Khách Tây ám ảnh vì bị “đoàn quân” trẻ em ở Sa Pa đeo bám để bán hàng
Zak Cadogan, du khách người Mỹ đang sinh sống ở Bangkok (Thái Lan) vừa có chuyến du lịch dài ngày đến Việt Nam. Anh khám phá nhiều địa điểm nổi tiếng như: Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) và Sa Pa (Lào Cai).
Trong các clip chia sẻ hành trình của mình, Zak Cadogan liên tục bày tỏ sự thích thú với phong cảnh và khí hậu ở Việt Nam, tuy nhiên, một “hạt sạn” khiến mọi cảm xúc của anh bị phá vỡ, thậm chí còn muốn “ngay lập tức trở về Thái Lan”.
“Ở một vài thành phố của Việt Nam, tôi có cảm giác những người bán hàng ra đường và phải làm mọi cách để có thể bán cho du khách, và những món hàng đó thực sự không có chất lượng tốt”, Zak Cadogan nói.
Nam du khách cho biết, khi đến Sa Pa (Lào Cai) có 2-3 cô gái bán hàng đã theo chân anh liên tục suốt vài phút. Họ chìa ra những món đồ lưu niệm và mời chào anh. Zak liên tục trả lời “Không, cảm ơn” và bày tỏ sự không hứng thú với việc mua đồ, tuy nhiên, những người này vẫn không để anh yên.
Ngày thứ 2 ở Sa Pa, Zak gặp phải tình huống tương tự, những đứa trẻ bán hàng rong tiếp tục vây quanh anh.
“Tôi gần như phải trốn chạy khỏi những người bán hàng rong tại đây, tôi thậm chí không đùa giỡn hay hỏi thăm mà chỉ cố gắng đi thật nhanh”, nam du khách kể lại.
Theo Zak Cadogan, đây là một trải nghiệm thực sự kỳ lạ, bởi vì rõ ràng bạn đã liên tục trả lời “Không, không, không” nhưng những người bán hàng vẫn bám theo và đưa vào tay bạn những món đồ mà bạn không có nhu cầu mua.
Chính những người bán hàng rong như vậy khiến việc đi bộ trên đường phố Sa Pa trở nên căng thẳng, trong khi vỉa hè bị lấn chiếm và cứ mỗi đoạn đường, nam du khách lại gặp phải một “đoàn quân” trẻ em.
“Tôi quan sát thấy đa số những du khách nước ngoài đều im lặng và lướt qua họ, tôi không muốn phớt lờ những người bán hàng như vậy tuy nhiên nếu tôi trả lời thì họ sẽ đeo bám, tôi lại bị quấy rầy”, nam du khách chia sẻ.
Chàng khách Tây cũng cho biết, ở Thái Lan, không có chuyện buôn bán chèo kéo như thế này xảy ra. Người dân cũng chào mời khách mua đồ, đi taxi nhưng không quấy rầy hoặc gây áp lực cho du khách.
Du khách này cho rằng, Việt Nam với lợi thế cảnh đẹp, thiên nhiên hoang sơ, người dân thân thiện, nếu ngành du lịch giải quyết được các “hạt sạn” làm phiền du khách như trên thì rất tuyệt vời. Điều này sẽ khiến cho khách du lịch trở lại nhiều lần hơn, trải nghiệm ấn tượng hơn.
Câu chuyện của Zak Cadogan được nhiều du khách Tây đã đến Việt Nam đồng tình, thậm chí cả khách Việt cũng gặp phải những trải nghiệm tương tự.
Từ tháng 8/2021, UBND thị xã Sa Pa đã triển khai đồng loạt các biện pháp như tổ chức hội thảo tại các địa phương, các cán bộ phường, xã trực tiếp đến tuyên truyền vận động từng hộ gia đình chấp hành, phát clip trên mạng xã hội và phát tờ rơi viết chữ song ngữ Anh – Việt, và phát loa thông báo… để giải quyết dứt điểm tình trạng lợi dụng trẻ em để bán hàng.
Khu vực thị xã luôn có một chiếc xe của Đội Kiểm tra trật tự đô thị, UBND phường Sa Pa, một cán bộ cầm micro đọc lời kêu gọi du khách không cho tiền cũng như mua hàng rong của trẻ em nhằm bảo vệ các em này.
Tuy nhiên, vấn đề hàng rong chèo kéo vẫn còn tiếp diễn, mang đến những phiền toái cho du khách.
Trước đó, giữa tháng 3, một đoạn clip ghi lại hình ảnh người phụ nữ bán hàng rong bằng xe đạp ở đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) mời hai du khách nước ngoài ăn thử táo sau đó bán cho họ túi táo nhỏ giá 200.000 đồng.
Điều đáng nói, hai du khách không đồng ý với giá này, liên tục từ chối và đòi lại tiền nhưng người bán nhất quyết không trả. Hai bên giằng co một lúc sau đó có thanh niên làm bảo vệ gần đó tiến lại, anh cho rằng số táo quá ít so với số tiền và cần thiết phải trả lại tiền cho khách.
Sự việc trên gây bức xúc trong cộng đồng, sau đó UBND Phường Bưởi vào cuộc, xử phạt hành chính người bán hàng rong 150.000 đồng.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào