Người Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công “đỉnh núi chết chóc” ở Nepal
Theo thông tin từ ông Rajendra Dhakal, cán bộ liên lạc của chính phủ Nepal, anh Nguyễn Mạnh Duy đã trở thành nhà leo núi Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Manaslu có độ cao 8.163m vào 14h51 ngày 22/9 (theo giờ địa phương).
Đi cùng anh Duy là anh Temba Bhote, một hướng dẫn viên leo núi giàu kinh nghiệm. Cột mốc này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với nhà leo núi người Việt.
Anh Bhote cũng trở thành người hướng dẫn đầu tiên đưa một nhà leo núi Việt Nam lên đỉnh Manaslu, đỉnh núi cao thứ 8 thế giới và cũng là một trong những đỉnh núi đầy thử thách nhất hành tinh.
Được biết, với địa hình khó khăn và điều kiện thời tiết khó lường, đỉnh Manslu được coi là một trong những đỉnh núi thử thách nhất ở dãy Himalaya khiến thành tích này càng trở nên đáng tự hào.
Truyền thông Nepal nhận định, cả hai nhà leo núi đã tới đỉnh thành công, được coi là thành tích lịch sử leo núi đối với cả Việt Nam và Nepal.
Chuyến leo núi này cũng được đánh giá là sự kiện trọng đại với cộng đồng leo núi nói chung. Trong khi đó, thành công của nhà leo núi Mạnh Duy đánh dấu khoảnh khắc tự hào của Việt Nam trong lĩnh vực thể thao mạo hiểm.
Chỉ đứng thứ 8 trong số những đỉnh núi cao nhất thế giới, song từ lâu đỉnh Manaslu còn được dân leo núi chuyên nghiệp trên thế giới và người địa phương nhận định là “ngọn núi chết chóc”. Ít nhất có hơn 60 người đã thiệt mạng tại đây.
Thông thường để chinh phục đỉnh núi này, du khách sẽ mất khoảng 65 ngày. Đây được coi là bước đệm hoàn hảo để hướng tới chinh phục đỉnh Everest.
Theo nhà leo núi Dawa Steven Sherpa, người mở công ty về leo núi ở Kathmandu, “chinh phục Manaslu là bước tiến mà các nhà leo núi phải thực hiện trước khi hướng tới đỉnh Everest. Tuy nhiên điều kiện địa hình khắc nghiệt, đây lại là nơi thường xảy ra các vụ lở tuyết nên người dân địa phương còn gọi là ngọn núi chết chóc”.
Từ năm 1991, chính quyền địa phương mở cửa chào đón khách du lịch tới leo ngọn Manaslu, đặc biệt là những ai có nhu cầu chinh phục ở khu vực dọc biên giới giữa Nepal và Tây Tạng.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào