Breaking News

Thái Lan dẫn đầu sáng kiến 'visa chung' ở Đông Nam Á

Hai du khách nước ngoài đi bộ bên bờ hồ Hoàn Kiếm ở thủ đô Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Hai du khách nước ngoài đi bộ bên bờ hồ Hoàn Kiếm ở thủ đô Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đang thúc đẩy các nỗ lực để hiện thực hóa sáng kiến này.

Ý tưởng visa chung là một trong các sáng kiến nhằm tăng doanh thu và hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tới năm 2027 thu hút được 80 triệu du khách và cũng đã triển khai các bước như miễn thị thực và lên kế hoạch tổ chức sự kiện nhằm phát triển du lịch.

Tăng kết nối, hợp tác khu vực

Sáng kiến visa chung hướng tới mục tiêu thu hút khách nước ngoài chi tiêu cao đến với khu vực. Các nước đang thảo luận cùng Thái Lan về chương trình này gồm có Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Việt Nam, chủ trương là tạo thuận lợi cho du khách đi lại giữa sáu quốc gia.

Trong năm 2023, sáu nước này đã đón tổng cộng khoảng 70 triệu khách nước ngoài. Trong đó Thái Lan và Malaysia chiếm hơn một nửa lượng khách này và thu về khoảng 48 tỉ USD doanh thu từ du lịch.

Nghiên cứu cho thấy việc ủng hộ sáng kiến visa chung với các nước láng giềng ở Đông Nam Á - tương tự như khối Schengen tại châu Âu - cũng phù hợp với mục tiêu của Việt Nam trong việc thu hút các du khách thuộc nhóm này.

Các nghiên cứu chỉ ra những nhóm khách chi tiêu nhiều mà sáng kiến nhắm tới cũng giống các nhóm đã tới Thái Lan, Malaysia và nhiều nước Đông Nam Á khác.

Những khách này thường tìm kiếm các trải nghiệm văn hóa đa dạng, những điểm đến tự nhiên và cơ hội du lịch độc đáo, vốn cũng là những điều rất phổ biến ở Việt Nam.

Thêm nữa, dữ liệu từ các tổ chức nghiên cứu du lịch cho thấy các khách đã tới Thái Lan, Malaysia và những nước khác trong khu vực cũng sẽ thường tham gia các tour nhiều điểm đến, khám phá nhiều địa danh ở Đông Nam Á trong cùng một hành trình.

Do đó, nếu tham gia sáng kiến visa chung, Việt Nam có thể trở thành một phần liên tục trong lịch trình khám phá của những du khách đó, giúp họ có được sự thuận lợi trong đi lại xuyên biên giới mà không bị rườm rà với thủ tục nhiều lần xin visa.

Ngoài ra, visa chung cũng sẽ giúp tăng thêm sức hấp dẫn tổng thể của Đông Nam Á như một điểm đến du lịch thông qua việc thúc đẩy hợp tác và kết nối khu vực.

Các du khách muốn khám phá sự phong phú về văn hóa, các di sản lịch sử và vẻ đẹp tự nhiên của khu vực chắc hẳn sẽ muốn chọn Đông Nam Á như một điểm đến yêu thích nếu họ có thể linh hoạt di chuyển giữa các nước chỉ với một visa.

Một báo cáo từ Ngân hàng Phát triển châu Á (2021) về phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thấu hiểu hành vi cũng như sở thích của du khách để hỗ trợ ngành du lịch trong khu vực.

Nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết phải có các nỗ lực phối hợp để thu hút du khách nước ngoài, góp phần vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Nhiều thách thức

Việt Nam cũng đang triển khai nhiều chính sách và các chiến dịch hành động chiến lược khác nhau để hỗ trợ du lịch với mục tiêu phục hồi hoàn toàn ngành này trong năm nay.

Những nỗ lực đó cũng tương đồng với mục tiêu của Việt Nam trong việc ưu tiên quan hệ với những thị trường chủ chốt và tái định hình ngành du lịch theo hướng bền vững và dẻo dai hơn trong thời kỳ hậu đại dịch.

Cho tới nay những chính sách đó nhìn chung đã thành công khi Việt Nam đón được 4,6 triệu du khách quốc tế trong quý đầu năm nay, tăng 72% theo năm. Việt Nam dự kiến sẽ vượt qua mục tiêu đã đặt ra là đón 18 triệu khách quốc tế trong năm 2024.

Bằng cách bắt kịp các xu hướng du lịch và những lựa chọn ưa thích của nhóm du khách mục tiêu, Việt Nam có thể tận dụng lợi thế của visa chung để thu hút thêm nhóm khách chi tiêu nhiều, nâng cao doanh thu và củng cố vị thế như một thành viên chủ chốt trong thị trường du lịch Đông Nam Á.

Việc triển khai một chương trình visa chung cũng sẽ đối mặt với những thách thức nhất định do sự khác biệt về chính sách di cư giữa các nước.

Thành công của sáng kiến sẽ phụ thuộc vào sự phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó có Việt Nam, và sự phù hợp của các chính sách di cư. Mặc dù đây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không phải là không thể, và sẽ đem lại những lợi ích kinh tế lớn.

Nỗ lực của Việt Nam

Một giải pháp để tiến tới hiện thực hóa sáng kiến visa chung là thông qua một quá trình lặp lại với các thỏa thuận song phương, một điều mà Việt Nam đã làm được rất tốt.

Hiện tại Việt Nam đã chủ động miễn thị thực cho du khách là công dân đến từ Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus. Họ có thể ở lại Việt Nam trong 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh bất kể dùng loại hộ chiếu nào và mục đích chuyến đi.

Việt Nam cũng đang nghiên cứu một chương trình thí điểm cho phép miễn thị thực từ 6-12 tháng cho các du khách thuộc nhóm chi tiêu cao.

Việt Nam cũng đang đàm phán với 15 nước để cùng miễn thị thực cho nhau, và với 80 nước về miễn thị thực cho những người mang hộ chiếu ngoại giao hay công vụ.

Việc miễn thị thực cho tất cả các nước trong EU sẽ là một bước đi đúng hướng trong việc tạo ra một không gian du lịch kiểu như khối Schengen tại Đông Nam Á mà Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ đó.

TS NUNO F. RIBEIRO
(giảng viên cấp cao ngành quản trị du lịch và khách sạn, ĐH RMIT)

Không có nhận xét nào