Breaking News

Traveloka, Booking, Agoda đang át vía các đại lý du lịch Việt

Các đại lý du lịch trực tuyến ngoại có đánh bại đại lý Việt? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang đón những vị khách quốc tế từ Cộng hòa Czech đến Phú Quốc nghỉ dưỡng ngày 24-10-2024 – Ảnh: T.PHƯƠNG

Theo khảo sát Travel Tech 2024 của Outbox, thị trường đại lý du lịch trực tuyến (OTA) tại Việt Nam đang chịu chi phối bởi các “ông lớn” quốc tế như Traveloka, Booking.com và Agoda. Các thương hiệu này đang là lựa chọn hàng đầu của khách Việt.

3 lợi thế vượt trội của đại lý du lịch trực tuyến ngoại

Travel Tech 2024 cho hay, tỉ lệ chuyển đổi từ giai đoạn nhận biết đến sử dụng dịch vụ của nhóm này luôn vượt xa so với các thương hiệu OTA nội địa. Cụ thể, Traveloka sở hữu độ nhận diện và tỉ lệ chuyển đổi tốt nhất với 82% du khách Việt biết đến, 61% đã sử dụng dịch vụ trong 12 tháng gần nhất và tỉ lệ chuyển đổi từ nhận biết sang sử dụng đạt 74%.

Mặc dù có sự hiện diện của các OTA nội địa như iVIVU (Tập đoàn Thiên Minh), Gotadi… nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thị phần. Tại Việt Nam có nhiều nền tảng hiện nay là đại lý du lịch (TA) có ứng dụng công nghệ chứ không phải đại lý du lịch điện tử đúng nghĩa (OTA).

“Hầu hết OTA nội xuất phát từ một nhánh của công ty du lịch truyền thống hoặc start-up được đầu tư vốn một giai đoạn, rồi biến mất. Cuộc cạnh tranh giữa OTA Việt với các đối thủ ngoại hiện là 0-1 và tỉ số này có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng” – ông Hoàng Đức Huy, CEO Công ty du lịch Vitamin Tours, chia sẻ.

Theo các chuyên gia, có ba yếu tố chính giúp OTA nước ngoài chiếm phần lớn thị trường gồm sản phẩm, công nghệ và vốn.

Về sản phẩm, các OTA ngoại cung cấp loạt dịch vụ từ khách sạn, vé máy bay đến tour du lịch và bảo hiểm… Họ có sức mạnh đàm phán giá tốt nhờ quy mô toàn cầu, giúp họ trở thành “đại siêu thị” cho các sản phẩm du lịch.

Hơn nữa, họ có đa dạng các phương thức thanh toán. Theo Outbox, khách du lịch Việt Nam chủ yếu thanh toán trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng (34%), tiền mặt (28%), ví điện tử (21%) và thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ (18%).

Về công nghệ, các OTA cho phép khách hàng có thể đặt vé máy bay, phòng khách sạn và các dịch vụ liên quan ở bất kỳ đâu trên thế giới chỉ trong vài phút và xác nhận nhanh chóng. Họ cung cấp cả ngôn ngữ tiếng Việt, thậm chí có cả trung tâm dịch vụ khách hàng tại Việt Nam. Trong khi đó, các OTA nội địa chỉ tự động hóa một phần quy trình, nhiều công việc phải “chạy bằng cơm”, dẫn đến việc khách hàng đôi khi phải chờ đợi lâu.

Các đại lý du lịch trực tuyến ngoại có đánh bại đại lý Việt? - Ảnh 3.

Nhiều OTA ngoại đang chi phối thị trường dịch vụ du lịch trực tuyến ở Việt Nam – Ảnh chụp màn hình

Một lợi thế đặc biệt vượt trội của OTA ngoại là tiềm lực tài chính, giúp họ liên tục có chiến dịch marketing và “đặt sỉ” số lượng lớn phòng, vé máy bay trước cả năm rồi điều tiết giá cả linh hoạt. Điều này nằm trong chiến lược dùng nguồn thu từ các thị trường đã phát triển để bù đắp cho những thị trường mới nổi như Việt Nam.

“Với mạng lưới đối tác và nhà cung cấp rộng lớn, chúng tôi có thể cung cấp nhiều lựa chọn và giá cả cạnh tranh” – ông Varun Grover, giám đốc quốc gia Booking tại Việt Nam, thừa nhận với Tuổi Trẻ và tiết lộ sự tăng trưởng của thị trường OTA Việt Nam dự kiến sẽ đạt giá trị tới 9 tỉ USD vào năm 2025, được thúc đẩy từ nhiều yếu tố như tỉ lệ người dùng Internet và thu nhập ngày càng tăng.

“Các OTA phải liên tục đổi mới và cải thiện dịch vụ để đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách”, ông Varun Grover nói.

OTA nội tìm lối đi riêng

Các đại lý du lịch trực tuyến ngoại có đánh bại đại lý Việt? - Ảnh 4.

Sự tặng trưởng của ngành du lịch trực tuyến OTA ở Đông Nam Á. Số liệu theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2024 của Google, Temasek và Bain & Company – Đơn vị: tỉ USD

“Thị trường OTA tại Việt Nam từ trước tới nay vẫn là cuộc cạnh tranh giữa các OTA ngoại, cùng sự xuất hiện nhiều hơn từ các đơn vị trong châu Á” – ông Đặng Mạnh Phước, CEO OutBox Company, nhận định.

Nhìn lại thập niên qua, các OTA nội địa đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Ban đầu nhiều cái tên như Tripi, Mytour, VnTrip, Gotadi, iVIVU, Chudu24 và Luxstay ra đời. Sau đó, họ nỗ lực mở rộng dịch vụ và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh khốc liệt, một số OTA đã tìm kiếm các hướng đi mới như tập trung vào thị trường ngách hoặc hợp tác với các đối tác quốc tế để tồn tại.

“Sẽ có xu hướng một số công ty trong ngành du lịch đuối sức hoặc tạo ra để bán cổ phần cho OTA ngoại. Họ mua không phải mua thị phần mà là mua hạ tầng kinh doanh, hệ thống, cách vận hành đặc trưng thị trường nội địa” – ông Hoàng Đức Huy, CEO Công ty du lịch Vitamin Tours, chia sẻ.

Nằm trong nhóm công ty nội địa chọn tập trung vào một phân khúc cụ thể, ban đầu Tugo tập trung vào việc cung cấp các tour du lịch giá rẻ và chất lượng.

Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt từ các OTA quốc tế, hãng chuyển hướng tập trung vào các tour du lịch cao cấp và độc đáo với ba dòng sản phẩm chính: tour siêu khuyến mãi, tour cao cấp và tour cao niên cao cấp nhằm phục vụ các đối tượng riêng biệt.

Anh Nguyễn Hoài (Hà Nội) ấn tượng với voucher iVivu bán trọn gói kỳ nghỉ ở Phú Quốc. Với mức giá hợp lý, anh cho rằng các OTA nội đang nỗ lực. “Nhân viên rất nhiệt tình, như chủ động check-in online giúp gia đình tôi để thuận lợi ở sân bay. Nếu đầu tư bài bản, tôi tin OTA nội sẽ mạnh lên” – anh Hoài nói.

Tuy nhiên theo ông Hoàng Đức Huy, cả OTA nội địa và nước ngoài đều phải đối mặt với sự thiếu trung thành từ khách hàng. Người tiêu dùng thường so sánh giá và khuyến mãi để chọn OTA cần sử dụng.

Các OTA ngoại cũng rất chu đáo. Ông Huy từng là một khách Platinum với Agoda gần đây đã chuyển sang sử dụng Trip. Bởi khi đặt vé máy bay qua Trip, ông không chỉ ấn tượng với mức giá rẻ mà còn được cung cấp thông tin dịch vụ kỹ lưỡng. Thậm chí hãng tự động gửi thông báo trước về thủ tục cần chuẩn bị, thông tin điểm đến, cập nhật thay đổi cửa ra máy bay hay thông báo số băng chuyền hành lý khi hạ cánh.

Những người tiêu dùng như ông Huy không chỉ biết đến một vài OTA mà còn rất thành thạo trong việc sử dụng công nghệ để tìm kiếm ưu đãi tốt nhất. Đây cũng là thách thức để các OTA phải đối mặt để phát triển.

* Ông Hoàng Đức Huy (CEO Công ty du lịch Vitamin Tours):

OTA không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là thách thức buộc các công ty truyền thống phải chuyển đổi để phục vụ khách hàng tốt hơn. Sự chuyển đổi này không chỉ đơn thuần là thay đổi công nghệ mà còn là thay đổi tư duy kinh doanh. Cần học hỏi tinh thần “sống chung với lũ” của người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều OTA mở rộng hoạt động ở Việt Nam

Theo ông Đặng Mạnh Phước, nhìn cách các OTA đầu tư vào thị trường sẽ phản ánh phần nào vai trò của Việt Nam trong chiến lược tổng thể của họ. Ví dụ Booking không có bộ phận marketing hay kinh doanh riêng mà chỉ có bộ phận phát triển thị trường, tập trung làm việc với các nhà cung cấp.

Ngược lại, các OTA gốc châu Á như Traveloka, Trip hay Klook lập công ty con hoặc mở rộng bộ phận phát triển thị trường để đáp ứng sát sao nhu cầu địa phương.

Một xu hướng mới sau đại dịch COVID-19 là khách du lịch chủ động đặt dịch vụ trực tiếp với nhà cung cấp khiến một số khách sạn lớn đầu tư hệ thống đặt phòng riêng để giảm phụ thuộc vào OTA và tránh khoản hoa hồng phải trả cho OTA (khoảng 30%, chưa kể các chi phí bổ sung).

Đáng lưu ý, ngoài kỳ lân (start-up được định giá trên 1 tỉ USD) đến từ Indonesia là Traveloka, thị trường OTA Việt Nam gần đây có hai cái tên đáng chú ý là Klook và Trip đang xâm nhập bước đầu nhận được nhiều quan tâm.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện Klook (thành lập năm 2014 tại Hong Kong, Trung Quốc) cho biết họ bán các sản phẩm tại Việt Nam từ năm 2016 và hai năm sau đó mở văn phòng đại diện. Hiện họ có đội ngũ phát triển thị trường và đội ngũ phát triển người dùng cùng các phòng ban hỗ trợ khác tại Việt Nam.

Nguồn: Sưu tầm

Không có nhận xét nào