Bắc Kạn đánh thức “nàng tiên” hồ Ba Bể: Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Bài cuối)
Hồ Ba Bể và những hạn chế
Một hồ Ba Bể xanh trong, diệu vợi đang dần thức tỉnh. Sau lãng đãng sương mờ trên đỉnh núi, sau những khói nước mênh mông là vẻ đẹp vô cùng lộng lẫy của “nàng tiên” mang tên hồ Ba Bể. Vẻ đẹp hoang sơ ấy có sức hút đến lạ kỳ. Có thể nói, tỉnh Bắc Kạn đang sở hữu một viên ngọc quý không đâu có được.
Trở lại câu chuyện đánh thức “nàng tiên” hồ Ba Bể. Sau những lần trò chuyện cùng các du khách, người trong cuộc, các chuyên gia đầu ngành về những trải nghiệm đối với du lịch hồ Ba Bể, chúng tôi nhận thấy vấn đề đang thiếu và yếu, được nhắc đến nhiều hơn cả của du lịch Bắc Kạn. Đó là nguồn nhân lực, dịch vụ và hạ tầng du lịch.
Trao đổi với PV Dân Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng đã có những chia sẻ rất thẳng thắn, cởi mở về ngành du lịch tỉnh Bắc Kạn nói chung và du lịch hồ Ba Bể nói riêng.
Ông Phạm Duy Hưng cho biết, Bắc Kạn là tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Chính bởi đó mà văn hóa rất đa dạng, phong phú và bản sắc; tỷ lệ che phủ rừng rất cao. Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng là địa phương có nhiều di tích lịch sử thời kỳ Kháng chiến chống Pháp xâm lược – đó là những nguồn lực lớn để phát triển du lịch.
Theo ông Hưng, danh thắng hồ Ba Bể nằm trọn trong Vườn Quốc gia Ba Bể, do vậy được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Nhờ đó mà hồ Ba Bể vẫn giữ được vẻ nguyên sơ của nó. Đây là sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước.
“Với những tiềm năng đã kể trên, chúng tôi coi phát triển du lịch của tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm, hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bắc Kạn. Chính vì vậy, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch như hệ thống đường giao thông, thu hút các nhà đầu tư để đầu tư cho hạ tầng du lịch. Đồng thời, phát huy bản sắc dân tộc để phát triển du lịch cộng đồng, làm đa dạng và phong phú thêm sản phẩm du lịch cho địa phương” – Phó Chủ UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết thêm.
Ông Hưng thẳng thắn nhìn nhận: “Với du lịch Bắc Kạn, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Để cải thiện hạn chế này, tỉnh đã chỉ đạo ngành Văn hóa cũng như các địa phương tập trung mở các lớp đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, sẽ tạo nên một lực lượng làm trong ngành du lịch, đủ số lượng và đảm bảo chất lượng phục vụ du khách trong tương lai”.
Ngoài ra, với lợi thế về tỷ lệ che phủ rừng, Bắc Kạn có những khu rừng nguyên sinh, Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn loài sinh vật cảnh, rất đa dạng và phong phú. Tỉnh Bắc Kạn đã có chủ trương sản xuất nông, lâm nghiệp dưới tán rừng. Song song với đó phát triển du lịch trải nghiệm trong rừng và phát triển thêm những sản phẩm du lịch khác của tỉnh.
Có “cẩm nang”, khó khăn sẽ được tháo gỡ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, Bắc Kạn hiện nay phát triển kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên khoáng sản khá dồi dào, phong phú. Và du lịch Bắc Kạn cũng được coi là ngành kinh tế chính, mũi nhọn của tỉnh. Chính bởi đó, trong tương lai, ngành du lịch sẽ là ngành chiếm tỷ trọng kinh tế cao hơn các ngành khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Với những tâm tư của người làm du lịch, các cư dân sinh sống khu vực vùng hồ cũng như của các nhà đầu tư khi đến với du lịch hồ Ba Bể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, chỉ cần có một cuốn “cẩm nang” là Đề án quy hoạch chi tiết phát triển du lịch hồ Ba Bể là có thể giải quyết được.
Ông Phạm Duy Hưng thông tin, tỉnh Bắc Kạn đã giao cho đơn vị tư vấn xây dựng Đề án “Quy hoạch chi tiết phát triển du lịch hồ Ba Bể” và hiện nay đã xong đề án. Về tiến độ, Đề án đã xin ý kiến của cộng đồng, cơ quan liên quan, các chuyên gia và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội đồng nghiệm thu cấp Quốc gia.
“Sau Hội đồng cấp Quốc gia, có những ý kiến tham gia góp ý. Chúng tôi đã giao lại cho đơn vị tư vấn tiếp thu theo các góp ý của Hội đồng tư vấn Quốc gia. Đến nay, đề án đã được tiếp thu, chỉnh sửa xong và có văn bản gửi lại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” – ông Hưng nói.
Về sự quan trọng của đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, Đề án “Quy hoạch chi tiết phát triển du lịch hồ Ba Bể” như một cẩm nang quan trọng để phát triển du lịch. Trước đây, nhiều nhà đầu tư đến với Ba Bể nhưng không có quy hoạch, nên các nhà đầu tư không dám làm. Khi có quy hoạch, các nhà đầu tư sẽ tính toán việc đầu tư cũng như phát triển các sản phẩm du lịch tại quần thể du lịch hồ Ba Bể.
“Quy hoạch này quy định đầy đủ, chi tiết các nội dung mà người dân và các nhà đầu tư còn băn khoăn. Đề án quy hoạch rất chi tiết, khu vực nào làm dịch vụ, khu vực nào nhà ở, đất kinh doanh, khu vực nào là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt… Căn cứ theo quy hoạch, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mở rộng cơ sở dịch vụ sẽ không còn khó khăn như hiện nay” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào