Vì sao tỷ phú Ấn Độ thích đến Việt Nam du lịch, chi tiền không tiếc tay?
Tỷ phú ngành dược của Ấn Độ sẽ đưa 4.500 nhân viên đến Việt Nam du lịch từ ngày 27/8 đến hết ngày 7/9.
Họ được chia thành các đoàn nhỏ, tham quan hầu hết điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội, sau đó di chuyển đến Ninh Bình và vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).
Đoàn khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhưng chủ yếu là người Ấn Độ, được xếp vào nhóm khách có mức chi tiêu cao, chất lượng cao.
“Đây được xem là đoàn khách với quy mô và số lượng kỷ lục, đặt ra nhiều thách thức đảm bảo khâu điều hành đối với chúng tôi”, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc ban Tiếp thị – Công ty du lịch Vietravel, đơn vị đón tiếp đoàn 4.500 khách Ấn Độ, nói.
4.500 khách Ấn Độ sẽ được đón tiếp thế nào?
Theo bà Vân Khanh, đoàn khách Ấn Độ đã đặt dịch vụ từ trước 2-3 tháng. Các dịch vụ được sắp xếp ở chất lượng 4-5 sao, từ hệ thống lưu trú, nhà hàng đến các điểm tham quan.
Đơn vị lữ hành đã lên kịch bản chi tiết về chuỗi hoạt động để mỗi du khách đều có được những trải nghiệm trọn vẹn trong 5 ngày tham quan, du lịch kết hợp làm việc và nghỉ dưỡng tại Hà Nội, vịnh Hạ Long và Ninh Bình.
Công ty đã lựa chọn đội ngũ hướng dẫn viên sở hữu ngoại ngữ đạt chuẩn, kiến thức về điểm đến sâu rộng, kỹ năng thuyết trình và kể chuyện cùng khả năng xử lý tình huống nhạy bén.
Ngoài ra, chính quyền địa phương tại điểm đến cũng đã có kế hoạch, sẵn sàng đón đoàn khách Ấn Độ “đông nhất từ trước đến nay”.
(Đoàn khách Ấn Độ sẽ tham quan các điểm du lịch nổi tiếng tại Hà Nội, Ninh Bình và vịnh Hạ Long).
Bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết Sở đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị lữ hành về công tác tổ chức tiếp đón đoàn khách Ấn Độ.
Đơn vị cũng đã chuẩn bị kỹ các khâu như thuyết minh về điểm đến bằng tiếng Hindu (ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ), chuẩn bị đồ ăn Ấn Độ.
Theo bà Huyền Anh, thực tế, nhóm khách siêu giàu không thiếu các lựa chọn điểm đến trên toàn thế giới, nhưng những năm gần đây, họ thích đến Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Rất nhiều đám cưới của các tỷ phú Ấn Độ đã diễn ra ở Hạ Long, Phú Quốc, Đà Nẵng…
“Tôi tin rằng Việt Nam sở hữu sức hấp dẫn riêng, đơn cử như khi đến vịnh Hạ Long, họ không chỉ tổ chức đám cưới sang chảnh thông thường mà sẽ là một đám cưới ở trong lòng di sản”, bà cho hay.
Tỉnh Quảng Ninh đã và đang có kế hoạch phát triển nâng cấp dịch vụ cao cấp để phục vụ nhu cầu của nhóm khách này.
“Chúng tôi mong muốn sẽ để lại những ấn tượng không thể quên cho các cặp đôi tỷ phú Ấn Độ”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh khẳng định.
Tại Ninh Bình, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết việc đoàn Ấn Độ lựa chọn Khu du lịch sinh thái Tràng An (thuộc Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới) là một cơ hội lớn để Ninh Bình quảng bá di sản thế giới, quảng bá điểm đến tới thị trường du khách Ấn Độ.
Sở đã phối hợp, trao đổi nhiệm vụ, công việc với các sở, ngành có liên quan và Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất đón tiếp đoàn.
Đơn vị cũng đã lên các phương án cụ thể như phân làn đường, sắp xếp bến, thuyền ưu tiên và nhân sự kiểm soát vé riêng cho đoàn khách tham quan, cử hướng dẫn viên tiếng Anh giới thiệu điểm tham quan, chuẩn bị các băng rôn chào mừng đoàn khách tại Khu du lịch sinh thái Tràng An.
Việt Nam có đầy đủ thế mạnh thu hút khách Ấn Độ
Báo cáo về Xu hướng du lịch toàn cầu năm 2024 do Viện Kinh tế Mastercard công bố, cho thấy người Ấn Độ du lịch ngày càng nhiều, trong đó Việt Nam là điểm đến hàng đầu.
6 tháng đầu năm 2024, Ấn Độ là thị trường gửi khách lớn tại nhiều quốc gia. So với cùng kỳ năm 2019, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam tăng trưởng tới 248%. Trong khi đó, Nhật Bản ghi nhận lượng khách Ấn Độ tăng 53%. Mỹ ghi nhận mức tăng 59% với thị trường này, dù giá đồng USD tăng mạnh.
Bà Vân Khanh cho biết công ty đã bắt đầu các kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới doanh nghiệp, đối tác và du khách Ấn Độ từ năm 2019 – 2022.
Sự kiện đón 4.500 khách lần này đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các sự kiện và hội nghị quốc tế.
“Chúng tôi hi vọng mang đến dịch vụ tốt nhất nhằm góp phần nâng cao mối quan hệ hợp tác và gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia, đồng thời thúc đẩy hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”, bà Khanh nói.
Ngoài du lịch, các tỷ phú Ấn Độ có xu hướng đến Việt Nam tổ chức đám cưới xa hoa. Đám cưới là bữa tiệc đã đi vào từ điển của người Ấn với những nét rất đặc trưng như hoành tráng, toàn bộ số tiền tích góp trong cuộc đời sẽ được tiêu vào đám cưới, thiết đãi bạn bè thể hiện vị trí, vị thế xã hội của chủ nhân cũng như các mối quan hệ của họ.
Giai đoạn trước, người Ấn Độ thường chọn Bangkok (Thái Lan) là điểm đến “vừa tiền” để tổ chức đám cưới. Với những gia đình tầm trung thì đến các nước Trung Đông, nhiều tiền hơn thì sang Ý.
Mỗi đám cưới ấy chi cả chục triệu USD là bình thường, như hôn lễ của Anant Ambani, con trai út tỷ phú giàu nhất châu Á Mukesh Ambani, được tổ chức ở Mumbai, chi phí lên tới hàng trăm triệu USD.
Do đó, nếu hiểu đúng thị trường, việc tổ chức những đám cưới triệu USD của giới siêu giàu sẽ mở ra một hướng đi mới cho du lịch Việt Nam.
Trên thực tế, người Ấn thích đến Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long, Phú Quốc để tổ chức đám cưới và họ sẵn sàng chi hàng tỷ đồng cho dịch vụ này.
Đầu năm 2024, cặp đôi tỷ phú Ấn Độ là cô dâu Kashmira và chú rể Inderdeep đã tổ chức đám cưới suốt 3 ngày tại một resort 5 sao ở Đà Nẵng.
Lễ cưới có gần 500 khách mời, nhân viên phục vụ. Hơn một tấn nguyên vật liệu, trang phục, đạo cụ được cặp đôi chuyển từ Ấn Độ đến Đà Nẵng để chuẩn bị cho lễ cưới. Toàn bộ 258 phòng nghỉ tại resort đã được bao trọn để phục vụ cho các khách mời tham dự lễ cưới.
Theo tiết lộ của khu nghỉ dưỡng, riêng chi phí tổ chức đám cưới trong 3 ngày là 500.000 USD.
Đại diện khu nghỉ dưỡng cho biết đối với thị trường Ấn Độ, để tổ chức đám cưới quy mô lớn, việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ cơ sở vật chất đến dịch vụ tổ chức sự kiện chuyên nghiệp là không thể thiếu.
Đồng thời, sự mới lạ và danh tiếng của điểm đến cũng là tiêu chí rất quan trọng để gia đình cô dâu đưa ra quyết định lựa chọn nơi tổ chức đám cưới.
Bà Phi Khuyên, Trưởng phòng Marketing Tập đoàn Paradise Vietnam, nhận định Việt Nam có nhiều lợi thế để đón đoàn khách tỷ phú Ấn Độ. Đây cũng là một trong 10 thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất của Việt Nam.
Trước đây, dòng khách Ấn Độ được đánh giá là thị trường khá cạnh tranh, vì họ ưu tiên những sản phẩm du lịch có mức giá thành hợp lý.
“Việt Nam có đầy đủ thế mạnh để thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng khách này”, bà Khuyên nói.
Theo đó, Việt Nam được xếp là một trong những điểm đến có giá cả hợp lý, điểm đến an toàn đối với du khách quốc tế. Theo nhiều khảo sát, Việt Nam được du khách châu Á xếp vào những đất nước có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất trong khu vực.
Trước kia, khách Ấn Độ qua Việt Nam phải nối chuyến tại Thái Lan, Malaysia hoặc Sinagpore, kéo dài 8-9 tiếng. Do đó, chỉ riêng việc bay đi và bay về đã tốn của khách Ấn Độ hai ngày, trong khi họ không phải nhóm có xu hướng nghỉ dài, thường 5-6 ngày (chưa tính thời gian di chuyển).
Hai năm gần đây, Việt Nam có đường thẳng với Ấn Độ, cùng lúc đó, người dân Ấn Độ trở lại sau dịch với nhu cầu du lịch lớn, có xu hướng tìm kiếm các trải nghiệm mới lạ.
“Từ sân bay Ấn Độ, du khách chỉ mất khoảng 4-5 giờ cho hành trình đến Việt Nam”, bà Khuyên lý giải
Yêu cầu khắt khe phục vụ đoàn khách Ấn Độ
Theo bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, đoàn 4.500 khách Ấn Độ sắp đến Việt Nam có những yêu cầu đặc biệt. Đơn vị đã lên các phương án sắp xếp hợp lý, thông báo đến đại diện đoàn.
“Đối với các du khách Ấn Độ, vấn đề với món ăn trong đó nhấn mạnh về tính chay – mặn trong quá trình chế biến, kiêng các loại thịt tùy theo tín ngưỡng và tôn giáo, chúng tôi đều linh động để điều chỉnh và sắp xếp”, đại diện công ty du lịch cho hay.
Đồng quan điểm, hướng dẫn viên Vũ ngọc Sơn cho biết khách Ấn Độ thường đưa ra các yêu cầu riêng về thực đơn, đồ ăn thuần chay, giờ ăn thì thường rất muộn và hay đi trễ.
“Đoàn hẹn xuất phát lúc 7h, mọi người đều đã sẵn sàng di chuyển thì có vài vị khách đến muộn nhưng vẫn túc tắc mua đồ ăn, thong thả đi dạo dù có hàng chục người đang đợi”, anh Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng chỉ biết tiếng Hindi, không giao tiếp bằng tiếng Anh cũng là một trở ngại lớn với người làm dịch vụ.
“Thị trường Ấn Độ rất tiềm năng nhưng không dễ phục vụ”, nam hướng dẫn viên cho hay.
Nắm bắt đặc trưng khẩu vị riêng biệt của dòng khách Ấn Độ, bà Khuyên cho biết Paradise Vietnam đã tuyển dụng đầu bếp từ Ấn Độ, sử dụng nguyên liệu, gia vị đặc trưng để đáp ứng nhu cầu của họ.
“Dù có những yêu cầu khắt khe, những khó khăn nhất định, song việc đón các dòng khách thuộc thị trường chi trả cao là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch Việt Nam”, bà Khuyên nhấn mạnh.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào