Breaking News

Du khách Việt mắc kẹt ở Trung Quốc vì bão Yagi

Nhiều du khách Việt ở Hong Kong và Trùng Khánh bị ảnh hưởng bởi bão Yagi khiến chuyến bay bị hoãn, hàng quán đóng cửa, tour bị hủy.

Bến cảng Victoria mù mịt do ảnh hưởng bão Yagi. Ảnh: Vũ Ngọc Bích

Bến cảng Victoria mù mịt do ảnh hưởng bão Yagi. Ảnh: Vũ Ngọc Bích

Bão Yagi được xác định là cơn bão mạnh nhất từng xuất hiện ở khu vực Biển Đông trong nhiều thập kỷ qua. Bão đổ bộ tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió lên tới 234 km/h vào 16h20 chiều 6/9, theo Xinhua. Theo Cơ quan khí tượng tỉnh Hải Nam, bão Yagi dự kiến di chuyển về phía Hải Khẩu cũng như các huyện Trừng Mại và Lâm Cao. Nhiều sân bay ở phía nam Trung Quốc đã thông báo ngừng tất cả chuyến bay để đảm bảo an toàn.

Dù không phải là nơi tâm bão đi qua, Hong Kong vẫn hứng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Đây cũng là địa điểm du lịch quen thuộc của du khách Việt. Trên các hội nhóm du lịch Hong Kong, nhiều người cập nhật tình hình to gió lớn và bày tỏ sự lo lắng khi chuyến đi bị ảnh hưởng.

Một góc phố Hong Kong sau mưa lớn. Ảnh: Vũ Ngọc Bích

Một góc phố Hong Kong sau mưa lớn. Ảnh: Vũ Ngọc Bích

Chị Vũ Ngọc Bích (TP HCM) có chuyến du lịch Hong Kong và Đài Loan trong 20 ngày, vừa hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Chek Lap Kok chiều 5/9. Chị cho biết từ 11h đêm qua, trời bắt đầu mưa và gió, sáng nay mưa trên diện rộng, bến cảng Victoria mù mịt.

Chia sẻ với Ngôi Sao, Ngọc Bích nói: “Theo quan sát của tôi, 85% nhà hàng và quán ăn đóng cửa. Các cửa hàng tiện lợi hoạt động bình thường. Hầu hết các trung tâm thương mại lớn ngay khu Central đóng cửa. Nhiều đền chùa cũng đóng cửa, trong đó có đền Man Mo nơi tôi ghé qua sáng nay. Xe bus ngừng hoạt động, taxi, xe công nghệ phải chờ đợi rất lâu và hủy chuyến liên tục, chỉ có tàu điện ngầm vẫn còn hoạt động. Ứng dụng đặt đồ ăn như Food Panda cũng rất khó thực hiện vì hầu hết hàng quán nghỉ”.

Mưa ở Hong Kong do ảnh hưởng bão Yagi. Video: Vũ Ngọc Bích

Nữ du khách cũng bày tỏ sự lo lắng vì ngay ngày đầu tiên tới Hong Kong đã “dính bão”. Các chuyến mini tour đã đặt trên ứng dụng Klook như đi tàu ngắm cảng Hong Kong hay lên đỉnh núi Thái Bình (The Peak) cũng bị hủy và chưa biết có được hoàn tiền hay không. Chuyến đi này chị đi một mình và dự định ở lại một tuần. Tuy nhiên, do trời mát mẻ nên Bích vẫn quyết định xuống phố đi dạo.

Theo cơ quan khí tượng Hong Kong, chiều nay, mức cảnh báo đã hạ xuống cấp độ 3 do bão Yagi không đi thẳng vào đặc khu hành chính này. Một số hoạt động đã được khôi phục trở lại.

Các trung tâm thương mại lớn ở Hong Kong đóng cửa do bão. Ảnh: Vũ Ngọc Bích

Các trung tâm thương mại lớn ở Hong Kong đóng cửa do bão. Ảnh: Vũ Ngọc Bích

Cũng đang có chuyến đi Trung Quốc, anh Nguyễn Thành Anh (30 tuổi, Quảng Ninh) đã phải thay đổi lịch trình vì siêu bão Yagi. Anh cho biết mình có chuyến du lịch kết hợp công tác ở một số thành phố ở phía nam Trung Quốc như Trùng Khánh và Quý Dương (tỉnh Quý Châu) hôm 3/9 và dự kiến bay về hôm 7/9.

Cả hai thành phố này đều nằm khá xa đường đi của bão Yagi tuy nhiên do sân bay ngừng hoạt động nên chuyến bay bị tạm hoãn cho tới khi có thông báo mới. Theo lịch trình, chuyến bay sẽ xuất phát từ thành phố Quý Dương về sân bay Nội Bài.

“Tôi khá lo lắng vì lần đầu tiên gặp sự cố như vậy. Do phải ở lại ít nhất hai ngày nên chi phí khách sạn, ăn uống bị đội lên so với dự tính. Trùng Khánh ít bị ảnh hưởng nhưng xem qua truyền thông ở Trung Quốc, nhiều địa phương như đảo Hải Nam, bán đảo Lôi Châu, nơi tâm bão đi qua, sức gió và mưa lớn rất dữ dội. Đây là kỷ niệm không bao giờ quên của tôi”, anh nói.

Anh Thành Anh và nhóm bạn dự định thay thế phương án di chuyển đường hàng không bằng đường bộ để đảm bảo an toàn và tránh ảnh hưởng tới lịch làm việc ở nhà. Hiện tại, nhóm có thể đi tàu cao tốc từ Trùng Khánh hoặc Quý Dương về thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây), sau đó đi xe khách về cửa khẩu Việt Nam.

Anh Nguyễn Thành Anh bị hoãn chuyến bay về Việt Nam do ảnh hưởng của bão Yagi.

Anh Nguyễn Thành Anh bị hoãn chuyến bay về Việt Nam do ảnh hưởng của bão Yagi.

Hiện chính quyền địa phương tại đảo Hải Nam yêu cầu người dân không rời khỏi nhà và ra lệnh đóng cửa tất cả doanh nghiệp, chợ, phương tiện giao thông công cộng, điểm tham quan du lịch, trường học. Sân bay lớn nhất tại Hải Nam hủy toàn bộ chuyến. Hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây cũng đã nâng cấp ứng phó khẩn cấp lên mức cao nhất, cảnh báo người dân về nguy cơ lở đất và lũ lụt.

Đêm nay, bão dự kiến vượt qua đảo Hải Nam, đi vào vịnh Bắc Bộ và đến 1h sáng 7/9, cách Quảng Ninh khoảng 230 km với sức gió mạnh nhất cấp 14, tức 166 km/h, giật cấp 17. Khoảng trưa mai, bão di chuyển qua các tỉnh Quảng Ninh – Nam Định, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Bão sau đó giữ hướng tây tây bắc, tốc độ 15-20 km/h, đi sâu vào các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình…

Trước ảnh hưởng của bão Yagi, 10 tỉnh, thành phố ở miền Bắc cho học sinh nghỉ học ngày 7/9; quân đội huy động hơn 450.000 người ứng phó với bão. Bốn sân bay Cát Bi, Vân Đồn, Nội Bài, Thọ Xuân dừng 240 chuyến bay nội địa, 70 chuyến bay quốc tế trong ngày 7/9.

Trưa 6/9, TP. Hải Phòng đã đình chỉ hoạt động giao thông vận tải thủy nội địa, phà sông, phà biển, tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long, các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí tại các khu vực biển, đảo để ứng phó với siêu bão số 3 sắp đổ bộ. 

Gửi góp ý

Theo Nguyên Chi ([Tên nguồn])

Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào