Vừa bịt mũi và ho vẫn cố đứng xem bông hoa khổng lồ tỏa mùi thối nồng nặc
Tại thành phố Geelong ở Australia ngay phía nam Melbourne, hàng nghìn du khách vẫn kiên nhẫn xếp hàng để có cơ hội hiếm hoi ngửi trực tiếp một loài thực vật khác thường.
“Nó có mùi hôi thối như xác động vật phân hủy”, một du khách vừa bịt mũi và ho khi được hỏi chuyện.
Đó là hoa xác chết hay Amorphophallus Titanum (thường được gọi tắt là Titan Arum). Loài thực vật này được đặt tên theo mùi hôi thối khi hoa nở để thu hút những loài thụ phấn như bọ cánh cứng hay ruồi.
Tuy nhiên loài thực vật này nở hoa thường không thể dự đoán trước. Đôi khi nó chỉ nở một lần trong vòng 10 năm. Mỗi lần nở, thời gian chỉ kéo dài 24 đến 48 tiếng nên trở thành sự kiện được chờ đợi và thu hút rất đông người tới chiêm ngưỡng.
Được biết, bông hoa xác chết được Viện bảo tàng Thảo dược ở Adelaide, Nam Australia tặng cho vườn bách thảo Geelong năm 2021. Suốt những năm qua, những người phụ trách vườn luôn theo dõi, chờ đợi dấu hiệu hoa nở.
Sau nhiều ngày mong chờ, bông hoa đã nở vào ngày 11/11. Ngay trong ngày đầu tiên, vườn bách thảo thu hút hơn 5.000 khách tới chiêm ngưỡng. Nơi này sẽ mở cửa liên tục tới tối 13/11 khi thời gian nở hoa kết thúc.
Với những người không thể tới xem có thể xem chương trình phát trực tiếp với hàng chục nghìn lượt theo dõi từ khắp nơi trên thế giới.
Một số du khách còn quay lại nhiều lần để xem khoảnh khắc cây nở hoa ở nhiều giai đoạn khác nhau. Đó là lúc phần lá chậm rãi cuộn lại xuống gốc. Một cột thẳng đứng xuất hiện với hàng trăm bông hoa nhỏ ở phía dưới.
“Titan Arum đang có nguy cơ tuyệt chủng là loài hoa xác thối lớn nhất và việc bảo tồn loài này rất quan trọng vì quần thể hoang dã đang suy giảm”, vị giám đốc điều hành cho biết.
Loài cây này có nguồn gốc từ Indonesia và nằm trong danh sách “có nguy cơ tuyệt chủng” theo Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa.
Theo IUCN, môi trường sống bản địa của loài cây này là rừng Sumatra đã bị tàn phá do đất đai bị thoái hóa và nạn phá rừng. Trong đó, phần lớn đất đai được chuyển đổi thành đồn điền để lấy gỗ, giấy hoặc dầu cọ.
Loài cây này có thể sống hơn 30 đến 40 năm, đồng nghĩa với việc nó chỉ nở hoa một vài lần trong suốt cuộc đời. IUCN ước tính chỉ còn lại vài trăm loài cây này trong tự nhiên.
Thông tin từ IUCN cho thấy, hiện nay loài cây này được bảo vệ hợp pháp tại Indonesia. Ngoài ra, hàng chục vườn thực vật trên khắp thế giới trồng loài cây này để hỗ trợ công tác bảo tồn, bao gồm một vườn ở California (Mỹ).
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào