Xã đảo duy nhất của TPHCM nhộn nhịp Lễ hội Nghinh Bà Thủy Long
Lễ hội truyền thống mừng công ngư – diêm dân, hay còn gọi là Lễ Nghinh Bà Thủy Long, mang đậm dấu ấn cư dân miền biển ở xã đảo Thạnh An. Điểm nhấn là lễ Nghinh Thủy, nơi tàu thuyền rực rỡ cờ hoa ra khơi thực hiện nghi thức cầu an, tạ ơn biển cả. Đây không chỉ là dịp tạ ơn mà còn là lời cầu mong cho một năm sóng yên, gió thuận, mùa màng bội thu.
Từ sáng ngày 14, người dân đã nô nức đổ về xã đảo Thạnh An, hàng hóa cũng được vận chuyển về liên tục để chuẩn bị cho Lễ Nghinh Bà Thủy Long.
Vào khoảng 12h, ngày 15/10 (Âm lịch), ghe Bà (ghe lớn, có trang trí cờ lễ hội, cờ nước) sau khi làm xong các nghi thức cúng tại miễu, bắt đầu chạy ra, dẫn đầu đoàn ghe của các ngư dân chạy vòng quanh xã đảo Thạnh An. Trên ghe Bà là các bậc cao niên, với trọng trách làm lễ cúng bái thần linh.
Theo sau có ghe UBND xã, ca nô, tàu kiểm ngư của các lực lượng có liên quan được phân công để làm nhiệm vụ điều phối lộ trình di chuyển, hướng dẫn các ghe, tàu chạy theo thứ tự và đảm bảo an toàn. Hàng chục ghe, tàu lớn nhỏ đi Nghinh đều trang trí cờ hoa rực rỡ, tiếng trống, tiếng kèn và những tiếng reo hò vang cả vùng biển. Những chiếc ghe này đi theo trật tự và luôn luôn đi sau chiếc ghe Bà. Ghe Bà rời bến đầu tiên, luôn đi trước dẫn đầu và cập bến cuối cùng với ngụ ý soi đường dẫn lối cho ngư dân “đi đến nơi, về đến chốn”.
Trên một chiếc ghe đi Nghinh Bà Thủy Long, chủ ghe chuẩn bị lễ vật để cúng Bà với mâm ngũ quả, hoa, rượu, gạo muối và giấy vàng mã. Nhiều chủ ghe, thuyền chuẩn bị mâm lễ vật đồ sộ hơn như heo quay, vịt quay, gà… để cúng xin Bà phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, giúp ngư dân đánh bắt thuận lợi.
Sau khi kết thúc đi Nghinh trên biển, các chủ ghe, người dân rước Bà về miễu trong sự reo hò, đón chào. Đoàn người đông nghẹt kéo dài khoảng 2km từ bến đò vào đến miễu Bà Ngũ Hành.
Điều làm nên nét riêng biệt của lễ Nghinh Bà Thủy Long không chỉ nằm ở phần nghi lễ mà còn ở tinh thần gắn kết gia đình, cộng đồng. Với người dân xã đảo, đây là dịp quan trọng hơn cả ngày Tết. Dù đi đâu, làm gì, con cháu cũng trở về quê nhà, cùng tham dự lễ hội như một lời hẹn ước truyền thống không thể thiếu.
Bên cạnh những nghi lễ tế tự tại miễu Bà Ngũ Hành, nhân dân địa phương còn có dịp thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực, các chương trình văn nghệ, đặc biệt không thể thiếu tiết mục múa lân.
Trong không khí rộn ràng của Lễ Nghinh Bà Thủy Long, các đoàn lân – sư – rồng trên địa bàn xã cũng tất bật chuẩn bị nhiều tiết mục phục vụ người dân. Đoàn võ thuật lân – sư – rồng Phúc Tâm là một trong những đội có quy mô lớn nhất, hiện có 30 thành viên. Phần lớn các thành viên của đoàn là các bạn học sinh, sinh viên có niềm đam mê với nghề múa lân – sư – rồng.
“Đội đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ một tháng trước, từ trang phục đến các động tác. Khi ra biểu diễn, được nhìn thấy ánh mắt mong chờ và niềm vui của khán giả, bản thân em cảm thấy rất hạnh phúc. Đây còn là dịp để thể hiện tinh thần đoàn kết và giữ gìn truyền thống văn hóa”, Thanh Tú (16 tuổi) chia sẻ.
Người dân đến xem biểu diễn tại miễu Bà Ngũ Hành, chị Thu Hiền (25 tuổi) chia sẻ, không khí lễ hội năm nay có phần náo nhiệt hơn, nhiều tiết mục múa lân được đầu tư chỉn chu, trang trọng hơn.
Song song đó, lễ hội còn có tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa dân tộc và mang tính đặc trưng của người dân vùng biển. Chị Cẩm Ly (35 tuổi) đạt giải ba trong trò chơi đan lưới, “cuộc đời ngư dân gắn liền với những chiếc lưới, đây là một trò chơi vô cùng thiết thực, góp phần giúp những khách du lịch phần nào hiểu về văn hóa địa phương”.
Ông Lê Văn Bình (50 tuổi) hào hứng chia sẻ, chài lưới là một phần trong công việc hằng ngày của chúng tôi, nhưng khi làm trong lễ hội, cảm giác khác hẳn. Được mọi người cổ vũ, tham gia cùng nhau tạo nên không khí vui vẻ, sôi động. Nhìn thấy sự tham gia của những người trẻ, tôi rất vui vì điều đó cho thấy truyền thống của làng biển vẫn sẽ tiếp tục được giữ gìn.
Bắt vịt cũng là một trò chơi gắn liền với người dân miền biển. Với quan niệm mỗi chú vịt bắt được sẽ mang lại may mắn cho bản thân và gia đình, gửi gắm ước vọng của người dân làm ăn thuận lợi, con cháu trong gia đình mạnh khỏe đồng thời tạo tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Lần đầu tham dự Lễ Nghinh Bà Thủy Long, anh Đăng Khoa (quận 8, TPHCM) cảm thấy thích thú khi được ra khơi và hòa mình vào không khí sôi động. Anh cho biết vô cùng ấn tượng với nét văn hóa độc đáo, ý nghĩa của lễ hội cùng sự ấm cúng, hào sảng của cư dân xã đảo. “Phần lễ trang nghiêm, phần hội sôi động, đậm chất vùng biển”, anh Khoa nói.
Một điểm đặc biệt của lễ hội là cuộc họp mặt hàng năm giữa Ủy ban Nhân dân xã và các đơn vị thân thiết từ các tỉnh bạn. Lễ hội có sự tham gia của lãnh đạo các phường, xã ở Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Giuộc (Long An), cùng các quận, huyện, TP Thủ Đức (TPHCM).
Không chỉ là dịp đoàn tụ của những người con xa quê, lễ hội còn là cơ hội để khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và khám phá nét đẹp văn hóa của xã đảo.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào