Tỷ phú Mỹ giàu thứ 11 thế giới chọn quán phở bò vỉa hè khi tới Hà Nội
Tháng 12/2023, tỷ phú người Mỹ gốc Đài Loan (Trung Quốc) Jensen Huang, có chuyến công tác về hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Đây là vị tỷ phú giàu thứ 11 thế giới và là CEO công ty Nvidia (hãng chip có giá trị lên tới 1.000 tỷ USD). Bởi vậy, chuyến đi của vị tỷ phú nổi tiếng này nhận được sự quan tâm đặc biệt của truyền thông trong nước và quốc tế.
Trong chuyến công tác lần này, ngoài việc đàm phán công việc, ông Jensen Huang còn muốn khám phá, trải nghiệm ẩm thực Việt Nam. Chính vì thế, trước khi vị tỷ phú đến Hà Nội, phía công ty Nvidia đã cử nhóm tiền trạm chuyên trách, khảo sát các quán ăn phù hợp với sở thích của vị CEO này.
Một buổi tối ngày cuối năm, như thường lệ ông Nguyễn Lý và bà Nguyễn Thị Thư (chủ quán phở mâm nổi tiếng trên vỉa hè Hàng Nón) tất bật làm đồ ăn, bưng phở cho khách. Tối nay quán đã gần kín bàn.
Khi bà Thư đang mải chần bánh phở, một nam thanh niên vốn là khách quen của quán bước tới. Anh nói nhỏ với chủ quán sắp có đoàn khách đặc biệt khoảng 15 người. Trong đó có một vị Chủ tịch người Đài Loan muốn tới ăn phở nên nhờ cửa tiệm sắp xếp chỗ ngồi.
Thấy vậy, ông Nguyễn Lý vội chạy ra, nói giúp các khách đang có mặt tại quán ngồi dồn sang một phía. Mọi người dù đang ăn dở nhưng nghe tin này đồng loạt nhất trí, chạy dạt sang chỗ ngồi phía quán cà phê bên cạnh.
Bà Thư vừa sắp xếp bày biện mâm bát thì đoàn khách đã bước tới. Mâm của vị Chủ tịch ngồi ở vị trí đầu tiên. Ban đầu chủ quán cũng không nhận ra vị khách VIP mình đang tiếp đón là ai.
“Theo trí nhớ của tôi, vị Chủ tịch ăn mặc rất giản dị gồm quần kaki đen và áo phông đen. Đoàn đông người nhưng thực chất chỉ có 8 khách ăn chia thành 4 mâm ngồi ở 2 dãy. Ngoài 4 vệ sĩ cao to người nước ngoài đứng khoanh tay bảo vệ ở vòng ngoài còn có vài vệ sĩ người Việt đứng cùng. Họ không ăn, chỉ đứng và quan sát tình hình”, bà Thư nói.
Qua hỏi đoàn khách muốn ăn gì, người phiên dịch nói quán có món gì ngon nhất thì phục vụ nên bà Thư chọn phở bò chín sốt vang.
Đây vốn là món ăn được nhiều thực khách coi là “ngôi sao” của quán bởi có hương vị đặc biệt. Thịt bò được xử lý cẩn thận để khử mùi hôi, tẩm ướp với 7 loại gia vị rồi ninh hầm trong nhiều tiếng.
Thoáng chốc, 8 bát phở nóng hổi được bưng ra. Mỗi suất đều đồng giá 50.000 đồng là mức bình dân như các vị khách khác.
Theo quan sát của chủ quán, vị Chủ tịch ăn hết bát phở và chỉ để lại chút nước dưới đáy bát. Những khách khác trong đoàn cũng vui vẻ thưởng thức hết.
Khi thanh toán, người phiên dịch gửi lời cảm ơn tới ông Lý, bà Thư và cho biết vị Chủ tịch khen món ăn rất ngon, hẹn lần sau có dịp tới Việt Nam sẽ quay lại.
Tổng số tiền 8 bát phở là 400.000 đồng. Vị khách đưa 600.000 đồng, ngỏ ý muốn để lại tiền thừa tặng cho nhân viên của quán như lời cảm ơn. Cả đoàn lưu lại quán tầm 20 phút, trò chuyện cùng chủ quán một lúc rồi mới rời đi.
“Lúc đó quán rất đông khách và tôi thấy vị Chủ tịch có vẻ bận rộn với lịch trình nên cũng chỉ kịp bắt tay chào hỏi. Đáng tiếc chúng tôi không kịp chụp với đoàn khách kiểu ảnh nào”, bà Lý tiếc nuối.
Sau khi đoàn khách rời đi, vị khách quen ban đầu nán lại một chút để trò chuyện riêng với hai vợ chồng ông Lý. Lúc này, cả hai mới ngỡ ngàng khi biết danh tính của vị Chủ tịch ban nãy là tỷ phú Mỹ Jensen Huang gốc Đài Loan khi ông có dịp sang Việt Nam lần này.
Thu dọn hàng sau một buổi tối đông khách hơn thường lệ, ông bà Lý về nghỉ ngơi. Hôm sau khi có thời gian rảnh, hai vợ chồng chủ quán vội lấy điện thoại tìm kiếm thêm thông tin của vị tỷ phú Mỹ tới quán hôm qua là người thế nào.
“Hai vợ chồng tôi đều bất ngờ khi biết đây là một trong những vị tỷ phú giàu nhất thế giới. Chúng tôi từng hỏi người phiên dịch, sao ông ấy lại chọn quán vỉa hè để ăn mà không phải nhà hàng sang trọng nào đó.
Và người phiên dịch nói vị tỷ phú này khi tới Việt Nam muốn chọn ăn một quán phở ngon đặc trưng ở Hà Nội. Ông cho rằng, khi nếm thử ẩm thực tại các quán vỉa hè mới cảm nhận rõ hương vị địa phương”, bà Thư bộc bạch.
Trong trí nhớ của vị chủ quán, tỷ phú Jensen Huang toát lên phong thái dân dã nhưng rất gần gũi. Điểm khác biệt lớn nhất của ông là có dàn vệ sĩ cao to đứng tháp tùng xung quanh để bảo vệ, còn cách hành xử thân thiện khiến bà Thư thấy gần gũi, ấm áp.
“Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là chứng kiến cảnh cả đoàn ăn sạch sẽ bát phở. Có vẻ ông ấy cũng rất hài lòng”, ông Lý nhớ lại.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về ngày đầu lập nghiệp, Bà Thư cho biết cuối năm 1993, hai vợ chồng mua nhà trong ngõ ở phố Hàng Nón rồi dọn về đây sinh sống.
Ông Lý từng làm trong ngành văn hóa nghệ thuật rồi đi Đức xuất khẩu lao động một năm còn bà Thư làm trong ngành dệt may. Khi ông trở về, hai vợ chồng chưa biết làm gì thì người chị dâu sống ở Ngã Tư Sở có nghề bán phở bò, gà thâm niên hàng chục năm ngỏ ý muốn truyền nghề.
Theo công thức của người chị truyền cho, bà Thư tới tận nơi học nghề khoảng nửa tháng. Tới đầu năm 1994, quán phở chính thức khai trương.
Gọi là quán nhưng ngày đầu cũng chỉ có vài bộ bàn ghế đơn sơ xếp trong ngõ nhỏ. Sau này, quán mới mở ra để ngồi ngoài vỉa hè. Hồi đầu, quán chỉ chuyên các món phở truyền thống như tái chín, tái gầu, nạm, chứ chưa có phở bò sốt vang như bây giờ.
Từ công thức ban đầu, bà Thư tự mày mò rồi nêm nếm sao cho phù hợp với khẩu vị của khách. Ngày đầu quán chỉ bán buổi sáng trong vòng 3 tiếng là hết hàng. Điều đặc biệt, quán không dùng bàn như các quán phở khác mà sử dụng những chiếc mâm nhôm.
Lý giải về điều này, ông Lý cho rằng đây là nét độc đáo để khách nhớ tới.
“Ngày đầu, quán phở cũng chỉ bày bàn ghế nhựa. Nhưng tôi muốn mang thứ gì đó độc đáo là đặc trưng của bữa cơm người Việt. Khách ăn ngoài hàng vẫn có cảm giác được ngồi bên mâm, thưởng thức bữa cơm gia đình”, chủ quán chia sẻ.
Diện tích phố cổ vốn chật hẹp. Nếu kê nhiều bàn ghế sẽ tốn không gian nên việc đặt những mâm phở phục vụ khách vừa hay thuận lợi nhiều mặt. Từ đó, khách chỉ cần tới phố Hàng Nón thấy những chiếc mâm nhôm kê ở vỉa hè, là nhớ ngay tới phở bò Lý Béo.
Để duy trì 31 năm bán quán và giữ chân khách, bà Thư cho rằng điều này không đơn giản. Ngoài cái tâm của người làm nghề, chủ quán yêu cầu rất khắt khe thực phẩm đầu vào mới mong có được bát phở ngon.
“Tôi có mối quen 31 năm nay cứ sáng sớm đã tới giao hàng tận nơi. Chúng tôi chấp nhận giá tiền đắt nhất nhưng phải là hàng chọn, không thể mua hàng xô và nói không với thực phẩm đông lạnh”, bà Thư chia sẻ.
Theo tìm hiểu, mỗi ngày quán dùng khoảng 20kg thịt các loại để phục vụ món tái chín, nạm, sốt vang và 20-30kg bánh phở. Những ngày lễ Tết, lượng thực phẩm sẽ nhiều hơn.
Để có nồi nước dùng ngọt thanh và trong, bà Thư phải khử mùi hôi từ xương, thịt bằng cách ngâm lâu trong nước muối rồi mới chế biến. Nước dùng ninh từ 8h30 khi đủ độ sôi sẽ om để đảm bảo độ thanh trong, không bị đục ngầu.
Các món tại quán đều đồng giá 50.000 đồng. Nếu khách gọi phần đặc biệt nhiều thịt bò hơn sẽ có giá 70.000 đồng. Quán mở từ 18h đến 0h hàng ngày.
“Chúng tôi từng đón nhiều đoàn khách là những nhân vật quan trọng tới thưởng thức. Hầu như họ đều có đặc điểm chung là khá kín tiếng. Như đoàn khách tỷ phú Mỹ lần này cũng vậy. Cho dù là người nổi tiếng hay bình dân, chúng tôi đều phục vụ tận tâm giống nhau. Làm hàng ăn vất vả nhiều, nhưng đam mê và nhiệt huyết khiến chúng tôi vẫn bám trụ đến bây giờ”, ông Lý chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) đồng thời là cán bộ ngoại giao trong đoàn đi cùng tỷ phú Jensen Huang, đã kể lại nhiều kỷ niệm bên lề cũng như công tác đón đoàn.
Ông Tuấn cho biết, Tổng Lãnh sự quán rất vinh dự khi hỗ trợ chuyến thăm vào tháng 12/2023 của ông Jensen Huang tới Việt Nam. Trong quá trình chuẩn bị, đoàn ngoại giao có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh, lễ tân và đơn vị chủ quản để vị tỷ phú Mỹ có sự đảm bảo an ninh cao nhất trong suốt chuyến thăm nhưng vẫn cảm thấy thư giãn, thoải mái.
“Về lựa chọn ẩm thực của ông Jensen Huang, chúng tôi biết vị tỷ phú này là người rất mê ẩm thực Việt và thường xuyên thưởng thức đồ ăn Việt tại San Francisco và thung lũng Silicon.
Tôi cho rằng quyết định ăn uống ở các nhà hàng trên phố trong khu phố cổ Hà Nội của ông phản ánh sở thích cá nhân đối với ẩm thực đường phố bởi sự hấp dẫn đặc biệt. Nhiều người biết rằng, mặc dù thành công trong sự nghiệp, nhưng ông Huang vẫn coi trọng sự giản dị và kết nối.
Dường như thời gian ở Hà Nội đã giúp ông có cơ hội tuyệt vời để kết nối ký ức thơ ấu gian khó, hương vị ẩm thực quen thuộc và trải nghiệm văn hóa sôi động nơi phố cổ Hà Nội”, Tổng Lãnh sự Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Trước khi chuyến thăm Việt Nam diễn ra, công ty Nvidia nơi tỷ phú Jensen Huang là CEO đã cử một nhóm tiền trạm chuyên trách, khảo sát các địa điểm không chỉ ở Hà Nội mà còn tất cả những nơi dự kiến trong hành trình của ông.
Nhóm tiền trạm là những người đặc biệt am hiểu sở thích ẩm thực của vị CEO. Họ cẩn thận trong việc xác định nhà hàng cung cấp các món ăn chất lượng cao cũng như đặc sản địa phương. Nhóm cung cấp cho ông một danh sách các đề xuất nhà hàng và món ăn để lựa chọn.
Quán phở mâm ở Hàng Nón là một trong những nơi được nhóm tiền trạm đề xuất và cuối cùng vị tỷ phú này cũng chọn để ghé thăm.
Theo Tổng Lãnh sự Hoàng Anh Tuấn, cách làm này giúp đảm bảo sự cân bằng giữa việc lập kế hoạch cẩn thận và sở thích cá nhân. Để tìm hiểu kỹ càng, nhóm tiền trạm sử dụng các nhân viên địa phương và hiểu biết của họ về sở thích ăn uống của vị tỷ phú, qua đó đưa ra những đề xuất phù hợp.
Nhưng cuối cùng, tỷ phú Jensen Huang là người quyết định lựa chọn đâu là món ông thấy hấp dẫn.
Food Tour ẩm thực Hà Nội của tỷ phú Huang trong tối hôm đó gồm nhiều quán hàng nổi tiếng phố cổ như phở mâm Hàng Nón, lẩu ngan Hàng Thiếc, cà phê Giảng trên phố Nguyễn Hữu Huân.
“Dù không thể nhớ hết các nhận xét của ông Huang về món phở bò sốt vang tại quán trên phố Hàng Nón hay các món khác, nhưng sự hài lòng tổng thể với ẩm thực Hà Nội là điều rất rõ ràng. Ông đã thưởng thức đồ ăn như một tín đồ ẩm thực chân thực. Có thể nói, ẩm thực Hà Nội đã để lại ấn tượng rất tốt trong lòng vị tỷ phú này.
Việc một nhân vật tầm cỡ toàn cầu như ông Huang, trải nghiệm và thích thú ẩm thực đường phố Hà Nội rất có giá trị. Điều này giúp Việt Nam quảng bá ẩm thực địa phương với khách du lịch trong nước và quốc tế tốt hơn nhiều so với cách quảng cáo truyền thống. Đây còn là một trải nghiệm chân thực và có sự lan tỏa hết sức mạnh mẽ, vượt qua ngàn lời nói”, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào