banteay Chhmar là một trong những quần thể đền chùa lớn nhất ở Campuchia.
Ông Brotherson nói rằng vị trí chiến lược ở phía tây Campuchia là “để thể hiện quyền lực hoàng gia” đối với các đối thủ. “Phần lớn ngôi đền này vẫn chưa được tu sửa”. Do đó, “Bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị trong rừng sâu như trong bộ phim ‘Tomb Raider’”.
Một số công ty như nhóm Du lịch Cộng đồng Banteay Chhmar có cung cấp các chuyến tham quan (nằm ngoài tuyến du lịch thông thường) đến các ngôi đền ẩn mình trong các khu rừng rậm.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào