Giá vé máy bay: Hãng bay chơi chiêu với các khoản phụ thu 'lạ'
Nhiều người đề nghị cần đánh giá lại cơ cấu giá vé, xem xét nghiêm túc để tìm giải pháp hài hòa lợi ích, thúc đẩy việc đi lại hàng không và du lịch.
Có những khoản phụ thu "lạ"
Theo khảo sát, có hãng bay còn "đẻ" ra thêm chi phí khá lạ khi khách thanh toán tiền vé qua online - đó là phí tiện ích giá 54.000 đồng/vé. Phí này sẽ xuất hiện khi khách thanh toán bằng thẻ tín dụng, mỗi chiều bay là 54.000 đồng, mua khứ hồi hơn 100.000 đồng.
Không phải ai cũng biết khoản phí này, như anh T.H. (Hà Nội) giật mình bất ngờ khi được chỉ ra khoản thu lạ, dù anh liên tục mua vé mà không để ý.
"Tôi hay mua vé online vì hãng quảng bá có ưu đãi hay có khuyến mãi hơn. Nhưng nếu trừ tiền như trên thì thực ra khách cơ bản không có lợi" - anh H. nói.
Tuần qua, bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định thuế, phí trong vé máy bay thu "rất ít". Các khoản thuế phí hiện nay hành khách đang trả, trừ VAT, còn lại đều không nằm trong Luật Phí và lệ phí, không nộp về ngân sách nhà nước, mà các khoản đó thuộc về dịch vụ hàng không, thu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Và trong khi chờ đợi các bên cắt giảm chi phí, giảm thuế phí thì người đi máy bay vẫn phải chịu cảnh mua giá vé rất cao.
Đáng nói có những khoản phụ thu khá lạ lẫm được hãng bay ban hành neo mức giá rất cao. Nhiều khoản phụ thu được hãng cài mặc định như phụ thu hệ thống, hành lý, bảo hiểm, phí thanh toán... chiếm chi phí khá lớn trong vé máy bay.
Nhiều người đề nghị cần có một kết luận thanh tra cụ thể các khoản phụ phí này mà cơ quan thanh tra không phải là Cục Hàng không Việt Nam.
Ở mức gần 500.000 đồng/vé là số tiền phụ thu của hãng bay với tên gọi "quản trị hệ thống". Số tiền này đã tăng 20-30% so với ba năm trước.
Khoản phí này, đối chiếu thông tư 53/2019 của Bộ Giao thông vận tải, không nằm trong khoản thu Nhà nước quy định. Trên website hãng lý giải khoản phụ thu này do hãng bay ban hành để duy trì vận hành hệ thống.
Nhưng khách hàng khó chấp nhận. Duy trì website của hãng phải tính vào giá vé, không thể tách riêng. Xây nhà hàng phục vụ khách đến ăn uống, tạo website khách đặt đơn hàng... thì không thể tính "phụ thu quản trị nhà hàng" cho mỗi khách.
Ngoài giá vé, chỉ tính riêng phí hệ thống và phí tiện ích, hãng bay đã thu 504.000 - 534.000 đồng/vé.
Thị trường cần minh bạch
Việc các hãng tổ chức hệ thống bán, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động của hãng hàng không là đương nhiên. Dựa trên cơ sở nào lại thu các loại phụ thu như phí quản trị hệ thống mà không đưa thẳng vào giá vé? Hay đây là cách mập mờ để khách thấy vé rẻ hơn thực tế? Bởi bản chất của chuyện phụ thu này, cũng như giá vé, đều là doanh thu khi bán vé của hãng bay.
Trong bối cảnh yếu tố đầu vào liên tục tăng, doanh nghiệp có thể tăng giá vé máy bay theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, ngành hàng không cần tách bạch và công khai việc tăng các chi phí ngoài giá vé.
CEO của một hãng bay thừa nhận để giải quyết được bài toán cạnh tranh cần phải tăng số lượng máy bay, hãng bay nội địa. Hãng bay tái cấu trúc tất nhiên sẽ tìm kiếm nhà đầu tư, nhưng có nhiều trở ngại khiến việc hồi sinh hãng bay gặp khó. Trong nước ít hãng bay, cạnh tranh ít, không tránh khỏi tình trạng nhìn nhau tăng giá, hành khách và nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng.
Rõ ràng, hiện thị trường hàng không đang có "nút thắt" là thiếu cạnh tranh, thiếu máy bay. Phần lớn các chuyến bay nội địa chỉ của Vietnam Airlines và Vietjet. Trước thời điểm dịch, đã có thời gian thị trường sôi động khi có sự xuất hiện của Bamboo Airways, tạo thế "kiềng ba chân" ba hãng cạnh tranh, hành khách hưởng giá vé phù hợp, dịch vụ tương đối tương xứng. Sau đó là Vietravel Airlines.
Thế nhưng, đến nay thị trường hàng không nội địa đang chứng kiến nhiều hãng bay gặp khó, Bamboo Airways từ 30 máy bay chỉ còn 6-8 máy bay, Pacific Airlines không còn máy bay nào hoạt động, Vietravel Airlines cũng khó khăn.
Nếu nhìn sang Thái Lan, họ đang có cả chục hãng bay và đang có cuộc cạnh tranh về giá vé rẻ, du lịch rẻ ngay trong mùa cao điểm. Có nhiều hãng bay, hàng không và du lịch Thái Lan đã liên kết chặt chẽ, giữ vé máy bay và tour thấp thu hút khách du lịch. Khi có tính cạnh tranh cao, người hưởng lợi chắc chắn là khách hàng.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam:
Hàng không cần tăng ghế, giảm giá vé
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa có phản hồi về Báo cáo chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024 theo phương pháp đánh giá mới do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố.
Theo cục này, đã có một số điều chỉnh trong cách đánh giá của báo cáo, dẫn đến các chỉ số của Việt Nam thay đổi. Trong đó, chỉ số mới "Tác động kinh tế - xã hội của du lịch" của Việt Nam chỉ xếp hạng 115/119 nền kinh tế là khá bất ngờ.
Cục đánh giá kết quả chỉ số này chưa phản ánh thật chính xác, có thể do Diễn đàn Kinh tế thế giới chưa có đầy đủ dữ liệu cập nhật về du lịch Việt Nam.
Tương tự, chỉ số "Mức độ mở cửa du lịch" của Việt Nam xếp hạng 80, trong nhóm trung bình thấp của thế giới. Chỉ số này có 4 chỉ số thành phần, trong đó "Yêu cầu về thị thực nhập cảnh" được đánh giá dựa trên báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới về độ mở thị thực năm 2015 đã lạc hậu, chưa phản ánh được sự cải thiện lớn về chính sách thị thực của Việt Nam vừa qua.
Tuy vậy, cục vẫn đưa ra một số giải pháp để cải thiện. Với một số chỉ số bị tụt hạng nhiều như chỉ số "Hạ tầng hàng không" (giảm 17 bậc), cục kiến nghị ngành hàng không tiếp tục nâng cao năng lực phục vụ vận tải hành khách, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng số lượng ghế cung ứng, mở rộng kết nối mạng bay trong và ngoài nước, giảm giá vé máy bay...
Để cải thiện chỉ số "Sự bền vững về nhu cầu du lịch" (giảm 24 bậc), ngành du lịch cần phát triển thêm tour du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn để khách du lịch quốc tế tăng thời gian lưu trú tại Việt Nam...
Không có nhận xét nào