Vé máy bay cao chưa từng có, khách Việt than thở “không muốn đi du lịch”
Ngày 2/4, phóng viên Dân trí thực hiện khảo sát trên trang web của các hãng bay; ứng dụng bán vé máy bay online về tình hình giá vé trong các đợt du lịch cao điểm.
Lấy điểm xuất phát là Hà Nội và TPHCM đến các địa điểm du lịch lớn trên cả nước như: Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Yên…, khoảng thời gian 27-30/4 và một ngày ngẫu nhiên trong tuần, thuộc tháng 5, tháng 6.
Khảo sát cho thấy, mức giá trung bình của các chuyến bay nội địa đang ở ngưỡng cao “chưa từng có”, dao động 4,5-10 triệu đồng một cặp vé khứ hồi.
Mức giá này chỉ tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, điều đáng nói, ở thời điểm này khách Việt gần như không còn khả năng để “săn” được vé máy bay giá rẻ (từ 1 đến 3 triệu đồng/cặp vé). Kể cả bay giờ xấu, bay trong tuần hay đặt vé trước vài tháng… giá luôn ở ngưỡng trung bình cao.
“Hai năm trước nếu được giới thiệu một cặp vé bay Phú Quốc giá 3,5 triệu đồng/khứ hồi tôi vẫn chê đắt. Mùa hè năm 2022, tôi đi du lịch Phú Quốc 2 lần/tháng vì săn được vé chỉ khoảng 2,5-2,8 triệu đồng/khứ hồi. Thời điểm hiện tại, bay một chiều đi cũng không có giá đó”, anh Trung Anh (28 tuổi, Hà Nội), một du khách chia sẻ.
Cụ thể, chặng Hà Nội/TPHCM – Phú Quốc, vé rẻ nhất khoảng 5,6 triệu đồng/khứ hồi, giờ bay xấu (22h-2h). Nếu bay giờ đẹp, đi sớm về muộn, du khách phải chi trả từ 7-8 triệu đồng/cặp vé hạng phổ thông.
Chặng Hà Nội – Nha Trang có giá 5,5 triệu đồng/khứ hồi, cao hơn 2 triệu đồng so với cùng kỳ tháng trước và 1,5 triệu đồng so với một tuần sau cao điểm, giờ đẹp giá khoảng 7,6 triệu đồng.
Chặng đi Đà Nẵng và Đà Lạt, hai điểm đến trước đây khách Việt thường xuyên săn được vé rẻ, khoảng 1-2 triệu đồng/khứ hồi, thì thời điểm hiện tại đã tăng vọt lên trung bình 4,5-6,5 triệu đồng/khứ hồi, hạng phổ thông.
Nghịch lý ở chỗ, chặng Hà Nội – TPHCM, giá vé dao động 3,8-5 triệu đồng/khứ hồi. Trong khi đó, giá tour đến hai địa điểm này chỉ dao động khoảng 3,5-4 triệu đồng/người.
“Nếu tổng chi phí tour, gồm cả vé máy bay vào khoảng 7-10 triệu đồng/người thì du khách sẽ chọn đi Thái Lan, Singapore nhiều hơn. Nhiều công ty du lịch không dám “ôm” nhiều vé máy bay như trước vì sợ giá biến động”, ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel nói.
Phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp để ngành du lịch tạo đột phá”, ngày 13/3, ông Huy cho biết, chi phí vé máy bay nội địa đang quá cao, dẫn đến việc du khách thường so sánh với các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á và có xu hướng chọn ra nước ngoài du lịch nhiều hơn đi trong nước.
Giữa lúc Việt Nam thu hút khách quốc tế thì khách Việt Nam lại đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. Đây là trở ngại trong liên kết phát triển các tour dài ngày trong nội địa.
Trong bối cảnh tăng trần giá vé máy bay, nhiều dự báo cho rằng những điểm du lịch có thể di chuyển bằng đường bộ và du lịch tự túc sẽ được ưa chuộng.
Đồng thời, khi các tuyến cao tốc giúp việc di chuyển bằng đường bộ thuận lợi hơn, các doanh nghiệp lữ hành cũng phải xoay xở để ứng phó. Một số đơn vị chuyển sang cung cấp sản phẩm dịch vụ tự chọn tại điểm đến, không chỉ đặt phòng khách sạn mà còn đặt vé tham quan, khu vui chơi…
Theo Thông tư 34/2023 của Bộ Giao thông Vận tải, từ 1/3, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000-250.000 đồng/vé/chiều.
Cụ thể, đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Với đường bay có khoảng cách 850 km đến dưới 1.000 km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều.
Đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280km trở lên sẽ có giá trần 4 triệu đồng/vé/chiều.
Mức tăng này chỉ đủ để các hãng hàng không bù đắp phần nào chi phí trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào