Cầu đi bộ Trần Nhật Duật hóa thủy cung rực rỡ, nối trong phố ngoài đê Hà Nội
Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn chia sẻ với Tuổi Trẻ Online nhân khánh thành dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, diễn ra tối 3-5 tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, Hà Nội.
Sự kiện do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức. Theo đó, cây cầu này sẽ kết nối khu phố cổ và khu vực Phúc Tân của cửa khẩu Thanh Yên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Cầu đi bộ Trần Nhật Duật xóa nhòa biên giới
Ông Nguyễn Thế Sơn cho biết khi lên ý tưởng về một cây cầu nghệ thuật, nhóm nghệ sĩ (Nguyễn Thế Sơn, Vũ Xuân Đông, Lê Đăng Ninh, Cấn Văn Ân) muốn thiết kế nó như một tour nghệ thuật để kết nối lõi phố cổ (22 Hàng Buồm - nơi diễn ra nhiều cuộc triển lãm, festival nghệ thuật quan trọng của thủ đô) với một thế giới khác, ở bên kia thành phố.
Bên kia là gì? Đó vốn là những xóm nghèo, chủ yếu là người lao động, đời sống còn nhiều khó khăn, an ninh trật tự còn lộn xộn, ngập ngụa rác thải.
Lâu nay, con đường Trần Nhật Duật được xem là biên giới chia Hà Nội thành hai khu khác biệt: trong phố và ngoài đê.
"Dự án cầu đi bộ Trần Nhật Duật này giống như một mảnh ghép, nối liền hai khu vực đó của Hà Nội", ông Sơn nói.
Đồng thời, từ cây cầu nghệ thuật Trần Nhật Duật, đi thêm một số bước chân, qua cửa khẩu Thanh Yên, công chúng sẽ bước sang khu Phúc Tân.
Ở đó có dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (đi vào hoạt động bốn năm trước) và dự án công viên rừng Phúc Tân do nhóm Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong thành phố) khởi xướng và đi vào hoạt động đầu năm nay.
Ông Sơn nói đó là "một sự cộng hưởng từ một dự án sinh thái, một dự án cộng đồng và nghệ thuật, làm nên giá trị riêng cho Hà Nội, kết hợp hai không gian sinh thái văn hóa - xã hội trong và ngoài đê".
Theo ông, cây cầu hoàn toàn có thể trở thành một gạch nối góp phần hiện thực hóa ý tưởng về một tour nghệ thuật khai thác các câu chuyện trong phố ngoài đê.
Mỗi ngày đi học là một ngày vui
Làm sao để dự án nghệ thuật này gần gũi hơn với người dân?
Đại diện nhóm nghệ sĩ chia sẻ họ đã nghiên cứu cấu trúc địa hình cây cầu để tạo ra những tác phẩm mang tính tương tác, gần gũi với người sử dụng.
Ví dụ, họa sĩ Vũ Xuân Đông với tác phẩm Thủy cung, như một đường hầm thủy cung hấp dẫn với đủ loại mô hình sinh vật biển làm từ đồ tái chế.
Lê Đăng Ninh tạo ra Sóng, gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng.
Nghệ sĩ đưa cả hình ảnh vẽ tay in mộc bản tái hiện những người lao động làm đủ các nghề quanh Hà Nội đầu thế kỷ 19 trong tập Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger.
Phía các chân cầu thang là những bức Cá chép vượt vũ môn của Lê Đăng Ninh từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống…
Còn có các tác phẩm 3D tương tác với hình ảnh những con thuyền giấy thân quen với các em nhỏ.
Ông Sơn kể khi đi khảo sát, nhóm thấy tình hình khu vực này khá phức tạp. Buổi tối ánh sáng chưa đủ, mặt cầu khá tối, thiếu an toàn: "Chúng tôi muốn làm ra một cây cầu nghệ thuật.
Trước hết gần gũi với các em học sinh - những người hằng ngày đi học qua cầu, cũng là đối tượng thụ hưởng chính của cây cầu này, tạo ra một con đường đi học vui vẻ, sáng sủa và bớt hiểm nguy".
Trải nghiệm từ dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân cho thấy ở đâu có ánh sáng nghệ thuật tới, có ánh sáng tới thì những điều không hay, những điều tiêu cực dần bớt đi.
Hơn nữa, việc nhiều cư dân nơi khác tới tham quan, đi chơi, trải nghiệm cây cầu rồi đi tour sang "bên kia thành phố" cũng giúp nơi này sạch đẹp hơn, mang đến sinh khí mới mẻ hơn.
Không có nhận xét nào